Có lẽ lâu rồi, khán giả Việt mới được ra rạp xem một bộ phim đúng chất kinh dị, khiến họ sợ mà không thấy nhảm như Đoạt hồn. Dù không phải không có 'sạn' nhưng điều cần phải ghi nhận rằng đây là một bộ phim tử tế, tâm huyết, với dàn diễn viên vừa có nghề vừa có cảm xúc.












Ngay từ đoạn mở đầu phim, đạo diễn Hàm Trần đã biết hù dọa khán giả khi để xuất hiện hình ảnh một cô gái với tạo hình ma mị, đầu tóc rũ rượi, thương tích đầy mình, vừa ôm búp bê vừa hát ru con rồi gieo mình xuống dòng sông đầy oan khốc. Ngay sau đó, bộ phim chuyển sang cảnh gia đình nhà họ Vương đang tham dự một buổi hầu đồng. Tai họa xảy đến khi cô con gái út của Vương gia là Ái (Thanh Mỹ) ra sông chơi một mình rồi chết đuối và mất tích.
Một tuần sau, khi gia đình đang tổ chức đám tang cho Ái thì cậu của cô bé được bệnh viện báo tin đến nhận xác bé. Tuy nhiên khi người cậu đến, bé Ái bỗng dưng sống dậy từ nhà xác của bệnh viện. Khi Ái về tới gia đình, ai nấy đều mừng rỡ tưởng như họ gặp được phép màu. Chỉ đến khi cô bé có những biểu hiện, hành động khác lạ, cả nhà mới nhận ra rằng cô con gái của họ thực sự đã bị 'đoạt hồn'.












Xét về độ kinh dị, Đoạt hồn là một bộ phim 'sợ được', phần âm thanh, hình ảnh đều được làm rất chỉn chu, và khi kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn thì có thể khiến các khán giả yếu tim phải khóc thét. Cách mà bộ phim hù dọa khán giả cũng rất quen thuộc: bằng những âm thanh dồn dập hoặc bất ngờ, bối cảnh tranh tối tranh sáng, tạo hình ma mị của diễn viên... tuy quen mà vẫn khiến người xem phải giật mình, đó là điểm thành công của những người sáng tạo.










Xem phim, người xem có thể thấy được sự tử tế thông qua từng góc máy trau chuốt kỹ lưỡng, từng khuôn hình, cho đến lời thoại, biểu cảm của nhân vật. Có thể nói bên cạnh yếu tố âm thanh - hình ảnh thì diễn xuất của dàn diễn viên ở nhiều độ tuổi của bộ phim này cũng góp phần làm tăng thêm yếu tố kinh dị cho bộ phim. Bên cạnh những diễn viên có nghề như Ngọc Hiệp, Trần Bảo Sơn, Thương Tín... thì những diễn viên nhí mới chính là nhân tố gây bất ngờ của Đoạt hồn.
Thủ vai cô bé bị 'đoạt hồn' trong phim, bé Thanh Mỹ khiến người xem phải ngạc nhiên với những biểu cảm quá 'nhuần'. Những cử động run rẩy, ánh mắt thất thần, cơ thể co giật, hay những câu thoại ma mị... tất cả đều được cô bé này hoàn thành xuất sắc.












Âm thanh, hình ảnh, diễn xuất đều đã đạt, còn bàn tới nội dung phim, có thể thấy về mặt tổng thể, câu chuyện mà Đoạt hồn kể cho khán giả hấp dẫn, có chiều sâu, có nội dung chứ không chỉ đơn giản là hù dọa. Bên cạnh câu chuyện ma quỷ, cốt truyện của Đoạt hồn cũng hướng vào khía cạnh tình cảm gia đình, tình mẫu tử, tình chị em.
Thế nhưng khi đi vào chi tiết thì bộ phim vẫn thể hiện rõ sự đuối sức, đặc biệt là trong nửa cuối phim, khi các tình tiết được đẩy lên cao trào. Rất nhiều tình tiết, tuyến nhân vật được đưa vào để làm tăng độ ly kỳ, bí hiểm cho câu chuyện, thế nhưng lại không được làm 'đến nơi đến chốn', dẫn tới bị thừa hoặc gây cảm giác khó hiểu cho khán giả. Có thể kể tới nhân vật người đàn ông bí hiểm do Thương Tín thủ vai trong phim. Nhân vật này ngay từ đầu đã gây tò mò cho khán giả khi mang đến cho Huy (Trần Bảo Sơn) một cây hoa nghệ và dặn dò anh này hãy 'chăm sóc' cho bông hoa của mình.
Chi tiết cây hoa nghệ cũng xuất hiện như một điều bí hiểm trong phim nhưng cuối cùng lại không giải quyết vấn đề gì, cũng như nhân vật của Thương Tín cũng chỉ 'tỏ ra nguy hiểm' là vậy.












Tuy nhiên, cũng không loại trừ lý do ảnh hưởng của khâu kiểm duyệt dẫn đến một số tình tiết, nội dung phim trở nên khó hiểu với khán giả.

Theo ngaynay.vn