1. Hơn 200 đại biểu là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý văn hóa - văn nghệ, cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản đã gặp gỡ để góp ý vào dự thảo các văn kiện của Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu đại biểu đi dự đại hội này. Được quan tâm, mong chờ hơn cả là những ý kiến đóng góp vào phương hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ mới.







Chú trọng hơn đến đội ngũ tác giả trẻ là một mong ước gửi đến đại hội nhiệm kỳ mới





2. Ngoài những phát biểu dông dài, không rõ chủ đề, tâm sự kỷ niệm riêng tư, một số ý kiến đáng chú ý đã được trình bày trước cử tọa, đặt trọng tâm vào đội ngũ và công tác lãnh đạo Hội. Nhà phê bình Ngô Thảo nêu tuổi mình đã ngoài 70, cho rằng, thế hệ mình, những gì cần làm thì đã xong rồi, thậm chí hưởng gì thì đã hưởng rồi, nên chuyển giao sang lớp kế cận và thế hệ trẻ. Vì thế, nhà phê bình đề nghị, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam khóa tới đây nên trẻ hóa để đủ sức khỏe, thời gian đảm đương công tác Hội. Đặc biệt, ông nhấn mạnh, điều hành hoạt động Hội và sáng tác là hai vấn đề khác nhau. Cho nên, quan trọng nhất đối với Ban chấp hành (BCH) của Hội là phải giỏi về tổ chức, biết mở rộng quan hệ đối ngoại, liên kết nhằm mở ra các hoạt động mới của Hội và đem lại hơn nữa quyền lợi cho hội viên.
Nhà văn Y Ban báo động về tình trạng thiếu, thậm chí chưa có hội thảo dành riêng bàn về văn học đổi mới mặc dù dòng chảy này đã đồng hành cùng công cuộc Đổi mới của đất nước gần 30 năm rồi. Nhiệm kỳ tới, Hội phải tổ chức được hội thảo rất cần thiết này. Nữ nhà văn cũng tỏ ra băn khoăn về chức danh chủ tịch các hội đồng chuyên môn của Hội. Chị cho rằng, người đứng vào các vị trí đó phải là chuyên gia, đi sâu và hiểu biết rộng với lĩnh vực của hội đồng mình như thơ, văn, nghiên cứu, dịch thuật, đồng thời phải có sự cởi mở, đón nhận những phong cách khác. Như thế mới tập hợp và đón nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đội ngũ sáng tác.
Một số ý kiến khác cũng đặt vấn đề khá thẳng thắn về việc nên xem lại tư cách hội viên nếu một hội viên nào đó từ sau khi được kết nạp khoảng 5 năm “không chịu” sáng tác, không công bố tác phẩm mới. Bởi danh xưng hội viên đâu phải để cho oai, cho đẹp, mà đó là sự nhắc nhở về trách nhiệm sáng tạo của người cầm bút. Có ý kiến lo ngại trước những khó khăn, hạn chế của hệ thống báo chí văn nghệ trực thuộc Hội và đề xuất cải tiến bằng việc bám sát chặt chẽ hơn với những vấn đề gai góc, nóng bỏng đang đặt ra trong xã hội. Ý kiến khác đề nghị tới đây, BCH mới phải tập trung cao độ vào việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, kiện toàn bộ máy và khai thác tích cực hơn các điều kiện, nguồn lực cho Trung tâm dịch thuật văn học của Hội.
3. Thời gian qua, lần lượt các đại hội nhà văn cơ sở đã diễn ra, từ khu vực các tỉnh phía bắc đến các tỉnh phía nam, lực lượng nhà văn quân đội, nhà văn công an… Hôm nay 25-5, Đại hội khu vực Hà Nội diễn ra tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, khép lại các đại hội cơ sở, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nhà văn Việt Nam khóa IX (2015-2020) diễn ra vào tháng 7 tới.
Hợp tác cùng Thời Nay


>>> Xem thêm:
- Nữ Tiến sĩ Toán học Đinh Hoàng Anh với “Bến bờ thời gian”

- Vai diễn 'bà cố vấn Trần Lệ Xuân' làm thay đổi cuộc đời NSND Minh Hòa
- Hoạ sĩ Lương Văn Việt: Sau 'Cổng' 'Bình đẳng' 'Hội tụ' sẽ là 'Mở'




Theo ngaynay.vn