Theo Reuters hôm nay 10/7, chính phủ Hy Lạp đệ trình kế hoạch cải cách kinh tế gần như bao hàm toàn bộ yêu cầu của các chủ nợ đưa ra hôm 26/5 về việc thực hiện nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng. Đây là những điều khoản mà cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 đã bác bỏ.
Kế hoạch mới gồm cả các biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu cho lương hưu mà trước đây Chính phủ Hy Lạp đã từ chối. Quốc hội nước này dự kiến bỏ phiếu thông qua kế hoạch trong hôm nay Đổi lại, Athens mong muốn các chủ nợ xem xét lại những mục tiêu thặng dư chính dành cho Hy Lạp trong 4 năm tới, đồng thời chi một gói cứu trợ khoảng 53,5 tỉ EUR, tương đương 59,2 tỉ USD để nước này trả nợ cho đến hết tháng 6/2018.







Cảnh người dân đứng chờ ngoài cửa một ngân hàng.





Michael Reijini – người phát ngôn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hà Lan cũng khẳng định đã nhận được đề xuất này và nhấn mạnh 'các bên sẽ cân nhắc'. Kế hoạch cải tổ được nộp trước thời hạn nửa đêm gần 2 tiếng. Chi tiết vẫn chưa được công bố.
Diễn biến trên gia tăng kỳ vọng Hy Lạp và châu Âu sẽ tiến đến một thỏa thuận giải cứu Athens tại cuộc họp khẩn của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 12.7. Đây là cuộc họp quyết định cho tương lai của Hy Lạp trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Truyền thông Hy Lạp dẫn lời Thủ tướng Alexis Tsipras cho hay: 'Chúng tôi sẵn sàng thỏa hiệp'.
Hy Lạp hôm qua đã quyết định đóng cửa ngân hàng tới thứ Hai tuần sau, sau khi ECB không nới trần Hỗ trợ Thanh khoản Khẩn cấp (ELA) cho nước này. Hy Lạp đã vỡ nợ khoản vay 1,5 tỷ euro cho IMF ngày 1/7. Ngày 20/7 tới, họ sẽ phải hoàn trả 3,5 tỷ euro cho ECB.
Hôm qua Thủ tướng Đức - Angela Merkel cũng bác bỏ khả năng xóa một phần nợ cho Hy Lạp và 'không tính đến chuyện này'. Dù vậy, bà cũng không loại trừ các biện pháp giảm nợ khác, như khả năng hạ lãi suất hay gia hạn các khoản vay.
Chris Scicluna, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Daiwa Capital Markets (Anh) cho biết: “Hy Lạp dường như đã có những nhượng bộ đáng kể, chấp nhận các yêu cầu gần đây nhất của chủ nợ. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu các chủ nợ có muốn nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng hơn hay không”.
Thông tin này khiến thị trường thế giới lạc quan hơn. Chỉ số chứng khoán Nhật Bản và Mỹ cùng giá trị đồng euro đều tăng sau khi Hy Lạp đề xuất bản cải cách mới.
Giám đốc Nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm qua nhận định cuộc khủng hoảng Hy Lạp sẽ không đe dọa đến kinh tế toàn cầu. Do Hy Lạp chỉ đóng góp 2% GDP cho eurozone.
Hoàng Thúy (t/h)
>>> Xem thêm:
Bất chấp khủng hoảng du khách vẫn đến du lịch Hy Lạp
Những lưu ý khi đi du lịch Hy Lạp trong thời kỳ khủng hoảng
Hy Lạp đứng trước nguy cơ ra khỏi Eurozone




Theo ngaynay.vn