Nhắm mắt lại mà nhớ về các ca khúc của An Thuyên. Những bài hát của một thời ùa về trong tôi: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi...Toàn là những ca khúc đã khẳng định được sức sống bền bỉ mãnh liệt, vượt qua năm tháng, được công chúng nhiều thế hệ đón nhận nồng nhiệt. Tôi gặp nhiều người trẻ tuổi, người trung niên và cả những người cao tuổi yêu mến các sáng tác của An Thuyên.
Một đặc điểm nổi bật trong phong cách âm nhạc của An Thuyên là hầu hết các bài đều được vận dụng chất liệu dân ca ngọt ngào sâu lắng. Nếu như các bài Đêm nghe hát đò đưa..., Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê mang âm hưởng dân ca miền Trung đậm nét thì các bài như Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu lại mang âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc, thấp thoáng chất ngũ cung của dân ca Mông.







Nhạc sĩ An Thuyên. Ảnh: Nguyễn Á.





Nếu như những bài như Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu mang đến cho người nghe cảm giác trong sáng, tươi vui, rộn rã, tha thiết thì những bài như Đêm nghe hát đò đưa..., Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê lại làm ta khắc khoải đến nao lòng. Sự tài tình trong vận dụng điệu thức dân ca của An Thuyên đã đánh thức miền sâu thẳm trong mỗi chúng ta, đó là một cảm giác hướng về cội nguồn, về làng quê yêu dấu, về ông bà cha mẹ.
Tôi tưởng có những người con xa quê đã rớt nước mắt khi nghe những câu hát: Sông Lam biết khi mô cho cạn/Như tình quê hương trong tôi/Sông Lam biết khi mô cho cạn/Người ơi, đục trong câu hát cháy lòng...Tôi tưởng có những lứa đôi đã mang theo cả cuộc đời những câu hát trong Ca dao em và tôi: Cùng nhau khoác chiếc áo tơi ra đồng/Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng/Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai/Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai...
Âm nhạc của An Thuyên mang trong nó cái cảm giác da diết. Cái da diết ấy đánh động tâm thức của mỗi chúng ta đến cháy bỏng bằng sự thành thật, bằng sự đối diện với lòng mình, đối diện với những góc khuất sâu kín của tâm sự để rồi cảm xúc của người nghe hòa quyện cùng lời ca và giai điệu lúc nào không hay.
An Thuyên rất ít khi phổ thơ người khác, bởi những ca từ ông viết ra cũng đã đẹp như thơ. Huế thương cũng là một ca khúc cực kỳ thành công khi An Thuyên vận dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân ca Huế, cộng hưởng cùng phần ca từ mượt mà say đắm. Chỉ cần một hai câu vang lên, ta đã nhận ra cái hồn của mảnh đất cố đô: Trở lại Huế yêu, lần theo ân tình câu hát/Tìm người con gái áo tím mộng mơ/Sông Hương tấp nập tìm răng được chừ/Chưa nguôi kỷ niệm vòng tay học trò...








Viện 108 là nơi nhạc sỹ An Thuyên đã đột ngột từ trần.





Cái tài và cái tình của An Thuyên còn ở chỗ với mỗi bài ca, ông làm hiện ra ngay được chất vùng miền, không gian lãnh thổ của câu chuyện. Câu hát đầu tiên trong Thơ tình của núi gợi ra ngay một không gian Tây Bắc qua nốt thứ sáu vút lên: Bản làng em lưng chừng NÚI lưng chừng đèo...Chất tượng hình của Chín bậc tình yêu mang đến cho ta cái cảm giác gập ghềnh, chông chênh, lên xuống của những bậc nhà sàn ngay từ những câu hát đầu tiên: Chín bậc núi rừng, chín bậc nghiêng nghiêng. Tuổi ấu thơ ta lớn lên ở đó. Cây muỗm xanh quả bồ quân chín đỏ. Đầu cầu thang ngồi đón mẹ về...
An Thuyên cũng rất thành công với những tác phẩm mang âm hưởng tráng ca hay hành khúc, hai bài điển hình nhất có thể kể đến là Hành quân lên Tây Bắc (Giải chính thức của Bộ Quốc Phòng, 1984) và Mẹ Việt Nam anh hùng (Giải Nhất của Bộ Văn hóa- Thông tin và Hội nhạc sĩ Việt Nam).
Sự ra đi của nhạc sĩ An Thuyên là một tổn thất lớn của nền âm nhạc nước nhà, gây sự xúc động không nguôi trong trái tim hàng vạn, hàng triệu công chúng say mê âm nhạc của ông. Xin thắp một nén tâm nhang, cầu mong ông thanh thản yên nghỉ trên cõi phiêu diêu. Đối với tôi và nhiều người yêu nhạc khác, ông còn sống mãi bởi những ca khúc của ông viết ra đã trở thành bất tử.

>>> Xem thêm:
- Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời
- Gia quyến cùng các nghệ sỹ tiễn đưa nhạc sỹ An Thuyên
- Nghệ sĩ Việt bàng hoàng trước sự ra đi của nhạc sĩ An Thuyên





Theo ngaynay.vn