Nhiều người về thực tế các phường rối nước, đằng sau những trò rối sinh động, nghệ thuật tạo tác khéo léo và dòng chảy lâu đời của phường thường có tiếng thở dài của các nghệ nhân. Đó là lo lắng về điều kiện làm nghề thiếu thốn, lực lượng giữ nghề già hóa, khán giả thưởng thức không nhiều.







Đoàn diễn tại bảo tàng Nam Định





Gia đình bảy đời giữ rối của ông Mẽ cũng có những cái đáng tự hào. Nhưng cái mới hơn của ông là đang bắt nhịp rối cổ truyền với thời cuộc. Bản thân phường rối nước thôn Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực mà ông Mẽ từng tám năm làm trưởng đoàn và năm xưa, ông nội, rồi ông thân sinh của ông cũng giữ vai trò ấy, vẫn đang ở tình trạng khó khăn. Nhiều năm gắn bó với tập thể, nhưng… tập thể làm quả là khó, địa phương cũng không hỗ trợ được. Cái gì của mình, mình có ý thức giữ và làm tốt hơn. Năm ngoái ông Mẽ tách ra thành lập riêng đoàn rối nước tư nhân, tự giới thiệu, quảng bá, chào mời, liên hệ biểu diễn. Thiết kế bể nước gọn nhẹ, tổng kịch mục 20 trò rối gồm 16 trò truyền thống và bốn trò do ông Mẽ sáng tác là “Cu Tý đánh hổ”, “Thạch Sanh chém đầu trăn tinh”, “Hát văn”, “Hát giao duyên”, được sắp xếp cho phù hợp lứa tuổi khán giả và thời gian hợp đồng. Đoàn của ông cũng chỉ cần tám người là đủ, hầu hết biết tạo hình rối và đều thạo lắp ráp, điều khiển con rối, nên mỗi chuyến đi, thuê xe chở thiết bị đến điểm diễn, lao vào lắp bể và thủy đình độ hai giờ, bơm nước đầy là có thể diễn ngay.
Tôi phải tính toán mọi mặt”, ông Mẽ nói: “Sao cho bảo đảm được thời gian, công sức, thù lao cho mọi người. Nói gì thì nói, chứ “có thực mới vực được đạo”. Người ta đi làm công thợ xây giờ cũng trăm rưỡi một ngày. Tôi muốn gọi đi diễn phải trả gấp đôi thế chứ! Diễn gần tôi lấy giá hợp đồng thấp xuống, vì diễn viên ăn cơm nhà, chạy ù ra dựng, diễn rồi về nhà ngủ. Diễn xa, phải nâng lên 17-20 triệu đồng/suất. Thuê xe, thuê nơi ăn chốn nghỉ cho đàng hoàng, rồi khấu hao phương tiện, đạo cụ. Thế nên đi với tôi, các anh em, các cháu đều rất thoải mái, hăng hái”.
Nhờ cách làm chủ động và linh hoạt mà năm ngoái đoàn có hơn 10 suất diễn, năm nay dịp Tết và tháng xuân được hơn 20 suất. Ông Mẽ dự tính vào tháng 8 tới mát mẻ, bắt đầu các hoạt động lễ hội và nhà trường, đoàn Thành Nam sẽ được mời đi nhiều hơn. Với một đoàn tư nhân “tay không bắt hổ”, không nhờ vả, kêu cầu được, mà có kêu cầu cũng chẳng được, như thế là đã rất khả quan. Đoàn đã diễn ở nhiều xã thuộc các huyện tỉnh Nam Định, sang cả tỉnh Thái Bình và thỉnh thoảng diễn tại Bảo tàng Nam Định phục vụ thiếu nhi. Có thể qua Bảo tàng Nam Định, đoàn sẽ lên diễn trên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội.
Ông nội Phan Văn Huyên và ông cụ thân sinh Phan Văn Ngải của ông Mẽ từng có đóng góp cho rối trung ương, rối địa phương. Ông Mẽ cũng từng được đi diễn ở nhiều nước. Nhưng hôm nay ông không chỉ nâng niu quá khứ vinh dự đó. Cách làm của ông đáng để cho các phường rối và cả các nhà quản lý văn hóa suy nghĩ.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Di sản Tây Nguyên đang mai một?
- Không gian văn hóa Mường: “Giấc mơ hồi sinh” nhà Lang
- Cây đa lá lệch hơn 300 tuổi ở Quảng Ngãi được công nhận Cây Di sản




Theo ngaynay.vn