Giữ hồn truyền thống


Đồng bào Cor thôn 2A trước đây sinh sống trên ngọn núi Răng Cưa cách làng bây giờ hơn 5 km về phía nam. Sau năm 1980, được sự vận động của chính quyền địa phương, dân bản dời về lập làng dọc con sông Trót uốn lượn quanh năm phù sa màu mỡ.







Cây Đàn TrâKót ông Bình chơi đã hơn 15 năm tuổi





Trong trí nhớ của ông Bình, những đứa trẻ như ông ngày nhỏ đều lớn lên bên những lời hát ru Klu, Xàru, Agiới… của các bà, các mẹ. Cha ông, một nghệ nhân chơi đàn nổi tiếng ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (trước đây) quanh năm vắng nhà. Trong những lần hiếm hoi cùng cha vào rừng chọn nguyên liệu làm nhạc cụ, ông Bình lặng lẽ ghi nhớ những loại cây, loại dây để làm đàn, kèn, sáo… mà cha mình chọn lựa. Về nhà ông tự tìm tòi học làm theo cha. Vài năm sau, được cha tin tưởng truyền nghề, chỉ thời gian ngắn ông Bình đã am tường các nhạc cụ người Cor và nắm rõ những làn điệu cổ truyền.
Chiến tranh khốc liệt cùng sự bào mòn của thời gian làm thay đổi cuộc sống của người Cor. Các nhạc cụ, điệu múa truyền thống của người Cor vì thế dần mất đi. “Trước năm 1970, cả làng cùng nhau sinh sống trong một căn nhà sàn rộng lớn. Căn nhà sàn tập thể là nơi đồng bào sinh hoạt chung và diễn ra những buổi lễ quan trọng. Thế nhưng, một lần quân Mỹ ném bom đã phá tan căn nhà sàn trăm tuổi. Đa phần những trang phục, nhạc cụ truyền thống người Cor cũng bị thất lạc trong thời gian đó”, ông Bình tâm sự.
Vẫn biết việc khôi phục những nhạc cụ như Đàn Vơró, đàn Kađlóc, kèn Amáp, sáo Tà lía, kèn Ra ngoái (kèn môi)… rất khó khăn. Ông Bình bảo, số nghệ nhân lớn tuổi như cha ông đều đã mất, am hiểu nhạc cụ chỉ vọn vẹn vài người. Hằng ngày, ông Bình cùng những người tâm huyết trong bản vẫn tỉ mẩn mày mò, nhớ lại các bí quyết làm đàn của cha ông ngày trước.


“Biết chơi nhạc mới lấy được vợ Cor”


Ông Bình đem cây đàn TrâKót ra gảy. Không gian tĩnh lặng hòa cùng giai điệu thánh thót, xao động trái tim của người nghe như tôi. Ông nhớ lại: Đàn ông Cor ngày xưa đều biết làm nhạc cụ, đều hát hay và múa giỏi. Không những vậy, họ còn biết làm vật dụng cổ truyền như cây nêu, cây gu, la vang để phục vụ lễ hội cuối năm. Và đó là tiêu chí đầu tiên để các thiếu nữ trong bản chọn làm chồng. Nhiều gia đình ở các bản làng chung quanh dù khá giả nhưng đến khi đi hỏi vợ bản Cor đều bị nhà gái trả lễ vì không chơi được nhạc cụ. Vợ ông Bình, bà Tuyết vì yêu những giai điệu mượt mà của ông nên đã đồng ý lấy ông làm chồng.
Cả bản người Cor hiện nay chỉ còn duy nhất ông Bình còn biết làm nhạc cụ, đánh công chiêng và hiểu trọn vẹn những làn điệu dân gian như Klu, Xàru, Agiới... Ông Bình tâm sự rằng, thanh niên trong bản lâu nay học tập hoặc làm ăn ở các thành phố, họ thích nghi với văn hóa dưới xuôi, có lối suy nghĩ hiện đại. Một bộ phận thanh niên còn tỏ ra xa lạ với cây đàn TrâKót, đàn Kađlóc hay kèn Amáp; thứ nhạc cụ mà xưa kia bất cứ chàng trai người Cor nào cũng mơ ước được chơi một lần trong các dịp lễ lớn.
Vẫn biết cuộc sống thay đổi nên chẳng thể trách những người trẻ không mặn mà với phong tục tập quán quê hương. Vì thế thông qua những lễ hội hằng năm cùng những câu chuyện truyền thống thú vị của người Cor, mình kiên trì khơi dậy lòng tự hào văn hóa dân tộc trong suy nghĩ của lớp trẻ. Tôi tin rằng với bản tính thông minh và sáng tạo của lớp thanh niên bây giờ. Tiếng đàn, điệu múa của người Cor sẽ được gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ sau,” ông Bình nói vậy.

Ông Trần Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kót cho biết: Trong những lễ hội văn hóa lớn ở huyện và tỉnh, ông Bình luôn đại diện cho đồng bào Cor biểu diễn những nhạc cụ với bạn bè khắp nơi. Hiện nay, thôn 2A đã có một đội nhạc do ông Bình lập ra để khuyến khích người dân tìm đến học hỏi. Tất cả mọi người muốn tìm hiểu nhạc cụ truyền thống đều được ông Bình vui vẻ chia sẻ, dạy bảo tận tình. Từ đó giúp bảo tồn tốt các làn điệu và nhạc cụ của người Cor.

Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Di sản Tây Nguyên đang mai một?
- Không gian văn hóa Mường: “Giấc mơ hồi sinh” nhà Lang
- Di tích văn hóa Óc Eo: Kho báu giữa đồng bằng sông Cửu Long




Theo ngaynay.vn