Xuất hiện ở vòng Giấu mặt cuộc thi Giọng hát Việt 2015, Kiều Anh đã “gây sốt” cho khán giả vì giọng hát đẹp pha chất ca trù độc đáo của mình. Với ca nương 21 tuổi này, ca trù còn hơn cả một niềm yêu thích, Kiều Anh ví von: “Ca trù là mạch máu chảy trong người em”.



Nhiều người biết Kiều Anh xuất thân từ một gia đình có truyền thống hát ca trù nổi danh ở Hà Nội, là cháu nội của Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, chắc em có nhiều chuyện để kể về những vất vả thời kỳ đầu đến với nghề?

- Em đến với ca trù từ năm lên 6 tuổi. Gia đình em có truyền thống làm nghệ thuật ca trù và đến đời em là đời thứ 7 được truyền nghề và giữ nghề. Chị có thể hình dung, một đứa bé lên 6 tuổi thì tâm tính thế nào, thế nhưng từ khi ấy em đã bắt đầu bước vào một con đường rèn luyện khổ ải. Học hát ca trù rất khó nên ai theo nghề này cũng mất nhiều công phu. Em được cô ruột, ông nội dạy hát, chú và bác đệm đàn cho để học hát. Lúc bắt đầu học hát em còn rất nhỏ, chỉ mới lớp 1 nên vẫn còn mải chơi. Đến lớp bị các bạn trêu “sao cứ ngồi hát ca trù như bà già vậy”, nên cũng có những lúc em thấy không thích học hát ca trù nữa. Sau này lớn lên gặt hái được nhiều thành công qua ca trù, lúc đó em mới thực sự hiểu nghề, yêu nghề và cần nghề hơn.







Gia đình của Kiều Anh có truyền thống làm nghệ thuật Ca trù.





Là một người trẻ, có ngoại hình và giọng hát đẹp, vì sao em không chọn con đường nhạc nhẹ để nổi tiếng nhanh chóng và dễ dàng mà vẫn quyết định gắn bó với ca trù, một con đường rất gian khổ, vất vả, không được nổi tiếng bằng các ca sĩ dòng nhạc pop?
- Vì ca trù là mạch máu chảy trong con người em, là niềm tự hào của dòng họ em, đã xuyên suốt nhiều đời. Từ đời ông đến đời cha, đời cháu. Mỗi khi mặc trên người chiếc áo ca nương, tay cầm chiếc phách và cất tiếng hát, thì em cảm giác thấy các cụ tổ nhà em như đang lắng nghe vậy. Trước em có đến 6 đời, đã hát, yêu và sống bằng tiếng hát ca trù.



Ca trù là thứ gắn liền với gia đình như vậy, thế nên làm sao em có thể từ bỏ nó được. Hơn nữa bên cạnh việc hát ca trù chính thống, bản thân em cũng có kết hợp hiện đại và làm mới nghệ thuật truyền thống, có những điều thú vị để thực hiện như vậy thành ra em thấy rất thích thú với nghề.



Nhiều khán giả ngạc nhiên khi thấy em đến với cuộc thi Giọng hát Việt, lo lắng rằng em sẽ bị phần nào phai nhạt mất chất ca trù trong mình. Em đặt ra những mục đích gì khi đến với cuộc thi này?



- Em đến với Giọng hát Việt thực sự không đặt tham vọng quá lớn và dứt khoát mục tiêu cuối cùng phải là được Quán quân, bởi em nghĩ chặng đường sẽ bắt đầu tính từ sau khi rời khỏi cuộc thi chứ không phải nằm trong cuộc thi. Quan trọng là sau khi thi, mình sẽ ở đâu, làm gì có những sản phẩm gì cho khán giả. Thế nên em cứ từ từ thi, với tâm lý thoải mái để thể hiện tốt mỗi đêm xuất hiện. Hiện nay em vẫn đang học đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Sau Giọng hát Việt, chắc em sẽ có thêm nhiều khán giả của riêng mình, em sẽ tri ân họ bằng những sản phẩm âm nhạc chất lượng.



Bước chân vào showbiz, thành công, danh tiếng bao giờ cũng đi liền với tin đồn, chuyện thị phi, “ném đá”... Kể cả màn đối đáp với huấn luyện viên Thu Phương trong chương trình vừa rồi, em cũng bị nhận xét là “chảnh chọe”. Vậy em đã chuẩn bị thế nào cho mình?



- Mới đầu đọc nhiều ý kiến trái chiều trên mạng em cũng thấy bực mình, vì mọi người nói em chảnh, nhưng bản thân em không như thế. Em cứ hỏi bạn bè mãi: 'Mình hỏi thật mọi người có thấy mình chảnh không, trả lời thật đi'. Nhưng cuối cùng em nghĩ, cuộc sống bình thường trong cơ quan hay trường học... cũng còn gặp phải những vấn đề như vậy, nữa là trong môi trường rộng hơn là showbiz. Thế nên thôi thì hãy vui lên vì về mặt chuyên môn mình đã làm tốt bước đầu, còn con người em thế nào thì về sau này mọi người sẽ hiểu.



Giữa một ca nương Kiều Anh ngồi trên chiếc chiếu với đàn đáy và nhịp phách ca trù với một Kiều Anh trẻ trung tung tẩy đầy biến hóa trên sân khấu nhạc trẻ, em thích hình ảnh nào hơn?

- Thú thật, làm nghệ thuật thì ai cũng muốn tới gần hơn với khán giả, em đang làm được điều ấy thông qua việc biến hoá bản thân, nên hiện giờ em thấy rất thích thú với con đường mình đã chọn. Riêng cụm từ “biến hoá” bản thân cũng rất phù hợp với em đấy chứ, vì lúc nào cần em vẫn có thể biến lại thành 'ca nương Kiều Anh ngồi trên chiếc chiếu với đàn đáy và nhịp phách ca trù'. Nếu có người khuyên em rời sân khấu nhạc trẻ để đi theo những khuôn mẫu truyền thống của ca nương ca trù, em sẽ chỉ cười và nói rằng: Hãy yên tâm, Kiều Anh sẽ luôn để ca trù chảy trong mạch máu của mình.







Kiều Anh tại vòng Giấu mặt của The Voice.





Hình mẫu thần tượng trong ca trù của em là ai? Em sẽ nói gì với thế hệ của mình về ca trù?



- Thần tượng của em chính là ông nội em - Nghệ nhân trống chầu Nguyễn Văn Mùi. Ông là người đã hướng cho em học hát ca trù, cũng như là người có công phục dựng ca trù cho đời thứ 6 thứ 7 trong dòng họ. Tình cảm của em dành cho ông nội rất nhiều.
Sống cùng ông bà nội từ thủa lọt lòng mà ông nội thì đặc biệt chiều và yêu em. Còn nói gì về ca trù ư? Sau những tiết mục em kết hợp ca trù với nhạc hiện đại thì khán giả trẻ cũng biết tới ca trù nhiều hơn và khen độc đáo. Dù gì sau này, đến lúc có con, em vẫn sẽ dạy cho con em hát ca trù. Đó không chỉ là niềm tự hào gia đình, mà lớn lao hơn thì ca trù còn là di sản của cha ông, niềm tự hào của dân tộc.
Xin cảm ơn em!



Ca nương Kiều Anh: ' Tính tới thời điểm này em cũng học hát ca trù được ngót nghét 15 năm rồi, mọi thứ tình cảm, khó khăn hay thiệt thòi em đều đã trải qua rồi, vì vậy em đã biết điều gì là thực sự cần cho em để em sẵn sàng hy sinh cho nó ”.




Theo Dân Việt
Xem thêm:
1.Kỳ Hân phủ nhận mối quan hệ với bạn trai Bê Trần



2. Nghệ nhân cuối cùng ở làng thủy tổ quan họ còn lưu giữ điệu Hừ La



3. Mo Mường Hòa Bình” đón Bằng bảo trợ Di sản văn hóa của UNESCO


Theo ngaynay.vn