1. Lần đầu tôi được tiếp xúc với GS Trần Văn Khê cách đây chừng 20 năm, khi ấy tôi mới bắt đầu trở thành sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Nghe danh GS đã lâu cho nên không thể bỏ lỡ cơ hội được gặp ông trực tiếp ngoài đời. Khác hoàn toàn với hình dung trong đầu tôi về một sự trang nghiêm có phần xa cách với những thông tin đầy học thuật và có thể người nghe chưa được biết tới chúng, chưa thẩm thấu được chúng nhưng vẫn chăm chú và gật gù lắng nghe, một mình GS Trần Văn Khê ngồi trên sân khấu của Trung tâm phương pháp CLB 16 Lê Thái Tổ, chung quanh là những cây đàn với ánh sáng vừa đủ, tạo nên không gian gần gũi. Cách nói của GS vẫn đậm chất Nam Bộ và thông tin ông đưa ra đầy ắp từ Ta đến Tây - Tàu, từ cổ chí kim đồng thời có sự gắn kết, so sánh khiến cho những câu chuyện âm nhạc đầy sức hấp dẫn. Với tôi, ấn tượng buổi ban đầu tiếp xúc ấy lại không hoàn toàn đến từ âm nhạc mà là phong cách nói chuyện thật giản dị, gần gũi như đang trò chuyện với nhau nhưng lại đầy ắp thông tin. Và điều đó giống như một tiêu chí chuẩn mực tôi tự đặt ra và luôn phấn đấu hướng theo.







GS Trần Văn Khê (chống gậy ngồi giữa) trong dịp ra mắt Nhóm ca trù người Việt tại 43 Lý Quốc Sư – Hà Nội





Liên tục những năm sau đó, tôi có được nhiều cơ hội tiếp xúc với GS này thông qua các hội thảo trong lĩnh vực văn hóa, âm nhạc lớn nhỏ do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Thêm kính trọng GS khi những vấn đề được ông trình bày trong tham luận đều quan trọng liên quan đến vận mệnh gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc nhưng lời lẽ không đao to búa lớn mà luôn gần gũi, dễ hiểu. Và qua đó, tôi tin, dù trực tiếp, hay gián tiếp, mỗi người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp sẽ học được từ GS một điều gì đó.
2. Ngày 11/8/2006, tôi có mắn được cộng tác với GS với tư cách là một nhóm nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật dân tộc. Đó là chương trình được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, rất sang trọng và ấm áp. Đối tượng của chương trình chủ yếu là những nhà hoạt động ngoại giao, những trí thức nước ngoài. Và GS trong vai trò người diễn thuyết về âm nhạc Việt Nam với bè bạn quốc tế. Lúc ấy, ông đã không tự đi đứng một mình được nữa. Hình ảnh một vị GS già ngồi trên xe lăn, say sưa diễn thuyết về vẻ đẹp nhạc Việt bằng tiếng Pháp hẳn sẽ không thể nào phai mờ trong trái tim những người bạn quốc tế có mặt trong khán phòng hôm ấy.







GS Trần Văn Khê





Sau đó, một chiều cuối năm 2006, tôi cũng đã từng hết sức ngạc nhiên khi bác trợ lý của giáo sư thông báo GS Trần Văn Khê sẽ trực tiếp tới tham dự chương trình âm nhạc dân gian “Hà thành 36 phố phường” với tư cách là một khán giả. Ngạc nhiên là bởi, một vị GS tầm cỡ thế giới, đã rất lớn tuổi, vẫn di chuyển bằng xe lăn mà lại xuất hiện ở nơi xô bồ chợ búa lại ngoài trời như chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân. Bữa ấy chiếu xẩm của chúng tôi dựng ở đầu phố Hàng Đào, gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Và không chỉ là một khán giả đặc biệt, GS còn chia sẻ những cảm xúc của mình ngay trên đường phố Hà Nội.
3. Thông tin giáo sư bệnh nặng, nằm viện xuất hiện từ một người bạn nghề ở TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi mạng xã hội đăng tải. GS đã vào cấp cứu tại Bệnh viện nhân dân Gia Định từ tháng 5 nhưng trước đó bệnh tình của ông đã rất nặng. Con trai ông, GS Trần Quang Hải cho biết: GS Trần Văn Khê hiện tại nhịp tim yếu, hai lá phổi đã gần như không còn hoạt động, trong khi hai quả thận cũng đã bị hư. Sự sống hiện tại được duy trì hoàn toàn nhờ vào sự trợ giúp của máy móc. Có một tin khiến mọi người sẽ ấm lòng là toàn bộ kinh phí điều trị vốn rất lớn cho GS được UBND TP Hồ Chí Minh tài trợ.
Dẫu GS cũng đã gần bước tới tuổi một trăm, đã đi gần trọn cuộc đời mình và hoàn thành sứ mệnh cao cả cho dân tộc nhưng không ai muốn đón nhận tin không vui. Riêng chúng tôi vẫn còn một lời thầy trò hẹn với nhau, sẽ có buổi trò được thể hiện những câu xẩm, thầy được nói những câu chuyện xẩm ở ngay tư gia của GS với giới học giả, văn nghệ sĩ, báo chí và anh em bạn bè, công chúng yêu nghệ thuật truyền thống ở TP Hồ Chí Minh mà chưa có điều kiện để thành hiện thực.
Giờ thì chỉ ước mong một điều kỳ diệu sẽ đến.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Nữ Tiến sĩ Toán học Đinh Hoàng Anh với “Bến bờ thời gian”
- Danh họa Michelangelo khởi nghiệp từ việc đạo tranh?
- Thế giới vẫn còn chỗ cho truyện tranh




Theo ngaynay.vn