Những ngày qua người hâm mộ, yêu mến các ca khúc mang đậm chất dân ca, thấm đẫm tình người đang trĩu nặng tâm trạng tiếc nuối. Niềm tiếc nuối da diết dành cho vị nhạc sỹ tài hoa mà yểu mệnh – Thiếu tướng, nhạc sỹ An Thuyên. Người nhạc sỹ của “Ca dao em và tôi” ngọt ngào và ấm áp, người lính bộ đội cụ Hồ hiền lành, phúc hậu và đầy nhiệt huyết. Ông đã ra đi sau cơn bạo bệnh ngày 3/7/2015.
Sự ra đi đột ngột của ông là mất mát lớn với mảnh đất miền Trung đầy nắng gió nói riêng và người yêu âm nhạc nói chung. Những lời chia sẻ chan chứa tình cảm của các nghệ sỹ, người hâm mộ khắp cả nước đã phần nào nói lên phẩm chất đáng quý và tài năng của người con xứ Nghệ.







Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình). Ảnh: Phong Việt





66 mùa xuân dù chưa phải quá dài nhưng không phải là ngắn ngủi. Bởi chừng ấy thời gian đã đủ cái tên của nhạc sỹ “Neo đậu bến quê” neo đậu con thuyền chân dung mình trong lòng người yêu nghệ thuật. Ông đã từng nói: “Tôi đã được lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian. Nhưng điều đấy không có nghĩa là chất liệu đó sẽ vào trong sáng tác của mình. Điều cốt lõi là người nhạc sỹ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần túy thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca”.
“Chín bậc tình yêu” nơi người nghệ sỹ đã từng đắm chìm trong dân ca Nghệ Tĩnh đã đi về hướng Tây thủ đô Hà Nội. Đi về hướng Tây là về cõi Tây Phương Cực Lạc, cõi thiên thu vĩnh hằng… Đồi Mộc nơi khuôn viên 9 quả đồi đắc địa, có dòng suối tự nhiên Thủy Long chạy quanh là nơi yên nghỉ của nhạc sỹ An Thuyên – người ra đi để lại “vầng trăng cắt nửa”.







Đồi Mộc thuộc nghĩa trang Lạc Hồng Viên là nơi yên nghỉ của nhạc sỹ An Thuyên. Ảnh: Phong Việt





Lạc Hồng Viên là một công viên nghĩa trang cách thủ đô Hà Nội 52 km, tọa lạc trên khuôn viên rộng 98 ha tại huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Cái tên của nơi an nghỉ đã phần nào dìu dịu đi nỗi đau, niềm thương của những người còn sống. Lạc Hồng là sự tự hào mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Rồng. Hồng còn có nghĩa là cánh chim ẩn ý sâu sắc về quy luật muôn thuở Sinh – lão – bệnh – tử. Những người về với thế giới bụi trần như những cánh chim tự do bay lượn, thỏa sức cất tiếng hót dâng hiến cho đời. Những người đã mất lại tiếp tục hồi sinh theo vòng tròn luân hồi bằng những thế hệ tiếp theo.
Lạc Hồng Viên sẽ là mái ấm bình yên để người nhạc sỹ yêu mến của chúng ta nghỉ ngơi và siêu thoát. Để ông tiếp tục một vòng tròn luân hồi, lại là một cánh chim với giọng ca ngọt ngào, sâu lắng cất tiếng hót dâng hiến cho đời.
Trao đổi cùng PV Ngày nay, ông Nguyễn Phúc Hào, Trưởng ban quản lý Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên cho biết: 'Từ khi biết tin nhạc sỹ An Thuyên chọn nơi này là nơi an nghỉ, toàn thể cán bộ, công nhân viên đều cảm thấy rất vinh dự. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ rất cẩn thận và chu đáo. Từ bàn ghế, phông màn tới trà nước. Ngay cả việc ăn mặc chúng tôi cũng quán triệt nhân viên phải thực hiện từ hôm nay. Tất cả đã sẵn sàng đón bác An Thuyên về với ngôi nhà mới'.

Xem thêm:
- Nhạc sĩ An Thuyên và ước nguyện âm nhạc cuối cùng...
- Nhạc sĩ An Thuyên: Tâm và Tài








Theo ngaynay.vn