Người này, người kia cho rằng, cô chưa có một phong cách riêng, thậm chí ảnh hưởng rõ nét ai đó. Nhưng điều đó cũng là bình thường, với tất cả những người bước chân vào nghệ thuật, miễn là lao động không ngừng, và không ngừng tìm một tiếng nói riêng.







Tác phẩm “Chiều”, sơn dầu của họa sĩ Ngô Bình Nhi





Một nữ họa sĩ gốc Tày, Ngô Bình Nhi không giấu đi đâu được những tính cách dân tộc riêng, hiền lành, ít bộc lộ, nhưng ẩn chứa trong lòng những khát vọng sống không lúc nào vơi, có lẽ dẫn họa sĩ đi mãi mà khó tìm thấy sự bình an nào. Chồng là họa sĩ và bố chồng cũng là họa sĩ, Ngô Bình Nhi có thể nói sống trong một không khí nghệ thuật, không dễ dàng và luôn tìm cách thỏa hiệp giữa các tính cách, trong hoàn cảnh riêng của hoạt động hội họa Hải Phòng, với những tính cách rất mạnh mẽ tìm kiếm cái mới.
Họa sĩ đã chọn bút pháp biểu hiện - trừu tượng để thể hiện tâm trạng của mình, nhưng dù sao, cũng là phụ nữ, cái bản tính nữ luôn muốn nói, thể hiện câu chuyện tình cảm và những rung động không thể nói thành lời. Nếu muốn tìm điều gì cụ thể trong tranh Nhi thì dường như là không, nhưng cảm thấy những tâm trạng này kia thì có. Tâm trạng thì không có tên, không có thời gian và địa điểm, rất mơ hồ với hình thức thị giác. Thực ra những bức tranh, nếu nhìn kỹ, bắt đầu với một đầm sen, hoa cỏ, côn trùng, và những động vật nhỏ dưới nước. Tôi không muốn nói là sự ảnh hưởng Phật giáo nào đó, mà có thời gian dài cô sống và vẽ cho vài ngôi chùa. Cô cũng đã ở lứa tuổi thấy được cái gì là có nghĩa, cái gì là vô nghĩa trong cuộc sống.
Dưới đây là bộc bạch của họa sĩ:

Các tác phẩm của tôi chọn đề tài rất giản dị và gần gũi với con người là hoa sen và sự sống dưới nước. Nơi sự sống đó có các con vật như cua, cá, cò, tôm, rùa, chuồn chuồn, ếch nhái... Thiết nghĩ mọi chân lý bắt nguồn không ở đâu xa vời mà ngay những điều giản dị nhất quanh ta. Con người ai cũng sinh ra và chết đi theo đúng nghĩa lý sinh tử luân hồi. Cũng là một kiếp sống nhưng cuộc sống của các con vật và ngôn ngữ của chúng luôn có sự giao đồng với tôi, và tôi cảm nhận được cuộc sống nói chung qua thần thức và sự cảm nhận vô thức. Có thể là những giấc mơ, là những sự vô thức thoáng qua khi tĩnh tâm ngồi thiền, những cảm nhận đó có thể thực, có thể là giấc mơ khi ngủ, hay là một trạng thái tâm linh... tôi đều muốn nắm bắt nó và muốn vẽ nó trên tranh bằng ngôn ngữ hội họa. Mới đầu muốn vẽ ào ạt, nhưng những bút pháp mạnh mẽ không làm thỏa được ý tưởng và những suy tư, nên tôi đã dùng nét trong bút pháp ào ạt đó để gợi nên hình và ý tưởng cần nói. Lúc đó không quan trọng nó ra hình gì, nó thực hay không nữa mà muốn nó vượt trên cả thực, đó là siêu thực. Điều không thực trong ý tưởng và mạnh mẽ về bút pháp nó làm tôi thỏa mãn ngôn ngữ và con đường hội họa đang theo đuổi.







Họa sĩ Ngô Bình Nhi (mặc áo đen) trong một buổi triển lãm





Nhìn rộng ra trong hội họa và tương quan với các đồng nghiệp, thì hiện giờ các họa sĩ trẻ đã vẽ với một thẩm mỹ rất khác. Họ không còn dính líu đến chủ nghĩa hiện đại (Modern Art) mà những bậc đi trước từng yêu thích. Mặc dù không xa họ là bao nhiêu, nhưng Ngô Bình Nhi vẽ như thời các họa sĩ năm 1990, cô cũng bị quy ước như các họa sĩ tiền bối. Ngôn ngữ cũ và những tình cảm cố hữu làm nên hội họa của họ, có thể nói họ không quan tâm nhiều lắm đến trường phái, phong cách, đến cái cũ hay mới, mà coi hội họa là một phần đời sống tinh thần, thể hiện tâm trạng của mình là vừa đủ.
Bức tranh ở trong nhà thì không có bất cứ vấn đề gì, vì nó là chuyện cá nhân, nhưng khi đem ra ngoài nó luôn được nhiều cái kính chiếu yêu soi rọi: câu chuyện này mới hay cũ, bạn giống ai, ảnh hưởng ai, có thực sự đẹp không, và rồi bạn sẽ đi đến đâu… và đó chính là áp lực xã hội của nghệ thuật, mà bất kỳ họa sĩ nào cũng phải trải qua, rồi hay cũng bị chê, dở cũng bị chê, nhưng đó đều là đời sống nghệ thuật cần thiết cho nghệ sĩ trưởng thành hơn.

Họa sĩ Ngô Bình Nhi sẽ giới thiệu 20 tác phẩm tranh sơn dầu và acrylic mới sáng tác trong thời gian gần đây tại tầng 2, Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt nam, 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Đây là một sự kiện thuộc chuỗi triển lãm của Câu lạc bộ Họa sĩ Trẻ Hà Nội. Triển lãm sẽ khai mạc vào 18 giờ ngày 1/7.

Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Nữ Tiến sĩ Toán học Đinh Hoàng Anh với “Bến bờ thời gian”
- Vai diễn 'bà cố vấn Trần Lệ Xuân' làm thay đổi cuộc đời NSND Minh Hòa
- Nhạc sỹ Phó Đức Phương và ngôi đền thiêng âm nhạc




Theo ngaynay.vn