Sa Pa cách Hà Nội gần 380km, đường đi không quá khó khăn. Bạn có thể đi theo quốc lộ 32 lên Yên Bái, từ thành phố Yên Bái bạn theo quốc lộ 70 là lên tới Lào Cai, từ Lào Cai phải đi thêm 25km đường đèo sẽ lên tới thị trấn Sa Pa xinh đẹp.
Để trải nghiệm và cảm nhận được đầy đủ sự mờ ảo của các cung đường lên Sa Pa, chúng tôi chọn cách dong duổi trên chiếc xe Minsk thay vì đi ô tô hay đi tàu như mọi khi.
Minsk “khơ” là một chiếc xe cổ, đặc điểm của xe là có sức tải tốt, đi được dễ dàng ở những địa hình khó nhưng lại hay hỏng vặt trên đường. Để đi chiếc xe này người lái xe phải có kinh nghiệm sửa chữa mọi hỏng hóc của xe.
Tôi vẫn nhớ y nguyên cái cảm giác không biết bao giờ mới tới được Sa Pa, cảm giác lo lắng khi xe sẽ hỏng bất cứ lúc nào và sẽ phải gửi xe lên ô tô mới tiếp tục được chuyến đi.
Trước khi đi chúng tôi cũng đã nghe nói nhiều về quốc lộ 70, hầu hết đi phượt bằng xe máy thì các xế thường tránh đường 70, nhưng thực sự chúng tôi muốn trải nghiệm và thử một cảm giác mới mẻ.










Tuy nhiên thật sự những gì cánh tài xế rỉ tai nhau là đúng, quốc lộ 70 là những khúc cua liên tục từ Yên Bái lên Lào Cai, tính đến thời điểm chúng tôi đi thì đó là con đường duy nhất để các xe container và xe khách lưu thông. Liên tục gặp các đoàn container, xe tải nối đuôi nhau làm xe không thể đi nhanh. Nhiều khi bất thình lình sau khúc cua là chiếc xe lù lù hiện ra làm chúng tôi thót tim.












Phải mất 10 tiếng chúng tôi mới đặt chân lên đến thành phố Lào Cai. Sau 1 giờ đồng hồ đi qua con đường đèo uốn lượn chúng tôi đã đặt chân tới Sa Pa. Trước mắt chúng tôi là vườn hoa trung tâm đẹp lung linh như tấm thảm đủ màu sắc. Dường như lúc đó, mọi mệt mỏi của chuyến đi tan biến hết.










Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là nhà thờ Sapa một mình giữa sương mù lạnh lẽo, những bậc tam cấp xuống chợ luôn ẩm ướt, những ngôi nhà với mái hiên nhìn xuống con đường dốc thoai thoải. Phiên chợ thổ cẩm với những đứa trẻ người Mông đen nói đủ cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh bồi mời khách và hàng thông xanh vi vút reo khi mỗi lần gió tới.












Có rất nhiều địa điểm để đến khi đặt chân đến Sa Pa như: núi Hàm Rồng, thác Bạc, bản Tả Phìn, bản Cát Cát, bản Tả Van nhưng lần này chúng tôi đã đến thác Tình Yêu.
Vì được nghe nhiều truyền thuyết và câu chuyện hấp dẫn quanh thác Tình Yêu nên tôi muốn tận mắt chứng kiến dòng thác này.
Thác Tình yêu thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 4km theo hướng Tây Nam.
Đường đến thác Tình yêu là một con đường đất đỏ chạy qua khu rừng trúc xanh mướt, bạt ngàn mà thấp thoáng đâu đó, ánh lên vẻ đẹp dịu dàng của loài hoa đỗ quyên với những gam màu đỏ, trắng, vàng khá tươi tắn; hòa trong cảnh đẹp nơi đây, du khách sẽ thấy thoảng thoảng bên tai mình âm thanh xào xạc của cây rừng đang đu đưa trong gió...












Thác bắt nguồn từ đỉnh Phan Si Păng rồi mang theo hơi lạnh của núi rừng chảy qua nền địa hình cao, dốc; đổ xối xả, ào ạt xuống dòng suối Vàng tung bọt trắng xóa. Nhìn từ xa, dòng thác giống hình một chiếc nón; thấp thoáng sau từng lớp nước mỏng chảy ở hai bên rìa thác là một thảm thực vật rừng xanh tốt; dưới chân thác, con suối Vàng óng ánh nghiêng mình uốn lượn với hai bên bờ là những thảm cỏ xanh mượt trải dài dưới chân những bụi trúc gai...
Đêm Sa Pa, cả đoàn dạo bộ trên vỉa hè. Mơ hồ và trong trẻo như khi ta lạc giữa phố đông mà vẫn dễ chịu. Những viền hoa bên bờ hồ, trang điểm cho hồ thêm rực rỡ, sáng láng. Kỳ ảo nhẹ nhàng mà thanh khiết.
Phố huyện về đêm lặng lẽ như lời thì thầm của gió. Những nhà hàng cửa hiệu, đèn điện sáng như sao. Những chàng trai, cô gái Mông, Dao lại thao thức thâu đêm, trăn trở câu chuyện tình còn dang dở. Họ lặng thầm bên nhau, trao cho nhau ánh mắt, nụ cười, những câu hát dân ca, lặng thầm trong tiếng đàn môi dìu dặt.












Một ngày ở đây đủ cả bốn mùa xuân, hạ, thu đông như thế, khiến kẻ quên chiếc áo khoác cũng phải rùng mình một chút vì lạnh và những cái nắm tay có phần chặt hơn khi đêm về.
Sa Pa mang lại cho chúng tôi cảm giác bình yên, muốn xích lại gần nhau hơn, giúp quên đi những vội vã của cuộc sống nơi đô thị.
Vậy đấy. Có lẽ giống như Osho* từng nói “Đừng nói rằng ‘Đẹp quá’ vì ngay tại khoảnh khắc bạn nói rằng nó đẹp thì nó không còn nguyên vẹn nữa…”, bạn hãy đi, nếu muốn. Và đừng đóng khung sự tự do của mình bằng bất cứ khái niệm nào. Hãy đi và nhìn cuộc sống như nó vốn có bằng cảm nhận của mình. Đừng chờ những bài viết thế này để biết “Đi tuyệt lắm”.
Hãy đi để có được sự trinh vẹn của cảm xúc.
Hãy đi như là bạn muốn.







Theo ngaynay.vn