Học hát từ thuở còn thơ…



Niềm đam mê Hát văn của NSƯT Văn Ty được chắp cánh nhờ cả hai yếu tố “thiên thời, địa lợi” như ông nói. Bởi lẽ, quê hương Hành Thiện, Nam Định nơi ông sinh ra là một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ và thờ Đức Thánh Trần.



Từ khi còn nhỏ, nghệ sĩ Văn Ty thường hay theo mẹ đi lễ, hầu phủ, chính điều đó đã nuôi dưỡng niềm đam mê hát văn trong con người ông. Thời chiến tranh có một cung văn giỏi ở Hà Nội sơ tán về Nam Định, lại ở ngay cạnh nhà ông, vậy là những khi rảnh rỗi, ông thường theo bố sang chơi, thấy đàn treo trên vách thì hay nghịch đàn, nghe hát... Thế rồi, dần dần niềm đam mê Hát văn ngấm vào trong con người ông từ lúc nào không rõ.








NSƯT Văn Ty trong cuộc sống đời thường (Ảnh: Hà Ngân)





Bố của NSƯT Văn Ty lại làm đội trưởng đội văn nghệ xóm, nên ông thường tham gia đàn, hát ở địa phương. Năm 15 - 16 tuổi, ông thi tuyển vào đoàn ca múa nhạc Hà Nam Ninh. Năm 1974, ông đi học nhạc viện Hà Nội, sau 10 năm học ở nhạc viện (4 năm trung cấp, 2 năm cao đẳng và 4 năm đại học), sau khi học xong, ông về công tác tại Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam.



Trong suốt thời gian tham gia học, cho đến sau này tham gia công tác, ông vẫn không ngừng luyện đàn, luyện hát văn. Suốt một thời gian dài, Chầu văn bị coi là một một hoạt động mê tín cần cấm đoán. Tiếc cho một loại hình âm nhạc đặc sắc của dân tộc đang có nguy cơ bị mai một, người nghệ sĩ nặng lòng với âm nhạc dân tộc ấy vẫn âm thầm sưu tầm những làn điệu Hát văn cổ mong muốn truyền bá những tinh túy của loại hình nghệ thuật này với công chúng.
<h2 style='text-align: justify;'>
Quyết tâm đưa Chầu văn đến với công chúng…[/B]

Hễ nghe nói ở đâu có Cung văn (người hát Chầu văn và dàn nhạc phụ vụ hát văn) giỏi, nổi tiếng dù xa đến mấy, ông cũng lặn lội “khăn gói quả mướp” đến gặp, vừa để học hát, vừa tìm hiểu thêm về nghệ thuật Hát văn và sưu tầm lại những làn điệu hát văn khác nhau.

NSƯT Văn Ty kể: “Hồi đó, mượn sách ghi chép các làn điệu Hát văn khó lắm, vì chủ yếu là sách cổ, sách bằng chữ Hán Nôm. Những cung văn giỏi, những thầy cúng giỏi mới có sách ghi chép các làn điệu hát văn, rất quý. Tôi cũng phải nói khó mãi, các cụ mới cho mượn, tôi mang về dịch ra tiếng Việt, và lưu giữ lại cho đến ngày nay”.
Ông luôn trăn trở làm thế nào để giới thiệu nhưng giá hầu đồng đến với công chúng. Bởi lẽ: “Trước kia, chỉ có những gia đình nhà quan, các tiểu thương làm ăn buôn bán giàu có mới có tiền tổ chức được những giá đồng, mới được xem hầu đồng, người dân nghèo hầu như không được xem bao giờ, chính vì vậy mà đã có rất nhiều đồn thổi về sự thần bí trong hầu đồng, khiến cho nghi lễ tín ngưỡng này bị nhuốm màu mê tín dị đoan. Chính vì vậy, tôi rất muốn đưa hầu đồng ra ngoài công chúng, để mọi người xem, hiểu và thấy được giá trị độc đáo của hoạt động tín ngưỡng này, cũng như hiểu được giá trị của nghệ thuật hát văn”.







NSƯT Văn Ty say mê trong những câu hát, tiếng đàn. (Ảnh: Heritage Space)





Với mong muốn của mình, khoảng những năm 1985 - 1986, ông và nhạc sĩ Thao Giang là những người tung giá đồng, hát Xẩm đầu tiên trên sân khấu nghệ thuật dân tộc ở Hà Nội. Tiếp theo sau đó các Đoàn chèo Trung ương, Đoàn chèo Quân đội... đều nhờ ông dàn dựng các vở diễn cho nhà hát của họ.

Dần dần sau này, NSƯT Văn Ty còn đưa Hát văn vào trong chèo, trong múa rối nước, và từng bước đưa nghệ thuật hát văn đến gần hơn với công chúng, được khán giả yêu thích, cổ vũ nhiệt tình.

Năm 2005, ông còn là người đầu tiên đưa chầu văn vào vở kịch xiếc “Làng tôi” – vở xiếc đậm bản sắc văn hóa Việt Nam do các nghệ sỹ Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng và biểu diễn. Trong suốt 5 năm, từ 2008 tới tháng 5/2015, kịch xiếc “Làng tôi” đã biểu diễn trên 360 buổi ở nhiều nước trên thế giới, gây được tiếng vang lớn, đặc biệt là ở châu Âu.

Theo sát những bước đi thăng trầm của nghệ thuật hát Chầu văn, NSƯT Văn Ty đã sưu tầm và lưu giữ được hàng trăm bài hát văn với nhiều làn điệu khác nhau. Đến nay, trong tay ông đã có khoảng 50 - 60 làn trong đó có gần 20 làn điệu hát văn cổ. Ông cũng là người vừa biết đàn, hát, gõ, nắm được đầy đủ niêm luật, tinh túy và lề lối của các bậc nghệ nhân hát văn xưa, đồng thời là người trung thành và chú trọng giữ gìn vốn cổ.


Ngoài ra, ông còn sử dụng những bài thơ đã nổi tiếng để phổ nhạc dùng trong hát Văn như như “Chân quê” của Nguyễn Bính, “Mẹ ta” của Nguyễn Duy hay sáng tác một số lời mới như Hà thành 36 phố phường, Gửi anh chiến sĩ biên thùy, Việt Nam đại thắng của nhà văn Chu Lai cũng được phục vụ ra công chú. Ông bảo, Chầu văn ra ngoài sân khấu sử dụng những lời cũ nhưng phần múa và tiết tấu nhiều hơn. Trang phục của Cung văn cũng được mặc sẵn để trình diễn cho người xem được tiện hơn nhưng vẫn phải tuân thủ lịch trình của các giá đồng..



Ngoài ra, NSƯT Văn Ty cũng đã thu hàng chục băng, đĩa hát chầu văn để giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước, trong đó có nhiều bài đã được phát sóng trên đài FM của Pháp.

Bên cạnh việc sưu tầm, sáng tạo và đưa nghệ thuật hát văn đến với công chúng, NSƯT Văn Ty còn cùng với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tham gia biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách về nghệ thuật Hát văn, về tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhưng, công việc chính của ông là đi truyền dạy nghệ thuật hát Chầu văn cho học trò ở nhiều nơi từ Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa…. Ông đã từng dạy hát văn và hướng dẫn cho anh Barley Norton, một nghiên cứu sinh người Anh hoàn thành luận án Tiến sỹ về Chầu văn. Hiện nay, ông đang tiếp tục dạy đàn Nguyệt và hát văn cho một chàng trai người Pháp.
<h2 style='text-align: justify;'>
Hát văn giờ ra sao?[/B]


Hỏi nghệ sĩ về phong trào hát Chầu văn giờ ra sao, ông nói, sau một thời gian bị cấm, loại hình nghệ thuật dân tộc này đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay theo khảo sát của ông, nước ta có khoảng 1000 người đi hát Chầu văn, người cao tuổi nhất là 93, ít tuổi nhất là 16 tuổi. Cái dễ của người Hát văn hiện tại là nhiều lời hát Hán – Nôm đã được dịch sang Tiếng Việt. Các phần biểu diễn của Cung văn được đưa lên Internet rất nhiều và việc học trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết.



Người người đổ xô đi học hát Chầu văn theo trào lưu vì lợi nhuận kiếm được nhưng lề lối cổ xưa cha ông truyền lại không có. Ông cho rằng, nhiều Cung văn trẻ phần nhiều không biết Ngũ cung, không biết Úp, Chênh (những làn điệu Hát văn cổ) mà chỉ thuộc lối Xá đơn giản đã đi hành nghề ở các điện, phủ cốt sao được nhiều bà đồng yêu quý.







NSƯT Văn Ty đang cầm đàn hát văn trong một buổi biểu diễn tại Heritage Space (Ảnh: Heritage Space).





Hơn thế nữa việc biến tấu Hát văn theo kiểu nịnh nọt, rẻ tiền đang có xu hướng gia tăng, ví như câu: “Họ Trần ơi, đừng ngại chớ lo, ván này mà hầu mất một thì cuối năm ăn lộc 10”. Tất cả đã làm giảm đi vẻ đẹp vốn có của Hát văn. Nếu như âm nhạc trong Hát văn truyền thống thì trang trọng và mang ý nghĩa tâm linh thì hiện nay đã bị “sến” đi nhiều và lắm tiết tấu. Không ít Cung văn có một chút giọng, học chủ yếu qua băng đĩa để thuộc lời, nếu không thuộc thì để sẵn điện thoại rồi hát nên tinh thần và nghệ thuật Hát văn bị coi nhẹ.
Nghệ sĩ Văn Ty cũng chia sẻ thêm, thời trước, các cụ chỉ biểu diễn trong 2-3 tiếng nhưng nay có canh hát lên tới 9-10 tiếng làm ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này. Ngày xưa, giá trị của mỗi Cung văn được thể hiện qua những cuộc thi Hát giữa các đền với nhau, nhưng nay rất hiếm các cuộc thi như thế được tổ chức. Cùng với đó là các Cung hầu đưa rất nhiều âm thanh lạ vào Chầu văn như Sáo, bầu không đúng với quy cách Hát văn cổ. Ông khẳng định, trước kia, ông cung văn là người biết viết sớ, biết chữ Hán Nôm, biết cúng bái, có mặt trong hiếu hỉ, ma chay của nhiều gia đình và đại diện cho văn hóa của cả một vùng. Còn giờ, tìm được những người như thế quá khó…

Vì thế, theo NSƯT Văn Ty, việc làm cấp bách đối với các câu lạc bộ Hát văn là phải tìm hiểu thấu đáo về nhịp, phách, làn điệu phải chuẩn chỉnh và các Cung văn phải hiểu được thực sự ý nghĩa, vai trò của Hát văn chứ không phải chạy theo đồng tiền như hiện nay./
Hát Văn còn gọi là Chầu Văn, một loại hình nghệ thuật âm nhạc diễn xướng tâm linh của người Việt, đã gắn bó chặt chẽ và trở thành một thành tố không thể thiếu trong nghi lễ của văn hóa thờ Mẫu - một tín ngưỡng dân gian phổ biến và đặc sắc của Việt Nam. Nghi lễ Chầu văn của người Việt được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong giai đoạn tới.






Xem thêm:

1. Đại gia đình 7 đời gìn giữ mạch chảy Ca trù đất Thăng Long
2. Nghệ nhân cuối cùng ở làng thủy tổ quan họ còn lưu giữ điệu Hừ La
3. Hồi sinh hát cửa đình người Việt

Theo ngaynay.vn