Khi vào những quán trọ hay khách sạn, gọi chung là ryokan, ở Nhật Bản, du khách sẽ được tắm onsen (tắm khoáng nóng) và được phục vụ cả bữa sáng, tối trọn gói, không kèm đồ uống. Việc ngâm mình trong suối nước nóng Tsurunoyu chứa nhiều sulfuric được cho là có ích với những người mắc bệnh xương khớp. Vì thế, đến phía tây núi Nyutozan với khu vực trượt tuyết Tazawako, du khách có thể chìm mình vào suối nước nóng Nyuto ngoài trời. Đặc biệt, nơi đây có hồ Tazawa lấp lánh màu xanh vào ban đêm, sâu hơn 400m là một nơi tham quan thú vị.
Không chỉ vậy, khu nghỉ chân Kamigoten gần 500 tuổi, thuộc sở hữu của 29 thế hệ trong một gia đình, nằm giữa bờ sông Hidaka ở Wakayama cũng là một địa điểm tắm khoáng nóng Ryujin thu hút phái nữ đến “làm đẹp” từ hàng trăm năm nay.












Fiona Harper, một vị khách du lịch đặt chân đến Nhật Bản từng khẳng định: “Khi bạn đắm mình trong suối nước nóng là đang đắm mình trong văn hóa Nhật Bản”, từ đó cho thấy, sự phổ biến và giá trị của phong tục “tắm tiên” của người dân Nhật Bản giữa trời tuyết cũng khiến các du khách cảm nhận sâu sắc nền văn hóa của xứ sở Phù Tang. Còn đối với Mark Edward Harris, nhà nhiếp ảnh gia và tác giả của cuốn “The Way of the Japanese Bat”, ông cũng đã từng khám phá phong tục này và cho biết có khoảng 20.000 suối tắm khoáng trên khắp cả nước.
Dù chỉ là một nơi tắm thư giãn song các khu vực tắm nước nóng lại đặt ra nhiều quy định khắt khe như: không được mang xà phòng vào phòng tắm, thay vào đó mọi người phải tắm rửa sạch sẽ trước khi bước vào khu vực tắm dành cho nam hoặc nữ.
Lúc đi lại, mỗi người sẽ che phần quan trọng nhất của cơ thể chỉ bằng một chiếc khăn nhỏ, đặc biệt là trong những osen có cả nam và nữ. Khi bước vào bồn, bạn tuyệt đối không được tạo ra sóng nước, thậm chí một số nơi không cho phép những người có hình xăm được đến tắm, cũng như không được mang máy ảnh vào cùng. Và đó chính là lý do giải thích vì sao nước Nhật tôn trọng khu vực công cộng ra sao, cũng như lý giải cho việc người Nhật sống quy củ thế nào.
Nếu như ai đã từng một lần được “tắm tiên” giữa trời tuyết Nhật Bản, có lẽ sẽ khó quên cảm giác khi làn nước nóng làm cơ thể tỏa nhiêt, mồ hôi cùng hơi nước bắt đầu đọng trên trán giúp giải tỏa những căng thẳng, mang đến cảm giác thư thái khi bình tâm hòa mình vào những làn khói bay bảng lảng trên mặt nước rồi cuốn vào khí trời, hòa cùng với quang cảnh yên bình xung quanh.
Tắm onsen thường làm cơ thể thấy đói và khát khô cổ họng. Nhưng khi trở về phòng, bữa tối đã được chuẩn bị sẵn sàng với những món ăn truyền thống của đất nước hoa Anh Đào, cùng với những ly rượu sake mát lạnh chảy qua cổ họng và bao món thức ăn tươi ngon sẽ khiến bạn thấy mình trở thành vị khách đặc biệt nhất khi mọi nhu cầu đều như được thấu hiểu. Đó sẽ là những trải nghiệm khó quên trong chuyến du hành đến xứ Phù tang.
Thậm chí, độ tinh tế trong những nét văn hóa, dịch vụ chu đáo nơi đây đã từng khiến không biết bao du khách “đến hẹn lại lên”, muốn quay lại để trải nghiệm lại cảm giác tuyệt vời, nên thơ một lần nữa, và đó mới chính là cách làm du lịch tận tâm,thấu hiểu, chuyên nghiệp, điều mà du lịch Việt Nam mãi không học thành nghề.

Theo ngaynay.vn