Giáo sư Trần Văn Khê cấp cứu tại Bệnh viện nhân dân Gia Định từ cuối tháng 5 vì suy tim, viêm phổi nặng, thận hư. Ông bị suy hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm. Giáo sư được các bác sĩ đặt nội khí quản cho thở máy và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim từ khoảng một tháng nay.
Được biết, trong suốt quá trình chữa trị, giám đốc bệnh viện là người trực tiếp điều trị cho ông. Rạng sáng 24/6, thông tin Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê qua đời để lại niềm tiếc thương cho người thân, bạn bè và giới nghệ thuật.
Theo đúng ý nguyện của giáo sư trong bản di chúc lập ra ngày 5/6, tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại số 32 Huỳnh Đình Hai, P. 24, Q. Bình Thạnh, TP. HCM.







GS-TS Trần Văn Khê.





Dù không theo một tôn giáo nào nhưng Giáo sư Trần Văn Khê mong muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách. Ngoài ra, còn có một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm: những bạn thân đồng điệu và môn sinh của GS-TS Trần Văn Khê, sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ.
Di nguyện, tro cốt của Giáo sư được đặt dưới bàn thờ ông bà ở tư gia đường Huỳnh Đình Hai. 'Nếu vì một lý do gì không cho để hũ tro ở tư gia của tôi được thì các con tôi cùng ban tang lễ quyết định, nơi nào lưu trữ thuận tiện nhất', Giáo sư bày tỏ mong ước cuối đời.
Cũng theo ước nguyện của GS-TS Trần Văn Khê, linh cữu của ông sẽ được quàn tại tư gia, trong thời gian từ 1 tuần lễ cho đến 10 ngày để các con, các cháu, bạn bè thân thuộc ở xa có thời gian về kịp dự tang lễ.







Thủ bút của GS-TS Trần Quang Hải (ảnh Thanh Niên).





Khi ông qua đời, con trai trưởng của ông là Giáo sư Trần Quang Hải sẽ là chủ tang. Tuy vậy, do Giáo sư Hải đang ở Pháp, chưa trở về kịp, một tiểu ban tang lễ được lập ra gồm những người thân thiết của ông như: nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy (chồng của nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương)... Ngoài ra, có các thành viên trong gia đình, môn sinh và bạn bè cùng chung lo hậu sự cho giáo sư.
Bên cạnh đó, ngôi nhà mà ông ở khi còn sống tại Việt Nam sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Trong bản di nguyện, ông bày tỏ mong muốn những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu.







GS-TS Trần Văn Khê xuất hiện tại một triển lãm ảnh năm 2013.





Ngoài ra, ông cũng không quên người đã tận tình giúp việc cho ông trên 10 năm là bà Nguyễn Thị Na. Theo ông, bà Na đã tự tay chăm sóc ngôi nhà này và biết rất rõ những sinh hoạt của ông trong căn nhà này. Vì thế, ông mong muốn bà Na sẽ được tiếp tục ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này.
Giáo sư Khê đã nhiều lần phải vào ra bệnh viện cấp cứu vì sức khỏe yếu. Từ trẻ, ông đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Nhưng lần nào, ông cũng kiên cường chiến đấu với bệnh tật và hồi phục sức khỏe. Lần nhập viện cuối cũng là lần nằm viện lâu nhất của ông. Ông chống chọi với bệnh tật cho đến phút cuối cùng.
Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921, tại làng Vĩnh Kim (Tiền Giang), là con cả của một gia đình có bốn đời nhạc sĩ. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ những phẩm chất nghệ sĩ: lên 6 tuổi biết đàn kìm (đàn nguyệt), 8 tuổi biết đàn cò (đàn nhị), 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc... Năm 1941, ông thi đậu Thủ khoa Tú Tài Khoa Triết.
Năm 1949, ông sang Pháp. Tới năm 1958, ông là người Việt đầu tiên đỗ tiến sĩ Khoa Âm nhạc học với Đề tài luận án: La Musique vietnamienne traditionnelle (Âm nhạc truyền thống Việt Nam).






Các giải thưởng của GS-TS Trần Văn Khê đạt được.



Sau hơn 50 năm ở nước ngoài, trong những ngày cuối đời, ông về sống tại 32 Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh, TP. HCM). Nơi này sẽ là bảo tàng lưu giữ sách và các loại nhạc cụ dân tộc của Giáo sư.
Những di nguyện đầy tính nhân văn, thấm đẫm nghĩa tình của GS-TS Trần Văn Khê đã khiến nhiều người không khỏi xúc động...
Đỗ Huệ (t/h)
Xem thêm:
1. Giáo sư Trần Văn Khê đã hồi tỉnh sau gần một tuần hôn mê
2. GS Trần Văn Khê: Mong ước kỳ diệu
3. Huyền tích về Ca trù – Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại

Theo ngaynay.vn