Tham gia xét duyệt hồ sơ kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của Bộ VHTT&DL từ nhiều năm qua, GS.TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia thừa nhận: có một thực tế, nhiều địa phương không chịu kiểm kê di sản văn hóa. Nhưng thật mâu thuẫn là họ đang cho rằng danh hiệu quốc gia ít giá trị, mà chỉ mơ danh hiệu của UNESCO.









GS.TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia.







Thưa ông, là thành viên hội đồng xét duyệt hồ sơ kiểm kê DSVHPVT, ông đánh giá như thế nào về công tác kiểm kê trong những năm qua ở các địa phương, và quy trình kiểm kê của Bộ được thực hiện như thế nào?



GS.TS Ngô Đức Thịnh: Với các địa phương, trước đây hình như công việc kiểm kê bị coi thường. Thời gian này thì đã chuyển biến tích cực hơn do có văn bản đôn đốc của Bộ VHTT&DL. Với các hồ sơ không đủ tiêu chuẩn thì chúng tôi để lại, chứ không duyệt theo kiểu đồng loạt, phong trào. Những cái nào được coi là di sản phải thực sự xứng đáng. Thời điểm này, các địa phương đang làm khá nghiêm túc, chúng tôi tập trung chuyên gia đầu ngành đánh giá, nhận xét. Mỗi hồ sơ của các tỉnh có hai phản biện và các nhà khoa học hiểu các lĩnh vực tùy theo phản biện hồ sơ, sau đó đưa ra hội đồng thảo luận. Cuối cùng đi đến thống nhất bỏ phiếu. Việc kiểm kê di sản phi vật thể được làm với quy trình chặt chẽ như vậy.




Theo ông tại sao Bộ VHTT&DL không sử dụng kết quả kiểm kê DSVHPVT của Hội VNGD Việt Nam?




Kiểm kê lần này là kiểm kê của nhà nước làm theo mẫu hồ sơ của UNESCO quy định, nó rất qui phạm và có những mục cụ thể đòi hỏi phải trả lời đầy đủ những mục đó. Hội đồng xét duyệt hồ sơ kiểm kê DSVHPVT do một thứ trưởng của Bộ VHTT& DL làm chủ tịch Hội đồng. Cho tới nay đã có từ 4-5 đợt xét duyệt kiểm kê rồi. Địa phương kiểm kê tới đâu gửi về Hội đồng xét duyệt của Bộ. Nếu thấy hồ sơ chưa đạt, chúng tôi lại gửi về địa phương yêu cầu bổ sung. Đây là kiểm kê có tính chất theo qui chuẩn, mà qui chuẩn này do UNESCO đưa ra. Việc này còn làm dài dài chứ không phải hoàn tất trong ngày một ngày hai được.



Đến nay, có khoảng trên 100 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cái này có tính chất chính qui hơn. Còn Hội VNDG Việt Nam kiểm kê theo cách in thành sách, có tính chất của Hội, mà cách đó là nghiệp dư, không theo quy chuẩn nào cả. Theo tôi mỗi cách làm đều có giá trị riêng, nhưng kết quả của Hội VNDG Việt Nam không thể thay thế được cái quốc gia được công nhận.




Thực tế cho thấy, đã có những địa phương 'chạy” danh hiệu di sản phi vật thể. Cụ thể là di sản văn hóa cấp quốc gia?




Nhiều tỉnh lười không chịu làm kiểm kê, Bộ đã có công văn gửi cho các tỉnh thúc giục việc làm này, thậm chí đã phê bình những tỉnh không chú ý tới kiểm kê. Có một thực tế là nhiều địa phương, nhiều tỉnh họ chỉ nghĩ tới danh hiệu UNESCO thôi. Họ cho rằng danh hiệu quốc gia là không có giá trị, cho nên việc 'chạy” danh hiệu quốc gia là không đúng. Nghĩa là các tỉnh cũng chỉ 'mơ” danh UNESCO. Xin nhấn mạnh rằng, trường hợp mà chúng tôi xét duyệt nếu chưa thấy đầy đủ sẽ gửi lại yêu cầu địa phương bổ sung, chứ không phải làm theo kiểu dễ dãi, làm cho có, phải làm sao để thực sự những di sản phi vật thể xứng đáng là di sản quốc gia.







Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.







Trong kiểm kê đợt này, được biết Bộ đặc biệt đề cao trò của nghệ nhân. Tuy nhiên, Nghị định xét duyệt phong danh nghệ nhân ưu tú đợt I (2015) lại có nhiều quy định xa lạ, không sát với thực tế. Là người xét duyệt hồ sơ nghệ nhân ưu tú vừa qua, ông thấy thế nào?



Dù sao việc phong tặng đã khắc phục được sau một thời gian chậm trễ kéo dài. Nhất là trong đợt phong tặng này, các nghệ nhân đã qua đời không được truy tặng, như thế là bao lớp người, ví dụ bà Hà Thị Cầu hát xẩm không được vinh danh. Chúng tôi cũng đang đề nghị có hình thức nào đó với những người qua đời. Bởi chậm trễ là do chúng ta khiến cho những người đó không được hưởng tôn vinh của Nhà nước, mà họ rất xứng đáng. Dù sao đến năm nay, 2-9 tới đây sẽ công bố danh sách phong danh nghệ nhân ưu tú đợt I (2015).



Di sản phi vật thể không có nghệ nhân thì thật vô nghĩa. Bởi vì những người đó sở hữu và gìn giữ, sáng tạo văn hóa đó. Không quan tâm đến họ thì là vô nghĩa. Đó là việc được xem như bước tiến quan trọng dù đã chậm nhưng còn hơn không. Chúng tôi sẽ tiến hành việc này trong nhiều năm, nhiều đợt để dần dần làm sao chúng ta có được, chọn được những hiện tượng văn hóa phi vật thể có giá trị.



Và kể cả việc được phong danh quốc tế hay danh hiệu trong nước thì không có gì ngoài mục đích giữ gìn, chứ không phải phong tặng chỉ để có được danh hiệu. Danh hiệu chính là việc thúc đẩy bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đó. Hy vọng những việc làm của Bộ VHTT&DL vừa qua sẽ tạo bước đột phá trong việc gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể.



Trân trọng cảm ơn GS!

Theo Đại đoàn kết
Xem thêm:
1. Gìn giữ di sản, trước và sau phong danh hiệu UNESCO như thế nào?
2. Đại gia đình 7 đời gìn giữ mạch chảy Ca trù đất Thăng Long
3. Gian nan hành trình đi tìm biểu tượng văn hóa Việt?







Theo ngaynay.vn