1. Chưa có một số liệu thống kê đầy đủ về số lượng các quán nhậu đang mọc lên như nấm sau mưa ở khắp các ngõ ngách Hà thành nhưng chắc chắn nó nhiều hơn bất kì dạng hàng quán nào. Sau cơn lốc bia hơi Hà nội, vịt cỏ Vân Đình, rượu dân tộc… đến sự ra đời của hàng trăm quán bia tươi, nhà hàng cao cấp đáp ứng thú ẩm thực đang phát triển với gia tốc chóng mặt. Theo một số liệu điều tra mới đây thì công chức là đối tượng uống bia nhiều nhất. Văn hoá bia hơi đang rất thịnh hành trong đội ngũ viên chức từ anh sinh viên mới ra trường đến các bậc cán bộ sắp về hưu, từ anh cán bộ cấp phường cho đến chuyên viên cao cấp cấp bộ chiều nào cũng chường mặt ở mấy quán bia hơi Hà nội. Mà trong các bữa nhậu khi bia chảy tưng bừng hết cốc này đến cốc khác chẳng mấy ai lăn tăn đến chuyện tiền nong. Chuyện vặt ấy mà. Lạ nỗi với đồng lương công chức thì khó ai trong số họ đủ trụ nỗi một tuần ở các quán nhậu được xem là bình dân này, chưa nói đến những nơi cao cấp, sang trọng. Không hiểu tiền ở đâu ra?








Khi nhậu nhẹt đã trở thành lối sống






Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện việc gì cũng phải nhậu mới tiện bàn bạc. Từ chuyện gia đình, cưới hỏi, ma chay cho đến thương thảo việc làm ăn kinh tế. Đối tác đến làm việc nhất quyết phải mời 'cơm trưa', các điều khoản hợp đồng được hình thành cơ bản qua bàn tiệc. Thế mới tình cảm, hiếu khách, mới dễ nói chuyện. Đoàn thanh tra xuống doanh nghiệp: nhậu, cán bộ cấp trên vi hành: nhậu, bạn hàng liên hệ: nhậu… Anh bạn tôi là giám đốc một công ty TNHH chuyên về đồ nhựa composit cho tôi hay 90% các vụ làm ăn của anh được thống nhất ngay trong các bữa nhậu xã giao. Có lẽ cứ với cái đà này thì có thể văn phòng các công ty nên đặt ở các quán nhậu sẽ tiện lợi hơn. Sơ giao: nhậu, xã giao: nhậu, tâm giao càng phải nhậu. Đúng là lạm phát nhậu. Nhưng chuyện lạm phát nhậu chỉ là hình thức bề ngoài điều đáng báo động ở đây là trong các bữa nhâụ lu bu đó văn hoá ẩm thực Việt đang xuống cấp trầm trọng bởi những sở thích thời thượng quái gở.


Phát biểu tại hội thảo sáng 2/4 về phòng chống tác hại rượu bia do Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức, các chuyên gia cảnh báo tình trạng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang rất báo động. Với 3 tỷ lít bia tiêu thụ trong năm 2013, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.


Để chiều lòng các thực khách vốn ham của lạ các nhà hàng thi nhau làm mới thực đơn của mình bằng đủ món đặc biệt với đủ thứ tên gọi hấp dẫn. Có lẽ các giáo trình dạy nấu ăn chính qui hay các giảng viên nội trợ hàng đầu cũng phải lè lưỡi lắc đầu trước những món nhậu mà mới nghe qua không ít kẻ phải rùng mình. Nào là lẩu lòng, lẩu chó, lẩu chân chó… cho tới vịt bao tử nướng hay chuột đồng bao tử quay mà những con vật nhỏ tí còn đỏ hỏn nằm quăt quắt trông đến sợ. Nhưng như thế hãy còn là bình thường bởi những món nhậu đặc biệt khác như nhau thai xào tái hay chơi trội như tiết canh chim sẻ mà không hiểu để có 1 chén tiết nho nhỏ người ta phải bắn hạ bao nhiêu con chim vô tội. Thôi thì đủ thứ từ lông mao đến lông vũ, từ bò sát đến gặm nhấm… đều trở thành món nhậu khoái khẩu của thượng khách. Từ bọ xít, châu chấu cho tới thằn lằn, kì nhông, kì đà, từ ếch nhái cho tới rái cá, cày đồng, từ rắn rết cho tới nai hoẵng… Con người vốn thuộc dòng ăn tạp nhưng qua hàng triệu năm tiến hoá cái đặc tính di truyền ấy càng được thể hiện rõ. Điều làm chúng ta suy nghĩ là để chiều lòng thú ẩm thực lệch lạc của một bộ phận thực khách nhiều tiền người ta sẵn sàng đưa cả các động vật quí hiếm trong sách đỏ vào nhà hàng với số lượng lớn. Cá cóc Tam Đảo, gà lôi hay rùa vàng vốn là những động vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam nhưng nếu có nhu cầu đặt trước thì các nhà hàng đặc sản thịt thú rừng sẵn sàng phục vụ. Ngay đến cả loài vật vốn được xem là tổ tiên của con người như loài khỉ cũng không phải là ngoại lệ, chỉ cần bỏ ra cỡ 1 triệu đồng là dân nhậu có thể thưởng thức món óc khỉ uống với rượu máu được 'làm thịt' ngay tại bàn.
Không chỉ ăn tạp, với dân nhậu nhiều tiền còn có nhiều thú ăn nhậu hết sức đặc biệt. Năm rồi các phương tiện thông tin đại chúng đã từng đưa tin liên tiếp về một nhà hàng ở Thanh Trì rắc bụi vàng vào các món ăn để ..tăng cường sức khoẻ! Hay như chuyện mấy gã đàn ông vẫn kháo nhau về một nhà hàng Tàu có món chân gà hết sức đặc biệt. Chú gà trống tơ đang sống được thả ra cho một chú chó săn to lớn lùa đến mệt lử không đứng nổi chỉ để lấy đôi chân dồn máu tím bầm tần thuốc bắc ăn chơi vì nghe đâu khoản này rất bổ về chuyện ấy. Ngày xưa cụ Nguyễn Tuân, một người nổi tiếng sành ăn và chơi ngông vào cao lầu gọi món chim quay chỉ để nhâm nhi cặp chân bé tẹo như cái tăm có lẽ cũng phải chào thua những thú ăn nhậu độc đáo của dân lắm tiền ngày nay.
2. Đấy mới chỉ là chuyện ăn còn chưa nói đến chuyện uống. Đã nhậu thì phải uống, mà cái khoản uống mới lắm chuyện oái ăm li kì. Thôi thì đủ thứ trên đời đều phải cắt tiết tại bàn pha rượu uống mới sành điệu. Cầm trên tay li rượu đỏ lờ lờ tanh tưởi mùi máu tươi nốc cạn 100% là tiết mục khơi mào. Ba ba, rắn, tắc kè kì đà, cá trình… cho tới dê, khỉ đều chơi tất. Sau màn rượu máu khai vị để rửa chén, thông họng là đến rượu mật. Uống máu bổ máu uống mật bổ mật mà lại.Riêng chuyện uống cũng có đủ thứ lí thuyết trên đời. Nhất là cái khoản ông uống bà khen hay. Trong thực đơn của bất kì quán rượu dân tộc nào cũng có hàng chục loại rượu mới nghe qua đã thấy ..sung sướng như Minh mạng, tiên linh, hoàng hạc, dâm dương vương tửu, xung phong, đào hoa, tên lửa, xung thiên, Võ Tắc Thiên thang, đại hoành tráng… mà bên dưới đều có dòng chú thích bổ thận, tráng dương, sinh tinh, tăng khả năng sinh lí. Chưa biết những bài thuốc bí truyền công dụng ra sao chỉ biết nếu không sành thì cái nào cũng na ná giống nhau còn bổ đến đâu thì chỉ có trời mới biết. Đấy mới chỉ là là rượu thuốc đẳng cấp bình dân. Rượu ngâm động vật mới là dân nhậu chính hiệu. Nào là cà dê, khỉ cho đến rắn rết tắc kè kì đà đều có thể ngâm toàn tính. Thậm chí cả chú gấu hay con trăn nặng vài yến cũng ngâm toàn tính. Chỉ cần mở nắp bình ra thì mùi tanh bay khắp nhà mà người thường phải bịt mũi nhưng với dân bợm nhậu thì càng tanh càng bổ. Con gì cũng có thể ngâm rượu, cũng bổ cũng tăng cường khả năng đàn ông. Đấy là chưa kể các đại gia còn ngồi cả buổi mài một miếng sừng nhỏ tí mà nghe đâu là sừng tê hoà vào rượu uống mà chỉ một miếng nhỏ bằng cái khuy áo rét đã đáng giá vài chục triệu. Nhưng chịu chơi hơn cả phải là món rượu pha nước cốt cao hổ còn nóng hổi. Có những đại gia sẵn sàng bỏ vài trăm triệu mua bộ hài cốt hổ từ Lào mang về thuê người nấu cao tại nhà. Một nồi cao hổ cốt từ lúc kì cọ từng cái xương cho đến lúc tắt lửa có khi mất cả tháng với vài chục công đoạn tỉ mỉ mà chỉ thợ nấu cao chuyên nghiệp mới biết. Đệ nhất bổ dưỡng là nước cốt cao hổ, thứ nước cô đặc xương tuỷ vị chúa sơn lâm trước lúc đóng thành cao múc ra pha với rượu uống nóng bỏng lưỡi. Người viết đã từng chứng kiến chuyện nấu cao hổ và được mời thứ rượu đặc biệt này khi cái chén cầm còn nóng rộp tay nhưng chỉ nghe mùi thôi đã không tài nào uống nối.
3. Phải mất cả triệu năm tiến hoá con người mới biết ăn chín uống sôi nhưng bạn có tin không bước vào thế kỉ 21 ăn sống nuốt tươi…uống thối mới là sành điệu! Nhưng một khi bước qua cánh cửa nhà bếp có đề dòng chữ 'không phận sự miễn vào' thực khách mới kinh hoàng với những cảnh luộm thuộm và bẩn thỉu của các nhà hàng.
Bùng nổ bia hơi, lạm phát nhậu…hàng năm tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của mà không ít trong số đó được lấy từ ngân sách nhà nước. Anh bạn tôi nói đùa chỉ cần một tuần mỗi viên chức bớt đi một bữa nhậu thì trong vòng một năm sẽ xây đượcc hàng trăm cây câù, hàng chục ngôi trường khang trang cho trẻ tới trường để cảnh thương tâm như vụ đắm đò ở Chôm Lôm không xảy ra hay học sinh vùng lũ không phải khai giảng muộn. Nhưng nhậu không chỉ gây sự lãng phí và thất thoát lớn mà nó còn kéo lùi văn hoá ẩm thực đi xuống và gióng lên những hồi chuông về sự mất VSATTP. Hơn thế khi mật dê máu chó đang phừng phừng trong người thì đủ thứ nhu cầu phát sinh và không ít những vị quan viên đạo mạo kia lại rỉ tai nhau chuyện tăng 2, tăng 3 mà khi đó không biết sẽ có những chuyện gì xẩy ra. Và không biết những bản hợp đồng được thoả thuận bên bàn nhậu kia sẽ gây hậu quả như thế nào? Chưa kể đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh đang treo lơ lửng.


Xem thêm:
- Kiến trúc Hà Nội: Nồi lẩu của hàng triệu giấc mơ




Theo ngaynay.vn