NSƯT Trần Hạnh

Nhắc đến NSƯT Trần Hạnh, khán giả nhớ ngay đến các vai diễn hiền lành, khắc khổ trong các bộ phim truyền hình như: Cuốn sổ ghi đời, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổi… Những vai diễn của ông đã đi vào lòng công chúng với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai “lão nông” chất phác mặc dù ông là người Hà Nội gốc.







NSƯT Trần Hạnh 'Đời tôi khổ hơn phim'.







Ở cái tuổi 85 gần đất xa trời, dù già yếu ông vẫn phải chăm cậu con trai út 47 tuổi bị ngớ ngẩn bởi di chứng của tai nạn giao thông. Ông thân gà trống nuôi con phải chợ búa, cơm nước, rau cháo, giặt giũ hàng ngày. Trước đó, gần 10 năm trời ông cũng tự tay cơm bưng nước rót, giặt giũ chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau một lần bị tai biến mạch máu não. Năm 2011, vợ ông mất, gánh nặng gia đình vẫn tiếp tục đè nặng trên đôi vai còm của người nghệ sĩ già.



Dù có 7 người con, người mất người còn nhưng cuộc sống các con ông Trần Hạnh cũng chẳng khấm khá gì. Với đồng lương hưu 2-3 triệu đồng, người nghệ sĩ ấy vẫn sống bần hàn, buôn bán thêm vài món đồ kiếm thêm thu nhập trước căn nhà lụp xụp gần ga Trần Quý Cáp, Hà Nội.



Hiểu hoàn cảnh của NSƯT Trần Hạnh, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng cảm thán: “Trần Hạnh khổ lắm! Từng tuổi này vẫn mong có vai diễn để đi đóng kiếm tiền nuôi thân, lo cho con. Cuộc đời của ông ấy chưa có được một ngày thong thả.”

NSƯT Quốc Khánh

Có thể nói, Quốc Khánh là một trong những nam diễn viên của màn ảnh Việt có tài biến hóa cả ở vai bi lẫn vai hài. Ngoài duyên diễn hài với các bộ phim hài Tết, đặc biệt là vai Ngọc Hoàng trong chương trình Táo quân hàng năm; khán giả còn ấn tượng với các vai diễn hiền nhát, nghèo khổ của diễn viên Quốc Khánh.







Quốc Khánh và Trương Ngọc Ánh trong phim 'Áo lụa Hà Đông'.






Vóc dáng gầy gò, gương mặt “đau khổ” của Quốc Khánh rất hợp với vai diễn nghèo khổ, có số phận lận đận. Khán giả thật khó có thể quên một anh Gù nghèo kiết xác và bất lực trong bộ phim điện ảnh Áo lụa Hà Đông. Ngoài tình cảm, thứ anh Gù mang đến cho cô Dần trong ngày cưới chỉ là chiếc áo dài bằng lụa Hà Đông. Đó cũng chính là chiếc áo quấn quanh người chú bé Gù khi người ta tìm thấy chú nằm trơ trọi dưới gốc cây đa đầu làng.

Vai diễn anh Gù của nam diễn viên Quốc Khánh đã chạm tới trái tim và lấy đi không ít nước mắt của khán giả Việt.

Diễn viên Lại Phú Đôn

Chẳng phải ngẫu nhiên, người ta đặt cho Lại Phú Đôn biệt danh “người đàn ông có gương mặt đau khổ” của màn ảnh Việt. Sinh năm 1960, Lại Phú Đôn thuộc khóa diễn viên đầu tiên được đào tại tại nhà hát Kịch Việt Nam cùng với Trung Anh, Quốc Khánh, Lan Hương… Gần 40 năm gắn bó với nghiệp diễn, Phú Đôn đã để lại nhiều dấu ấn với khán giả qua hàng loạt vai phần lớn là những người đàn ông nông thôn lãm lũ, nghèo khổ, đôi khi lại gây cười. Những bộ phim anh tham gia có thể kể tới: Ông Tơ hai phẩy, Bão qua làng, Bỏ vợ, Xuân Cồ - người hòa giải…







Diễn viên Lại Phú Đôn được 'đo ni đóng giày' với vai nông thôn, nghèo khổ.






Những ai từng tiếp xúc với nam diễn viên này ngoài đời sẽ cảm nhận được tính cách mộc mạc, gần gũi ở nơi anh. Chia sẻ về những vai nghèo khổ, Lại Phú Đôn thẳng thẳn: “ Cứ những vai nông thôn, vất vả là các đạo diễn lại nói “Đôn đây chứ đâu!”

Anh cũng từng tâm sự, có thể do dáng người và khuôn mặt của anh hợp với những vai nông dân nên các đạo diễn cứ dành cho anh vai này. Hơn nữa, ngay từ ngày đi sơ tán về nông thôn, anh đã rất ấn tượng với cách sống chân thành và nhiệt tình của người nông dân…

Nam diễn viên Quốc Tuấn



Quốc Tuấn được biết đến như một nam diễn viên có duyên, cốt cách nho nhã, ấn tượng trong các phim: Những người sống quanh tôi, Người thừa của dòng họ, Cuốn sổ ghi đời, Cô bé bên hồ, Chuyện tình người lính, Luật đời… Gương mặt hiền lành, ẩn chứa nhiều khắc khổ của Quốc Tuấn cũng rất “ăn” những vai có cuộc sống vất vả, số phận.



Khán giả hẳn không thể quên Quốc Tuấn với vai thầy giáo nghèo trong bộ phim truyền hình từng khiến bao trái tim thổn thức, 12A và 4H. Thầy giáo Minh xuất thân từ quê được vợ kéo lên thành phố, yêu thơ ca, tâm lý với học trò khiến cô lớp trưởng Hằng rung động…








Gương mặt hiền lành, khắc khổ của Quốc Tuấn rất hợp vai nghèo.







Cũng giống như nhiều nam diễn viên sở hữu “gương mặt đau khổ” khác, Quốc Tuấn có cuộc sống đời thực khác xa sự hào nhoáng trên phim ảnh. Anh kết hôn muộn. Năm 40 tuổi, anh mới có một con trai. Tuy nhiên, cậu bé không may mắc bệnh chứng APERT (bệnh xương cứng sớm cục bộ) và đường thở hẹp – một chứng bệnh hiếm gặp.



Câu chuyện diễn viên Quốc Tuấn và những cuộc hành trình ngàn dặm kéo dài gần 10 năm trời để đưa cậu con trai độc nhất đi khắp nơi phẫu thuật căn bệnh hiểm nghèo khiến nhiều người cảm động và khâm phục. Hành trình chạy chữa bệnh nan y cho con khiến gia đình anh rơi vào cảnh khánh kiệt, nhưng trên hết tất cả, vợ chồng người nghệ sĩ ấy chỉ tìm thấy ngọn lửa cuộc sống khi nhìn thấy nụ cười trên đôi môi của con.



Anh tâm sự, giờ đây, sức khỏe của con trai anh đã hồi phục, được đi học bình thường, hòa nhập với các bạn. Các bác sĩ nói rằng, sức khỏe của cậu bé sẽ ổn định đến năm 15 tuổi.

Theo Dân trí
Xem thêm:
Sự “ngây thơ” đối lập trong “Con mắt thời gian” của 2 họa sĩ Đinh Ý Nhi và Hoàng Phượng Vỹ
Nhà văn Trịnh Uyên Khiết: Dành hết tâm sức sống cùng tuổi thơ
Nghệ sĩ Thương Tín: Hồi sinh cuộc đời từ con gái




Theo ngaynay.vn