Chúng tôi tới “ngôi làng” đặc biệt ngay dưới chân cầu Long Biên, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, TP Hà Nội) vào một chiều cuối đông. Không khí im ắng, ảm đạm. Vài ba đứa trẻ đang oằn mình xách nước từ giếng khoan về “nhà” của chúng. Thoáng thấy người lạ chúng ré lên, khúc khích chỉ trỏ. Một cụ bà dáng chừng ngoài 70, đang giặt đồ ngay lạch nước ngước lên hỏi: “Cô chú tìm ai? Đi làm hết rồi, chỉ có trẻ con và người già ở nhà thôi”.







Dưới chân cây cầu hơn 100 năm tuổi ...





Khi tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu cuộc sống của những người dân tại “ngôi làng” này thì chỉ nhận được cái lắc đầu e ngại. Dường như họ cố gắng trốn tránh những câu hỏi, những tò mò quanh cuộc sống sông nước tạm bợ này.



Những mái nhà lụp xụp, vách ngăn bằng tấm bạt, mảnh gỗ hay tấm nilon mỏng manh dập dềnh trên sóng nước sông Hồng. Chúng nổi trên mặt nước nhờ những chiếc thùng phuy kết nối lại với nhau. Neo giữ chúng với đất liền là sợi dây thừng nhỏ.







... là những 'nhà thuyền' san sát





Bước trên chiếc cầu tự tạo từ bờ lên một “nhà thuyền” tôi suýt trượt chân vì chúng bám đầy những rêu, lập lờ xung quanh là rác rưởi vỏ hộp, nilon … Tiếp chúng tôi là bác Trần Viết Thành, 74 tuổi, quê Bắc Ninh. Dáng người gầy gò, đôi mắt khắc khổ, bác trầm ngâm: “ Tôi ở đây đã từ năm 2003. “Nhà thuyền” này tôi sống một mình. Công việc chủ yếu là đi lượm ve chai từ 22h đêm tới sáng. Ấy vậy mà cũng bữa đói bữa no cô chú ạ”.









Bác Thành - một người dân 'làng nổi' chia sẻ với PV Ngày nay về cuộc sống nơi đây.





Trong “ngôi nhà” ước chừng 10m2 là tất cả cuộc sống sinh hoạt của cả một gia đình. Chẳng có gì đáng giá ngoài những đồ dùng sinh hoạt thường ngày mà như bác kể chính là những món đồ cũ hỏng người ta vứt đi mình đem về dùng lại.









Tất cả sinh hoạt diễn ra trong 'ngôi nhà' chưa đầy 10m2.





Đi sâu vào trong “làng” là những “nhà thuyền” san sát. Không gian yên tĩnh, bởi ban ngày họ đi làm hết. Họ vào thành phố làm thuê, bốc vác, nhặt ve chai hay bán ngô ngay trên cầu Long Biên. Những đứa trẻ lấm lem bùn đất, thích thú với ánh mắt ngạc nhiên của tôi. Dẫn đường cho chúng tôi tới quán nước cạnh “làng”. Tôi hỏi chúng: “Các cháu học trường nào?”. Ngập ngừng một lát chúng trả lời: “Cháu không biết”. Rồi mặc chúng tôi ngẩn người ra vì câu trả lời khó hiểu, chúng lại tiếp tục công việc xách nước mà bố mẹ trước khi đi làm dường như đã giao khoán.









Xách nước là công việc thường ngày của các em nhỏ nơi đây ...












... dường như nó quá sức với cô bé.





Quán nước cạnh đó là của bà Hoa. Gọi là quán, thực chất chỉ có vài ba chai nước ngọt, dăm gói bánh kẹo, mấy nải chuối chín. Bà Hoa sống ở đây đã chừng hơn 20 năm. Ông và hai con đã vào thành phố làm thuê từ sáng. Chắc cũng muộn mới về. Rót nước mời khách, miệng hồ hởi: “ Cô chú vào đi du lịch hả? Ở đây khách tham quan cũng nhiều, nhưng chủ yếu là qua đây để đi An Dương. Còn lại vài tốp thanh niên, ở trong nội thành ngột ngạt, cuối tuần ra chụp ảnh, thăm thú đổi gió vậy. Nhờ thế tôi cũng bán được chai nước, phụ thêm vào cuộc sống của gia đình”.









Người phụ nữ này đã ở đây hơn 20 năm.





Bà Hoa cho biết: “ Những người dân ở đây, đa phần là ở khắp các nơi, không nhà không cửa, ra thành phố làm thuê, dựng tạm những căn “nhà thuyền” để ở. Mùa này còn đỡ, chứ mùa mưa thì khổ lắm, phải kéo lên bờ hết”. Được biết năm ngoái chính quyền thành phố Hà Nội kết hợp phường Ngọc Thụy quận Long Biên đã giải tán hết. Nhưng sang năm nay, các hộ lại tập trung thành một “làng”, cũng có tổ trưởng và chịu sự quản lý của phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.




[replacer_img]





Sân chơi của các em nhỏ - được một nhóm tình nguyện làm miễn phí












Biển chỉ dẫn 'Nhà văn hóa xóm' ...















... và 'trụ sở' nhà văn hóa là đây.















Du khách ghé thăm 'làng nổi'.





Rời cây cầu lịch sử hơn 100 năm tuổi, chúng tôi bước đi mà lòng không khỏi băn khoăn. Những “nhà thuyền” tạm bợ có qua khỏi mùa mưa bão năm nay? Những con người tứ xứ, tha hương cầu thực vẫn cứ sống lặng lẽ, tạm bợ bên cạnh một thủ đô ngàn năm văn hiến? Cuộc sống đó có đảm bảo an toàn? Và những đứa trẻ ngây thơ tương lai sẽ ra sao? Từ chân cầu nhìn xuống, những “nhà thuyền” vẫn dập dềnh trên sông, dưới những tòa nhà cao vút, tráng lệ. Nó lập lờ như chính số phận trôi nổi của những con người nơi đây.









Trên cầu nhịp sống vẫn hối hả ngược xuôi












... không có điện, bóng tối đang dần nuốt chửng 'ngôi làng' mỗi khi màn đêm buông xuống.






Theo ngaynay.vn