Khánh thành đầu năm 2014, khu du lịch nghỉ dưỡng Nhà Mát được gọi là “suối Tiên” của miền tây. Tại đây, nhờ bờ biển được kè bê-tông, kéo dài tới cảng cá nên thành chỗ cho khách đến hóng mát, ăn uống từ chiều tới đêm. Trên bờ kè dài khoảng 200 mét, có khoảng 30 quán chuyên đồ hải sản.

Kinh doanh ăn, uống từ những ngày đầu, chủ hàng Tám Thi cho biết: “Khách thích gọi đồ tại nhà hàng cũng được. Mua ở chợ cũng được. Nhà hàng chỉ tính tiền mỡ hành, tiền bếp than…”. Tiền mỡ hành tính theo từng món nhậu. Mỗi món cho mỗi người giá năm ngàn đồng. Bếp lò than mỗi lượt 20 ngàn đồng. Đồ uống khách đem tới thì tính tiền ly, tiền chén đũa. Nếu khách không mua của nhà hàng thì tính tiền bàn 30 ngàn đồng cộng với tiền chỗ ngồi mỗi ghế năm ngàn đồng. “Khách thích kiểu gì, chiều kiểu đó. Bạc Liêu mà!”, chủ hàng Tám Thi cao hứng, nói.







Những quán ăn ở Nhà Mát ngày một thu hút nhiều thực khách





Đê biển Nhà Mát bán đồ nhậu nhưng khách gọi cơm cũng có. Bởi có nhiều gia đình đưa nhau tới đây. Chủ hàng Thanh Tuyền phục vụ các món nướng, lẩu, xào cho biết lý do bán thêm cơm: “Do có nhiều bà vợ theo chồng, con theo cha mẹ ra đây, tụi nhỏ không có cơm là không chịu. Thấy khách hỏi vài lần, biết họ có nhu cầu nên nhiều nhà hàng cũng nấu. Phần bán cho khách, phần mình ăn”.
Bạc Liêu là xứ sở của hải sản. Chợ trong khu du lịch bán cua, ốc, cá, tôm tươi các loại. Hàng khô cũng nhiều. “Mua bờ biển bán bờ biển không công vận chuyển, giá cả phải chăng”, một chủ bán hải sản rao như vậy. Tài Bửu, chủ nhà hàng Hải Dương Quán cho biết: “Ở đây không ai trữ đồ hải sản trong nhà hàng. Khách tới gọi đồ thì chủ hàng ra chợ. Khách thích đi chợ thì đi. Lười đi thì nhà hàng đi dùm”. Tấm biển kinh doanh của Tài Bửu đề: “Nhận luộc tôm, cua, cá, mực, chế biến hải sản. Đặc biệt cơm, thịt xào!”. Món đặc biệt ở đây lại là món ít bán, ít người mua. Để ý một chút tấm biển của Tài Bửu còn đề dịch vụ in ảnh mầu vi tính. Hỏi rõ mới biết, chủ nhà hàng Hải Dương Quán có nghề chụp hình, in ảnh cho khách du lịch tới đây. Tài Bửu cười: “Em kinh doanh đa ngành, đa nghề”.
Trúc Thi, Thu Thủy, Loan Trang, Bảo My, Thúy An…, mỗi hàng ăn uống đều có tấm biển do một hãng bia tài trợ. Đồng bộ và giống nhau, diện tích ngang bằng nhau, phong cách phục vụ tương tự và đồ ăn là hải sản. Chỉ khác nhau hàng ghế nhựa bày mép biển. Mỗi nhà hàng chọn một loại ghế để bộ phận chạy bàn phân biệt khách. Tám Thi cho biết, trước ở đây là bờ cá, bãi hoang. Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu có mười cây số mà xa lắc, xa lơ. “Từ khi có đầu tư Nhà Mát, chỗ này thành phường, thành “phố hải sản” đông vui”, Tám Thi nói.
Khu nghỉ dưỡng Nhà Mát khánh thành đến nay đã hơn một năm. Câu chuyện con đê thành phố ẩm thực tưởng đã tan theo con sóng của mùa lũ năm ngoái. Đó là cơn lũ lớn, triều dâng, sóng mạnh đánh tan cây cầu bê-tông ra nhà nghỉ trên bờ biển. “Nhưng không hề chi. Dịch vụ Nhà Mát là của công ty, của tỉnh. Dịch vụ ăn uống ở đây là do các hộ kinh doanh”, Tám Thi cho biết.
Đêm xuống, đèn bật sáng một góc biển. Chợ hải sản vẫn bán, khách vẫn tới tấp nập. “Bạc Liêu là xứ cơ cầu…”, câu hát văng vẳng của khách cất lên. “Cơ cầu” là gì, chúng tôi hỏi nhau xem ai biết? Thời của công nghệ, lướt ngón tay cũng tra được từ. Tám Thi đọc lèo lèo: “Phải người ác nghiệt cơ cầu/ Hai con quan trạng rủ nhau ăn mày”, hoặc “Người dại như củ bồ nâu/ Đến khi cơ cầu khốn khó phải ăn”! Anh Thi nói: “Nhiều người ở xa về đây nghe hát và hỏi nên tui cập nhật. Chỉ biết vậy thôi. Nhưng lời dạy của các cụ thì không sai. Cuộc sống phải ăn mới sống. Hôm nay cơm nhà, hôm mốt cơm nhà… thì cũng có hôm đi ăn hàng để gia đình phấn khởi, bạn bè khí thế”...
Sách của các nhà nghiên cứu Nam Bộ, có viết về xứ sở Bạc Liêu, nơi mưa thuận gió hòa, người tứ xứ tụ về làm ăn sinh sống. Nhiều người đã vươn lên thành hào phú, nổi danh có công tử Bạc Liêu. Bạc Liêu cũng là nơi tiêu biểu văn hóa đồng bằng, với nhiều câu lạc bộ đờn ca tài tử. Di sản Bạc Liêu nức danh bài “Dạ cổ hoài lang” (soạn giả Cao Văn Lầu). Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển về Gành Hào làm nghề giáo, những đêm buồn bên biển, dưới trăng, ông sáng tác bài “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”… Và nay, người dân trong phố ra bờ biển Nhà Mát để lắng chiều về, để nghe gió biển và để say. Và ai ghé Bạc Liêu thì nhớ đến Nhà Mát xem công trình “ngàn tỷ”, thưởng thức món ngon ở phố ẩm thực bình dân bên biển.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Những món Huế ăn hoài không chán ở chốn Hà Thành
- Những điểm du lịch gần Hà Nội hợp túi tiền sinh viên dịp 2/9
- Rằm tháng 7, lạc vào thế giới đèn lồng rực rỡ sắc màu ở Đà Nẵng

Theo ngaynay.vn