1. Chọn địa điểm phù hợp


Phụ nữ có thai có thể chọn những địa điểm gần để đi du lịch vừa không phải di chuyển nhiều vừa có thể đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Điều quan trọng là tại đó, bạn được nghỉ ngơi, thư giãn, hít thở bầu không khí trong lành và có thể vận động nhẹ nhàng. Đôi khi chỉ là đi dạo trong công viên hoặc tham quan một bảo tàng thú vị cũng sẽ giúp ích nhiều hơn là ngồi lì một chỗ.






Bà bầu không nên du lịch đến những nơi đông đúc và phải di chuyển quá xa. Ảnh: dockids





2. Lựa chọn phương tiện di chuyển
Bà bầu khi đi du lịch cần chọn phương tiện đi lại phù hợp với kinh tế và sức khỏe của mình. Điều quan trọng là chọn được chỗ rộng rãi, gần nhà vệ sinh và tránh phải ngồi lâu. Nếu đi máy bay, bạn sẽ được hướng dẫn các thủ tục ưu tiên (nếu có) như không phải xếp hàng, được lên/ xuống máy bay sớm… Nếu đi bằng tàu hoặc ô tô, hãy chọn chuyến có thời gian nghỉ giữa chặng để vận động và nạp thêm năng lượng. Ngồi gần cửa sổ, thoáng khí sẽ giúp bà bầu thoải mái và giữ sức hơn.
3. Tiến hành khám thai trước khi đi du lịch



Trước khi đi du lịch, bạn cần sắp xếp tiến hành khám thai cẩn thận. Các xét nghiệm thường được thực hiện trong những tuần quy định của thai kỳ gồm: Lấy mẫu lông nhung màng đệm (CVS, từ 10 – 12 tuần); Chọc ối (15 – 18 tuần); Kiểm tra đa hiệu (15 – 20 tuần); Siêu âm (16 – 20 tuần); Xét nghiệm sàng lọc đường gluco (GCT, từ 24 – 28 tuần); Sàng lọc khả năng mắc khuẩn cầu chuỗi nhóm B (35 – 37 tuần); Tiêm globulin miễn dịch Rh cho thai phụ nhóm máu O-Rh âm tính ở tuần thứ 28.



Khi tiến hành môt trong những xét nghiệm này, bạn hãy dành thời gian để lấy kết quả. Nếu thích hợp hãy lên kế hoạch tiếp theo trước khi tiến hành chuyến du lịch.

4. Luôn giữ liên lạc với bác sĩ




Trước, trong và sau khi đi du lịch, bạn cần gặp bác sĩ để xin ý kiến và khám sức khỏe cẩn thận. Bạn cũng nên mang theo một số loại thuốc dự phòng nếu có chỉ định của bác sĩ. Ba tháng giữa thai kỳ là thời gian tốt nhất để du lịch.






Hãy khám bác sĩ trước khi lên đường. Ảnh: irishexaminer





5. Đừng quên giấy chứng nhận y tế



Các hãng hàng không thường sẽ từ chối phục vụ những hành khách có bầu từ 34 tuần trở lên. Tuy nhiên, để chắc chắn hãy gọi trước cho nhân viên chăm sóc khách hàng của các hãng để tìm hiểu về quy định chở khách có thai cũng như những ưu tiên nếu có. Thường họ sẽ yêu cầu bạn điền vào một mẫu đăng ký đặc biệt kèm theo giấy chứng nhận y tế để hoàn thành các thủ tục lên máy bay.




6. Hài hòa giữa nghỉ ngơi và di chuyển

Vận động trong thời kỳ mang thai sẽ giúp bà bầu lưu thông máu, nhưng bạn không nên quá lạm dụng. Điều quan trọng trong thời gian này là bạn phải được nghỉ ngơi. Khi ngồi hay di chuyển, tránh vắt chân quá lâu để giảm bớt nguy cơ đông máu, đồng thời kê chân cao một chút nhằm tránh chuột rút và sưng chân.
7. Mua bảo hiểm du lịch



Hình thức bảo hiểm đặc biệt này bao gồm chi phí nếu bạn bị bỏ lỡ một phần hay toàn bộ chuyến đi. Hoặc chi phí nếu xảy ra cấp cứu trên lộ trình. Hãy chắc chắn rằng chính sách này bao gồm các biến chứng trong thai kỳ cũng như vận chuyển y tế khẩn cấp từ những nơi bạn đã định trước.

8. Trang phục thoải mái

Bà bầu nên chú ý theo dõi thời tiết nơi mình sẽ đến để mang theo quần áo cho phù hợp, tránh trang phục ôm bó gây khó chịu khi di chuyển. Một đôi giày đi bộ đế mềm, vừa chân sẽ người bạn đồng hành tuyệt nhất của bạn lúc này. Nếu dự định chỉ ở trong khu nghỉ mát để nghỉ ngơi, bơi lội và nhấm nháp các loại nước trái cây, hãy để đôi chân của mình được thoải mái với các loại dép bệt, thậm chí là bước đi chân trần.






Kỳ nghỉ sẽ tuyệt hơn nếu bạn đi cùng với chồng, bạn thân hoặc bố mẹ. Ảnh: cryobanksindia.





9. Giữ tinh thần luôn vui vẻ



Tốt nhất bạn nên tận hưởng kỳ nghỉ đặc biệt này với một ai đó. Sẽ tuyệt hơn nếu người đó là chồng bạn bởi trong chuyến đi, anh ấy có thể sẽ trở thành y tá, người phục vụ riêng, đôi khi còn đóng cả vai trò của nhân viên mát-xa và người bạn tâm tình. Vì vậy, hãy tin tưởng và dành thời gian vui đùa với ông xã.



Nếu đi cùng bạn thân hoặc các thành viên trong gia đình, bằng mọi cách cũng hãy giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ. Có thể nhờ mọi người xách hành lý nặng hoặc lấy đồ ăn, nước uống khi cảm thấy mệt mỏi. Tránh vận động quá sức và những trò chơi mạo hiểm.
10. Chuẩn bị cho những trường hợp bất ngờ


Bà bầu cần tính trước cho những trường hợp có thể xảy ra trong chuyến đi. Mang theo các số điện thoại của hãng hàng không nào bạn đang sử dụng trong trường hợp cần để xác nhận hoặc sắp xếp lại chuyến bay.



Luôn mang theo một điện thoại di động, đặc biệt là nếu đi du lịch một mình. Trường hợp thai phụ dễ bị tăng huyết áp hoặc sẩy thai trong thai kỳ, ngoài việc mang theo thuốc và các biện pháp, bạn không nên chọn hành trình quá xa (trên 200km), đường sốc hoặc đi máy bay. Thời gian di chuyển không quá dài (dưới 6 tiếng). Nếu không hãy kéo dài thời gian di chuyển bằng cách dừng lại nghỉ giữa chặng đường.


Theo ngaynay.vn