Áp chao là một món quà đêm phổ biến nhất tại Cao Bằng. Áp chao được làm từ bột gạo nếp và gạo tẻ xay nhuyễn, nhân thịt vịt. Bánh được đổ trong chiếc muôi nhỏ, tương tự như bánh cống ở miền Tây. Đặc biệt nhân phải là thịt vịt mới đúng là áp chao, nếu thử dùng các loại thịt khác chắc sẽ chẳng có một áp chao “nổi tiếng” như bây giờ.
Người ta xay gạo tẻ và gạo nếp thành bột mịn rồi hòa với một lượng nước vừa đủ tạo nên một hỗn hợp bột sánh đặc. Thịt vịt lọc bỏ xương, cắt miếng nhỏ, ướp gia vị cho thấm rồi cho vào trong bột, làm nhân, bánh được đặt vào cái muôi hình hoa cúc rồi thả vào chảo dầu đang nóng. Chỉ hơn một phút sau là bánh chín vàng ruộm cả hai mặt, tỏa hương thơm quyến rũ. Bánh được vớt ra, để lên vỉ cho ráo dầu rồi cắt thành miếng nhỏ vừa ăn và bày lên đĩa.













Bánh áp chao ăn nóng kèm với nước mắm chua ngọt, rau thơm và đu đủ bào sợi mỏng mới cảm nhận được hết những hương vị thơm ngon của bánh và mới hiểu vì sao nhắc đến Cao Bằng là phải nhắc đến bánh áp chao và ngược lại, nói đến bánh áp chao là phải nói đến đất Cao Bằng.

Những hương vị nóng, giòn, thơm của bánh, đậm đà, ngọt của thịt vịt hòa quyện cùng hương vị thơm ngon của nước mắm chua ngọt và tươi non của rau xanh thật ngon, thật lạ. Đặc biệt, hương thơm của bánh áp chao lan tỏa cả một vùng không gian rộng, níu chân bao người khách qua đường ghé vào thưởng thức vài đĩa áp chao nóng hổi, thơm ngào ngạt cho thỏa mãn cả khứu giác lẫn vị giác và để được ấm bụng giữa tiết trời đông.

Bánh áp chao ngon là nhờ thịt vịt. Người Tày Nùng có câu : “Woan bấu tấng nựa pết, chếp bấu tấng pả nả”. Dịch ra có nghĩa là “không có thứ thịt nào ngon bằng thịt vịt, chẳng có tình cảm nào thân thiết bằng tình chị em gái”. Ăn bánh áp chao là ăn cái tình chị em gái. Nó cứ áp dính vào nhau như một loại keo đặc biệt vậy. Thật khó lòng chia lìa hoặc dùng răng nghiền nát bánh trong khoang miệng. Cái đậm đà ngọt ngào quyện vào nhau, từ từ trôi vào cổ họng. Trôi tới đâu thấy ấm bụng tới đó. Người nhìn thấu ruột gan nhau, dường như chỉ có ở Cao Bằng mà thôi.
Quán bánh áp chao có suốt từ cuối thu đầu đông, qua mùa xuân năm sau. Vào dịp thu đông này, ở miền núi lạnh hơn miền xuôi, mưa nhiều, khiến bụng dạ người ta mau đói. Vì họ đã phải tiêu tốn khá nhiều năng lượng cho việc đi rẫy, làm nương, thu hoạch hoa màu tránh mưa gió. Phải có chút gì âm ấm cho vào người, nếu không, cả đêm sẽ nằm mà nghe lòng non lòng già thi nhau “biểu tình”. Bỏ ra năm, mười ngàn bạc lẻ thôi là tha hồ mân mê xanh món bánh này đến sáng.Trời lạnh lạnh thế này mà có miếng nóng hôi hổi vào miệng còn gì hạnh phúc bằng. Có người nói “Hạnh phúc cách ta chỉ có mấy bước chân. Hạnh phúc nào có xa”. Chẳng có kiểu dụ khị nào mau mắn, nhanh chóng và hiệu quả bằng cái ăn.












Cách ăn bánh áp chao cũng dễ thương vô cùng. Nhất là mấy thực khách nữ , ngồi bên bếp than khiến đôi má ửng hồng nên ấm nóng. Các nàng chúm môi phù phù thổi, xuýt xoa cắn một cách đầy sung sướng và mãn nguyện khi nhận được phần bánh của mình từ tay “chà” . Ăn cái thứ này càng bỏng môi càng thích thú, nhất là lại ăn vao mùa lạnh lạnh, đầy hơi sương ở Cao Bằng.
Tình yêu của du khách đối với ẩm thực, thiên nhiên núi rừng, con người Cao Bằng chưa bao giờ là đủ, là cạn. Tình yêu đó được nhen nhóm, nhân đôi hơn nữa khi nó thôi thúc du khách với lời hứa “sẽ có ngày trở lại với Cao Bằng”. Sự lạnh lùng nhưng đầy quyến rũ của nó làm người ta không cưỡng lại được. Hay là chỉ cần cảm thấy thèm thuồng cảm giác đê mê, tê tê đầu lưỡi khi cắn miếng bánh áp chao nóng giòn, ngầy ngậy và kết dính ở Cao Bằng. Tôi tin với bất kì “ham muốn” được sinh sống cùng thiên nhiên hay “ham muốn” ẩm thực nào khác thì người dân Cao Bằng luôn mở rộng “cái bụng” chân thật để tiếp đón du khách quoay lại nơi đây một lần nữa.




Theo ngaynay.vn