Xuất khẩu “lao đao”…


Số liệu thống kê của Bộ Công thương trong bảy tháng đầu năm 2015 cho thấy ảnh hưởng của giá XK khiến kim ngạch XK của nhóm hàng nông sản giảm hơn 961 triệu USD. Từ đầu năm 2015 đến nay, một số đồng tiền các nước giảm giá đã khiến XK hàng nông sản của Việt Nam bị ảnh hưởng, kim ngạch XK toàn ngành bảy tháng qua giảm 3,6% so cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, kim ngạch XK thủy sản bảy tháng qua đã giảm 17% so cùng kỳ.







Kim ngạch XK của nhóm hàng nông sản giảm hơn 961 triệu USD





Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Gò Đàng Tiền Giang Nguyễn Văn Đạo cho biết, nhu cầu NK nhiều mặt hàng ở các thị trường lớn trong đó có Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn bình thường. Nhưng do có biến động tỷ giá liên quan USD, đồng tiền thanh toán chính trong các hợp đồng mua bán, nên phía NK “ép giá” DN, bắt hạ xuống từ 10-15% mới mua. Mặt khác, trong khi VND vẫn “neo” giá so USD thì đồng tiền của một số đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này như: Thái-lan; Ấn Độ… lại được thả nổi. Như vậy, nghiễm nhiên giá thủy sản Việt Nam cao hơn so giá các mặt hàng cùng loại trên thị trường.
Việc mới đây Trung Quốc “phá giá” đồng Nhân dân tệ (CNY) đã tác động mạnh đến XK nông sản, sau khi lĩnh vực này đã phải liên tiếp chịu ảnh hưởng lớn về tỷ giá liên quan tiền tệ của các quốc gia khác. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam chủ yếu được XK sang Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc NK 38,1% trong số 3,72 triệu tấn gạo Việt Nam đã XK; NK gần 90% tổng lượng sắn XK của Việt Nam…
Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, Võ Minh Tuấn cho biết, với XK, việc neo tiền đồng theo USD, trong khi USD lên giá khiến hàng XK của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh vì giá XK đắt hơn so các đồng tiền khác. Nhưng với NK, điều chỉnh tỷ giá sẽ gây bất lợi, chưa kể nợ công cũng sẽ tăng lên. Đây là lý do NHNN điều hành chính sách tỷ giá dựa trên quan điểm vĩ mô, hài hòa lợi ích của tất cả các ngành, chứ không chỉ dựa vào XK.
Nhiều thương nhân tham gia XK gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng cho biết, có hiện tượng phía Trung Quốc ép DNXK phải giảm giá gạo, dù hợp đồng đã ký. Thiệt hại nặng nhất ở phần hàng đã giao cho đối tác Trung Quốc nhưng vẫn chưa thanh toán. Hầu hết các DNXK nông sản đều không sử dụng biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá và chính sách bảo hiểm XK. Để đối phó sự sụt giảm kim ngạch XK cũng như biến động tỷ giá, phần lớn DN đều chọn giải pháp tiết giảm chi phí, giảm giá cho khách hàng và... chờ qua thời kỳ khó khăn.

Sức ép cạnh tranh gia tăng


Theo Bộ Công thương, NK hàng hóa trong bảy tháng qua của nhóm hàng cần NK ước đạt 84,35 tỷ USD, tăng đến 16,2% so cùng kỳ năm 2014, chiếm tỷ trọng 88,2% kim ngạch NK, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất. Nhóm hàng cần kiểm soát NK thì kim ngạch NK lại đạt đến 3,81 tỷ USD, tăng 9,9% so cùng kỳ. Nhóm hàng cần hạn chế NK thì đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ. Xét về giá, so cùng kỳ năm 2014, giá NK bình quân của một số mặt hàng đã tăng. Điều này chưa phản ánh hết thực tại bất cập của các DNXNK trong nước, nhưng đủ để cho thấy bức tranh tương phản trong cán cân thương mại, mà phần thiệt thòi thuộc về DN Việt Nam.
Với các DNNK nguyên liệu để sản xuất, NK hàng hóa để tiêu thụ nội địa, thì đây là thông tin không mấy tích cực. Việc điều chỉnh tỷ giá khiến cho giá hàng hóa NK đầu vào tăng lên, gây sức ép cho DN trong việc điều chỉnh giá bán do chi phí giá thành sản xuất tăng lên. Với tình trạng nhập siêu như hiện nay, các DN Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong nước, không ít DN đã bị lép vế.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, cuối năm 2014, đồng euro và đồng yên mất giá tới hơn 20%, trong khi đơn hàng XK của Việt Nam thường tính bằng USD. Kết quả là thủy sản Việt Nam có giá thành cao hơn nhiều, nên khó, thậm chí không cạnh tranh được với hàng hóa các nước. Hiện hàng thuỷ sản chế biến sâu như tôm tẩm bột, tôm hấp... chỉ có Trung Quốc, Thái-lan và Việt Nam cạnh tranh. Tỷ giá VND/USD điều chỉnh với biên độ +/- 3%, trong khi Trung Quốc giảm giá đến 4,6%, sản phẩm của nước này sẽ có sức cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Ước tính, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc có thể tăng thêm 0,6-0,8% nếu đồng CNY giảm giá 1% so với VND. Với việc CNY giảm giá mạnh thì sức cạnh tranh của hàng Việt Nam so Trung Quốc bị giảm khá nhiều.
Theo Cục trưởng XNK, Bộ Công thương, Phan Văn Chinh, đồng CNY giảm giá ảnh hưởng hoạt động XNK của Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, thời gian tới, hoạt động XK, chủ yếu là nhóm hàng nông sản sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất. Trong đó, đáng lo ngại nhất là mặt hàng sắn. Mặt hàng sắn Việt Nam được XK sang Trung Quốc khoảng 5 triệu tấn/năm, chủ yếu thanh toán trực tiếp qua biên giới. Về NK, 80% hàng NK từ Trung Quốc là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu sản xuất. Do đó, đồng CNY giảm giá sẽ góp phần giúp hàng hóa của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng như các thị trường XK.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương, Lê Hoàng Oanh cho rằng, DN có thể NK nguyên phụ liệu được giá rẻ song lại phải đối mặt sức ép giảm giá của các đối tác nước ngoài, nhất là với đơn hàng ký sau thời điểm đồng CNY mất giá.

Cần giải pháp hỗ trợ phù hợp


Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, Việt Nam cần nỗ lực ứng phó việc Trung Quốc phá giá CNY, bằng việc kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thay đổi chính sách đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước để thu hẹp khoảng cách XK và NK giữa Việt Nam với Trung Quốc. Hàng Trung Quốc đã có ưu thế giá rẻ, nay với việc phá giá đồng tiền, hàng hóa của họ sẽ càng rẻ thêm. Nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam là hiện hữu.
Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng không nên chủ quan trước việc hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Việc ứng phó các kịch bản thay đổi của tỷ giá của các DNXK Việt Nam hiện bộc lộ yếu kém nội tại. Đáng lý khi tỷ giá tăng mạnh, các DNXK hưởng lợi từ giá trị nguồn thu ngoại tệ, từ khả năng cạnh tranh giá trên thị trường thì chính các DNXK lại không làm được điều đó. Ngay cả khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam so DN Trung Quốc trong XK hàng hóa sang thị trường thứ ba cũng thua xa khi không có kênh dự phòng khi có biến động tỷ giá. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp phù hợp, nhất là trong bối cảnh nhập siêu bảy tháng đầu năm 2015 vẫn là 3,4 tỷ USD.
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải khuyến nghị, các DN nên áp dụng chính sách quản trị rủi ro để tránh những biến động khó lường của thị trường trong tương lai. Việc nắm vững “luật chơi” của tỷ giá để chủ động là vấn đề sống còn đối với các DN. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý kinh tế cũng cần 'hà hơi tiếp sức' cho DN trong “cuộc đấu tỷ giá”.
Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Trung Quốc đã thay đổi cách điều hành từ ấn định tỷ giá và biên độ dao động thành thả nổi có kiểm soát, tỷ giá có thể lên hoặc xuống, việc đánh giá tác động cần rất cẩn trọng và phải mang tính dài hạn hơn. Về giải pháp cấp bách hiện nay, DN cần sử dụng các đồng tiền khác để thanh toán, hạn chế dùng đồng CNY. Trong việc thanh toán, phải tăng cường sử dụng công cụ phái sinh để giảm rủi ro cho DN trong các vấn đề liên quan tỷ giá. Bởi vậy, các bộ, ngành cần tạo điều kiện thuận lợi giúp DN tiếp cận công cụ này. Về phía Bộ Công thương, cụ thể là Cục XNK và các đơn vị liên quan, sẽ có công cụ phù hợp để quản lý tốt việc NK, đặc biệt là kiểm soát các mặt hàng giá rẻ tràn qua biên giới.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Mua hàng trả góp: Coi chừng bị hớ
- NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá và thị trường
- Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá 1%




Theo ngaynay.vn