Chỉ trong vòng hai tháng, người yêu nhạc Việt đã ngậm ngùi chứng kiến sự ra đi của năm cây cổ thụ trong nền âm nhạc nước nhà.
Cách đây không lâu, ngày 1/5, sự ra đi của nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích đã khiến chúng ta tiếc nuối biết bao, thì tiếp đó, ngày 24/6, người hâm mộ lại bàng hoàng hay tin Giáo sư Trần Văn Khê qua đời. Nỗi đau chưa nguôi ngoai, ngày 29/6 sự ra đi của hai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân lại nhân lên gấp bội. Như duyên phận, chiều qua (6/4) khán giả yêu nhạc lại hẫng hụt trước sự ra đi của nhạc sĩ An Thuyên.







5 cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã ra đi.





Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích

Nhắc đến nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích, khán giả nghĩ ngay tới những ca khúc ông viết cho thiếu nhi. Tuổi thơ của những thiếu niên Việt Nam gắn liền với những ca khúc của ông như: Đưa cơm cho mẹ đi cày, Tiếng chim trong vườn Bác, Tre ngà bên lăng Bác, Em bay trong đêm pháo hoa, Rửa mặt như mèo
Hàn Ngọc Bích cũng là nhạc sĩ hiếm hoi có tới bốn ca khúc nằm trong danh sách 50 bài hát hay nhất thế kỷ XX. Nhiều ca khúc của ông dành những giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tác.







Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích.





Hàn Ngọc Bích đã khiến tất cả những ai từng có tuổi thơ đều hát vang những ca khúc của ông. Ông không chỉ được biết đến là người nhạc sĩ tài năng. Hàn Ngọc Bích còn là người thầy tận tụy, người đàn ông - người chồng, người cha mẫu mực. Tuy vậy, lúc sinh thời, ông vẫn khiêm tốn nhận mình chỉ là 1 người sáng tác nghiệp dư.
Sáng 1/5/2015, Hàn Ngọc Bích trút hơi thở cuối cùng, trong vòng tay yêu thương của bạn bè, gia đình và người hâm mộ. Ông ra đi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho những người yêu mến âm nhạc Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Khê

Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921, tại làng Vĩnh Kim (Tiền Giang), là con cả của một gia đình có bốn đời nhạc sĩ. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ những phẩm chất nghệ sĩ: lên 6 tuổi biết đàn kìm (đàn nguyệt), 8 tuổi biết đàn cò (đàn nhị), 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc... Năm 1941, ông thi đậu Thủ khoa Tú Tài Khoa Triết.
Ông là người Việt đầu tiên đỗ tiến sĩ Khoa Âm nhạc học với Đề tài luận án: La Musique vietnamienne traditionnelle (Âm nhạc truyền thống Việt Nam).







Giáo sư Trần Văn Khê trước lúc ra đi chỉ muốn nghe lại tiếng đàn tranh.





Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê trở bệnh nặng vào ngày 27/5 vì suy tim, viêm phổi nặng, thận hư. Ông bị suy hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm.
Được biết, trong suốt quá trình chữa trị, giám đốc bệnh viện là người trực tiếp điều trị cho ông. Rạng sáng 24/6, thông tin Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê qua đời để lại niềm tiếc thương cho người thân, bạn bè và giới nghệ thuật.
Không chỉ là ngôi sao sáng về nhân cách, tài năng của Việt Nam, ông còn là giáo sư Trường đại học Sorbonne, Pháp, và là thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO.
Sinh thời, ông từng chia sẻ, âm nhạc là 'người tình' khiến ông say đắm đến mức chẳng còn thời gian dành cho gia đình, vợ con. Đến giây phút cuối đời, giáo sư Trần Văn Khê vẫn dành tâm huyết của mình cho nền âm nhạc Việt Nam. Trong di nguyện, Giáo sư bày tỏ nguyện vọng chi phí tang lễ được dùng từ tiền mặt và trích sổ tiết kiệm của ông.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX.
Ông là nhạc sĩ của tâm hồn với những ca khúc trữ tình bất hủ còn mãi với thời gian như Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đambri, Tia nắng... Ông đã phổ nhạc thành công cho rất nhiều bài thơ. Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi, tiêu biểu là: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác...








Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.





Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng suốt 5 năm gần đây, Phan Huỳnh Điểu vẫn lặng lẽ cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam. Người ta vẫn trìu mến gọi ông là 'Ông già Tiếng hát mãi xanh”.
10h15 ngày 29/6, người yêu nhạc Việt Nam xót xa nhận tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vừa trút hơi thở cuối cùng.
Trước đó, vào tối 28/6, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rơi vào hôn mê sâu. Ông nhập viện vì bị xuất huyết và ngất xỉu tại nhà. Bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh bạch cầu cấp (một dạng ung thư máu). Tuổi già sức yếu cộng với bệnh tật khiến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không thể qua khỏi.
Sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một mất mát lớn không chỉ riêng đối với những khán thính giả yêu mến ông mà còn đối với nền âm nhạc Việt Nam nói chung.
Nhạc sĩ Phan Nhân

Ngay sau khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời ít giờ, công chúng yêu nhạc Việt bàng hoàng đón nhận thông tin tác giả ca khúc Chú ếch conPhan Nhân – đột ngột từ trần.
Nhạc sĩ Phan Nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân, sinh ngày 15 tháng năm 1930 tại Long Xuyên, An Giang. Từ nhỏ, Phan Nhân đã tỏ ra là một cậu bé thông minh và có năng khiếu về nghệ thuật, đặc biệt là trong âm nhạc.







Nhạc sĩ Phan Nhân lúc sinh thời.





Năm 1970, nhạc sĩ Phan Nhân được cử đi tu nghiệp âm nhạc ở Hungari. Vừa trở về, ông lại tiếp tục có mặt ở Hà Nội để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cũng trong khoảng thời gian này, dưới lửa trời bom đạn khốc liệt, ca khúc Hà Nội niềm tin và hi vọng được ra đời. Đây là ca khúc gắn với nhiều kỉ niệm buồn vui trong cuộc đời nghệ sĩ của ông.
Không chỉ dành tình yêu để viết về những ca khúc quê hương, đất nước, Phan Nhân còn dành ngòi bút của mình để sáng tác về những ca khúc viết cho thiếu nhi được các em nhỏ yêu thích. Trong đó có 15 bài hát thiếu nhi, trước 1975 có 12 bài, sau 1975 có 3 bài. Trước 1975 có mấy bài được thiếu nhi yêu thích như Chú ếch con (1967), Chú cừu Mộc Châu (1968), Em là bông lúa Điện Biên (1968), Hàng cây ơn Bác (1969).
Được biết, thời gian qua, nhạc sĩ Phan Nhân bị nhiều bệnh nặng. Đặc biệt, bệnh suy tim độ 3 cộng thêm bệnh u phổi đã cướp đi người nghệ sĩ tài hoa của làng âm nhạc Việt.
Đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng hàng ngày, nhạc sĩ vẫn rong ruổi trên chiếc môtô 125 phân khối để thăm thú, dạo chơi và tiếp tục... sáng tác. Bởi ông tâm niệm: 'Là nhạc sĩ mà không còn sáng tác được thì buồn lắm. Một nhà thơ người Nga đã từng nói đừng chết trước lúc lìa đời, tôi không muốn mình sẽ rơi vào hoàn cảnh ấy'.
Sự ra đi đột ngột của Phan Nhân khiến công chúng không khỏi ngỡ ngàng. Như vậy, chỉ trong 1 ngày, nền âm nhạc Việt Nam đã mất đi 2 nhạc sĩ gạo cội.
Nhạc sĩ An Thuyên

Sau nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân, khán giả Việt Nam lại tiếp tục đau lòng chứng kiến sự ra đi bất ngờ của nhạc sĩ An Thuyên vào chiều qua ngày 3/7.
Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949 tại xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ca khúc đầu tiên đó chính là bài hát Nối gót anh hùng, nhân dịp vài người dân quê đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
An Thuyên để lại dấu ấn trong lòng công chúng qua nhiều bài hát như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi...








Nhạc sĩ An Thuyên đã qua đời vào chiều qua ngày 3/7.





An Thuyên chiếm trọn được trái tim của mọi người yêu nhạc Việt Nam là nhờ vào những bài viết nặng lòng với quê hương như Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi.
Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ An Thuyên còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công như Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng, sáng tác cho khí nhạc như Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Ông còn viết nhạc cho phim, nhạc cho múa và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...
Sự ra đi bất ngờ của nhạc sĩ Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác khiến người thân, bạn bè và đồng nghiệp bàng hoàng. Hiện, con gái nhạc sĩ tiến hành các thủ tục lo hậu sự.
Sự ra đi của họ để lại nỗi đau xót không thể diễn tả bằng lời, cứ dồn dập, ứa nghẹn. Có lẽ, nén đau thương là cách duy nhất làm vơi bớt nỗi buồn. Bởi những bóng cây cổ thụ này sẽ luôn sống mãi như sự tồn tại của âm nhạc với cuộc sống con người.
Những tác phẩm và cống hiến của họ sẽ mãi là “niềm tin và hy vọng” để thế hệ trẻ tiếp bước noi theo. Và trong lòng mỗi người Việt Nam, những con người đáng kính ấy sẽ vẫn sống mãi đến ngàn năm...
Đỗ Huệ (t/h)
Xem thêm:
1. Gia quyến cùng các nghệ sỹ tiễn đưa nhạc sỹ An Thuyên
2. Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời
3. Tiễn biệt nhạc sĩ “Bóng cây Kơnia” về với đất mẹ




Theo ngaynay.vn