Khau Phạ - Tú Lệ - Mù Cang Chải (Yên Bái): Đèo Khau Phạ là một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc Việt Nam. Đây là con đèo dài nhất, hiểm trở nhất và cũng đẹp nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 40 km. Nằm ở độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển, đèo Khau Phạ thường xuyên mịt mù sương phủ, vì thế người Thái mới đặt cho con đèo cái tên Sừng Trời (Khau Phạ có nghĩa là chiếc sừng nhô lên tận trời). Ảnh: hachi8.












Nằm sát sườn đèo Khau Phạ, tỉnh Yên Bái, Tú Lệ hiện ra đẹp lộng lẫy, và cũng ngạt ngạt hương lúa, như muốn mời gọi du khách ở lại để thưởng thức chút xôi nếp của đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: hachi8.












Ở đây, bạn còn có thể đi thăm bản Lìm Thái, Lìm Mông, cách Tú Lệ 3 km, ngắm nhà sàn dân tộc. Ảnh: hachi8.












Nhắc tới ruộng bậc thang, không thể bỏ qua Mù Cang Chải, với 700 ha ruộng bậc thang, thuộc 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Su Phình. Ảnh: hachi8.












Những thửa ruộng bậc thang ở đây mênh mông như không có điểm kết thúc. Lên tới Chế Cu Nha, ruộng còn xen lẫn với núi rừng xanh ngắt. Ảnh: hachi8.












Sa Pa - Alù - Tả Van - Bắc Hà (Lào Cai): Sa Pa quyến rũ với không khí lạnh, kéo người ta lại gần nhau. Nếu tới đây đúng độ lúa chín, bạn lại càng khó lòng cưỡng lại trước vẻ đẹp rực rỡ, ngút ngàn của những khu ruộng bậc thang. Ảnh: moitruongdulich












Đây là một trong những yếu tố giúp hút nhiều khách du lịch lên Sa Pa trong mùa này. Ảnh: dulichviet












Đến vùng đất “thâm sơn cùng cốc” của A Lù (Bát Xát), cảm nhận đầu tiên là núi, đồi, ruộng như lẫn vào nhau. Ảnh: hachi8.












Một điểm ngắm lúa chín nữa trên cung đường này là Tả Van. Nơi đây cách trung tâm thị trấn khoảng 10 km, ngoài ngắm lúa, bạn còn có thể tìm hiểu đời sống của đồng bào dân tộc Giáy, Dao đỏ, H'Mong. Ảnh: hachi8.












Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai là một trong những điểm rất thu hút khách du lịch nhờ sự hoang sơ, không quá tấp nập như Sa Pa. Mùa thu, nơi đây lại càng hấp dẫn nhờ màu vàng lúa chín trên những ruộng bậc thang uốn lượn. Ảnh: hachi8.












Hoàng Su Phì - (Hà Giang): Nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang, Hoàng Su Phì nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp. Ảnh: hachi8.












Khi mới quyết định chọn sườn đồi để tạo thành vạt đất bằng trồng lúa, người dân nơi đây hẳn không ngờ những thửa ruộng này lại tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ giữa đại ngàn Tây Bắc. Ảnh: hachi8.












Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì đã được công nhận là di tích Quốc gia. Ảnh anhdep.pro










Pù Luông (Thanh Hóa): Cũng vào thời điểm này, trên các ruộng bậc thang ở Pù Luông, phía Tây Thanh Hóa, các “phượt thủ” sẽ được chiêm ngưỡng vụ lúa cuối năm. Mỗi năm ở Pù Luông có hai vụ lúa. Ảnh: infonet












Không hùng vĩ bằng ruộng ở Mù Căng Chải hay Hoàng Su Phì, nhưng Pù Luông lại có nét đặc trưng riêng. Ruộng ở đây một màu mướt mắt, xen kẽ với nhà của người dân tộc Thái. Ảnh: hachi8.












Bắc Sơn (Lạng Sơn): Nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 150km, Bắc Sơn là một điểm đến xinh đẹp và hết sức yên bình. Ảnh: hachi8.












Cách tốt nhất để chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp mùa lúa chín ở Bắc Sơn là leo lên tới đỉnh của ngọn núi. Ảnh: hachi8.












Trang web tư vấn du lịch whenonearth đã ca ngợi cánh đồng lúa thung lũng Bắc Sơn ở Lạng Sơn, Việt Nam giống như một thiên đường màu xanh tuyệt đẹp hiếm có trên trái đất. Ảnh: hachi8.

Theo Zing

Theo ngaynay.vn