Hang động đom đóm Waitomo nằm ngay bên ngoài thị trấn Waitomo trên đảo Bắc của New Zealand, là một điểm đến nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan bởi số lượng lớn các đom đóm sống trong các hang động. Bất cứ ai khi lần đầu đặt chân tới đây đều phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp huyền bí như những ngôi sao xuất hiện dưới lòng đất của nó.













Những con đom đóm có tên khoa học là Arachnocampa Luminosa, là loài sinh vật tạo ra một loại ánh sáng màu xanh da trời pha lẫn xanh lá cây.












Hang động đom đóm Waitomo Glowworm được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1887 bởi tộc trưởng tộc người Maori - Tane Tinorau cùng với một điều tra viên người Anh - Fred Mace. Người Maori từ lâu đã biết về sự tồn tại hang động, nhưng các hang động dưới lòng đất chưa bao giờ được khám phá rộng rãi cho đến khi Fred và Tane đi điều tra. Họ làm một chiếc bè bằng thân cây lanh và cầm nến trên tay, cùng đi vào hang động.












Khi bước vào hang động, họ đã ngỡ ngàng trước ánh sáng lung linh mà loài đom đóm tạo ra ở đây. Họ càng kinh ngạc hơn nữa khi đi sâu hơn vào trong và phát hiện những tầng đá vôi.












Vui mừng trước các phát hiện của mình, họ đã quay trở lại đây nhiều lần để tiếp tục khám phá. Trong một lần đi một mình, tộc trưởng Tane đã phát hiện ra lối vào phía trên của hang động, chính là lối vào như ngày nay.












Ở độ sâu hàng chục mét dưới mặt đất, những con đom đóm phát sáng khiến hang động Waitomo lung linh như một bầu trời đầy sao kỳ ảo. Trong hang động, nước chảy róc rách và thạch nhũ cùng măng đá càng thu hút khách tham quan.












Những con đom đóm trong hang động này nhả tơ, chăng tổ trên trần động. Chúng treo mình trên những sợi tơ mỏng manh và phát sáng. Ban đêm, du khách đến đây thưởng ngoạn sẽ ngỡ như mình đang lạc vào một thiên đường tràn ngập ánh sáng kỳ diệu.










Năm 1889, Tane Tinorau đã mở cửa hang động cho khách du lịch vào tham quan. Tane Tinorau và vợ là Huti thành lập nên một tập đoàn hàng đầu như hiện nay nhờ vào việc thu một khoản phí nhỏ khi du khách vào hang. Kể từ năm 1906, chính phủ tiếp nhận quyền sở hữu hang động, Tane Tinorau và vợ nhận được tỷ lệ phần trăm doanh thu của hang động và tham gia vào việc quản lý và phát triển hang động.






















Ngoài ra, trên thế giới còn có một vài nơi khác cũng có thể tìm thấy loài sinh vật phát quang nhỏ xíu này là vịnh Toyama ở Nhật Bản và hồ Gippsland ở Australia.

Theo ngaynay.vn