Trước xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, giới trẻ trong đó có lứa tuổi học sinh THPT là đối tượng có khả năng hội nhập nhanh chóng hơn cả. Làn sóng thời trang được cập nhật liên tục từ các phương tiện truyền thông đã cuốn hút lứa tuổi teen (chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong dân số hiện nay), tạo thành những trào lưu thời trang len lỏi vào nhà trường làm cho những sắc mầu đồng phục áo trắng, quần, váy xanh, tóc đen, da mộc đang bị pha tạp và hòa dần bởi những gam mầu khác.
Nhiều người đã không còn lạ khi xuất hiện ở giờ tan trường những mái tóc được nhuộm vàng hoe, vuốt gel bóng mướt của những nam sinh hay uốn lượn bồng bềnh cùng đôi môi hồng đỏ, hàng mi cong chuốt mascara của những cô cậu học trò. Những năm gần đây báo chí liên tục đưa tin về vấn đề trang phục bị biến tấu (mỏng, ôm, bó, ngắn) hoặc phong cách trang điểm quá sành điệu của học sinh THPT, làm mất đi vẻ hồn nhiên vốn có của các em. Trước thực tế đó, việc đưa vấn đề giáo dục văn hóa trang phục học đường cho học sinh ngày càng trở nên hết sức cần thiết với các nhà giáo dục cũng như các bậc phụ huynh có con em đang ở độ tuổi đến trường.







Học sinh trường THPT Lômônôxốp (Hà Nội)





Thông báo của Ban Giám hiệu Trường Lômônôxốp cho biết, “Bắt đầu từ bảy giờ sáng ngày 21-9-2015 tất cả các học sinh nữ không được tô son khi đến trường. Bảo vệ và bộ phận đức dục trực ngoài cổng trường không cho học sinh nữ tô son mỗi khi vào trường. Giáo viên bộ môn dạy trên lớp không cho học sinh tô son môi vào lớp học. Nhà trường kiểm tra phát hiện thấy học sinh nữ nào tô son môi trong lớp học thì lớp đó sẽ phải chịu sự phê bình nghiêm khắc của nhà trường. Giáo viên bộ môn dạy tiết đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Ban Giám hiệu”.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Đức, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng tùy vào sự thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường để quy định trên có tính hợp lý khi áp dụng. Theo ông Bình thì quy định Điều lệ trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ yêu cầu các em ăn mặc chỉn chu, gọn gàng, sạch sẽ khi đến trường.
Nếu quá lố lăng phản cảm thì bị cấm, không thì chỉ cần nhắc nhở, còn hầu hết các trường THPT hiện nay trên toàn quốc đều có quy định riêng về việc trang phục khi đến lớp của học sinh. “Tinh thần cơ bản nhất là trang phục đến trường phải gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, phù hợp lứa tuổi. Mỗi trường học đều có loại đồng phục riêng, nó có thể không giống nhau về hình thức nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm, một ý nghĩa sâu xa hơn là không chỉ làm tăng vẻ đẹp bên ngoài mà còn nói lên rằng tất cả mọi học sinh đều bình đẳng và cùng chí hướng. Với riêng Trường Việt - Đức, đồng phục chung cho cả học sinh nam và nữ là áo sơ-mi trắng, quần âu xanh thẫm phần cầu vai và ngực có in lô-gô trường. Ngoài ra, vào giờ thể dục các em có thể mặc áo phông trắng ngắn tay”.
Theo ông Bình nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội đều quy định trong nội quy về việc học sinh nữ không được trang điểm lòe loẹt, nhuộm tóc, sơn móng đến lớp, nhưng thực tế một số em vẫn trang điểm. “Nếu một chút nhẹ nhàng thì không sao nhưng nhiều em trang điểm rất đậm, không phù hợp lứa tuổi”.
Lãnh đạo nhà trường Lômônôxốp khi trả lời báo chí cho rằng quy định trên được ban hành theo nguyện vọng của các bậc phụ huynh. Hơn nữa, việc các nữ sinh sử dụng quá nhiều son môi khi đến trường là không phù hợp vì đây là trường liên cấp, còn có các em học sinh cấp tiểu học và THCS nên “các anh, chị phải làm gương”. Bình luận về quy định này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: 'Chuyện trang điểm là vấn đề thẩm mỹ và nhu cầu riêng của các em do đó không nên dùng những biện pháp cấm đoán quá cứng nhắc mà cần sự nhắc nhở giữa gia đình và nhà trường”.
Với tư cách phụ huynh có con theo học tại trường Lômônôxốp, chị Phạm Thanh Vân (Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) hoàn toàn đồng ý với quy định của trường. “Ba năm THPT là quãng thời gian quan trọng nên các con cần tập trung vào việc học thay vì mải mê trau chuốt cho bản thân. Trong gia đình, tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở để cháu luôn chấp hành tốt mọi quy định của trường để từ đó có những định hướng tốt cho tương lai”.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Bí quyết học ngoại ngữ của quán quân Olympic tiếng Anh THCS
- Làm sao để học tốt môn Lịch sử?
- Học phí Đại học các ngành Y dược có thể lên tới hơn 50 triệu đồng/năm







Theo ngaynay.vn