Chật vật với khát khao “nội địa hóa”

Giấc mơ sản xuất được những chiếc xe “made in Việt Nam” chính hiệu được khơi lên kể từ thời điểm hãng xe Toyota của Nhật Bản chính thức thành lập liên doanh Toyota Việt Nam vào năm 1995. Từ thời điểm đó, người ta bắt đầu nhắc nhiều đến “giấc mơ ô-tô nội địa” với mục tiêu đưa ngành CN ô-tô trở thành ngành CN mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, đã hai thập kỷ trôi qua, đến thời điểm này, tỷ lệ NĐH ô-tô con (loại 4-7 chỗ) của Việt Nam mới chỉ đạt… 15%; còn tỷ lệ NĐH ở xe khách trên 10 chỗ, xe tải, xe chuyên dùng cũng chỉ đạt khoảng 30% - 40% và chủ yếu chỉ tập trung ở những chi tiết, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp…
Với những thông số nói trên, theo giới chuyên gia trong ngành, mục tiêu nâng tỷ lệ NĐH trong ngành CN ô-tô xem như thất bại. Mổ xẻ nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, lý do chính yếu là bởi CN phụ trợ của Việt Nam còn quá yếu, chưa thể đáp ứng được những yêu cầu đối với một ngành CN đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao như ngành CN ô-tô.
Điển hình như trường hợp Công ty Ford Việt Nam, một công ty liên doanh sản xuất và lắp ráp ô-tô giữa Công ty TNHH Nhà nước MTV Diesel Sông Công (DISOCO) thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và Công ty Ford Motor của Mỹ. Suốt một thời gian dài hợp tác, DISOCO chỉ cung cấp được cho Ford tổng cộng 5 chi tiết trong toàn bộ một chiếc xe ô-tô hoàn thiện, và 5 chi tiết này chủ yếu tập trung ở những sản phẩm linh kiện, phụ tùng đơn giản như ghế ngồi, ắc quy, một số phụ tùng bằng nhựa, cao-su… Theo đại diện Công ty Ford Việt Nam, với khả năng sản xuất có hạn, trong khi các chi tiết trong một chiếc ô-tô đòi hỏi yêu cầu về chất lượng cũng như hàm lượng công nghệ rất cao, thì với năng lực hiện nay, các xí nghiệp sản xuất của Việt Nam chưa thể đáp ứng được những yêu cầu đó.







20 năm ngành ô-tô vẫn không đạt được tỷ lệ nội địa hóa như kỳ vọng.





Trường hợp của DISOCO chỉ là một thí dụ đối với thực trạng sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp thuộc ngành ô-tô Việt Nam. Do vậy, không khó để lý giải tại sao ngành ô-tô trong nước lại chật vật mãi vẫn không thể thực hiện được giấc mơ NĐH. “CN ô-tô của Việt Nam không thể phát triển vì sản xuất manh mún, thị trường chật hẹp, và quan trọng nhất là thiếu vắng một ngành CN hỗ trợ”, đại diện Ford đưa ra lời giải.
Cần nhìn nhận lại

Chia sẻ về những bất cập hiện nay đối với ngành CN ô-tô trong nước, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thẳng thắn nêu quan điểm, ngành CN ô-tô hầu như đã thất bại. Chỉ cần nhìn ngay sang nước láng giềng Thái-lan, họ cũng có một khởi điểm tương tự Việt Nam, song trong vòng 20 năm, ngành CN ô-tô của Thái-lan thật sự đã có những bước tiến vượt trội. Và đến thời điểm này, trong khi Thái-lan có năng lực sản xuất khoảng 2,5 triệu xe/năm, thì con số của Việt Nam chỉ đạt được vài trăm ngìn xe. Về ngành CN hỗ trợ, Thái-lan có 709 công ty hỗ trợ cấp 1 và hơn 1.100 công ty cấp 2, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là 33 công ty CN hỗ trợ cấp 1 và 181 công ty cấp 2.
“Chúng ta làm sao có thể đạt được giấc mơ NĐH nếu như mỗi xí nghiệp ô-tô của chúng ta chỉ làm được 5.000 xe/năm, toàn ngành chỉ đạt được công suất vài trăm nghìn chiếc trong khi công suất của Thái-lan là hơn hai triệu xe”, GS Mại bày tỏ quan điểm.
Và đối với câu hỏi: Tại sao các DN ô-tô FDI có mạng lưới nhà cung cấp trên toàn cầu không đầu tư vào Việt Nam để sản xuất phụ tùng, linh kiện, đại diện Công ty Ford Việt Nam đã đưa ra câu trả lời rằng, ít nhất sản lượng thị trường phải đạt 500.000 xe/năm mới đủ để thu hút một nhà cung cấp đầu tư dây chuyền sản xuất một loại phụ tùng linh kiện. Năng lực sản xuất của ngành ô-tô Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này. Đó cũng là lý do khiến các tập đoàn ô-tô lớn không đặt nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam.
Với thực tế hiện nay, không ít ý kiến cho rằng, ngành CN ô-tô Việt Nam khó có thể đạt được giấc mơ trở thành ngành CN mũi nhọn, và giấc mơ NĐH coi như cũng tan biến. Và khi đã không thể đạt được giấc mơ sản xuất ô-tô “made in Việt Nam” thì nhà quản lý cần phải có cái nhìn khác, thay vì cố gắng để sản xuất bằng được ô-tô, chúng ta có thể trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng ô-tô, những lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh.


Nói như GS Nguyễn Mại, chúng ta có thể thất bại ở ngành này, song lại có nhiều cơ hội ở lĩnh vực khác như: điện tử, điện thoại… tại sao cứ phải cố gắng chạy theo thứ mà chúng ta không thể làm được? Do đó, đã đến lúc nhà quản lý phải dũng cảm để đưa ra cân nhắc, có nên tiếp tục theo đuổi giấc mơ sản xuất ô-tô nội địa nguyên chiếc nữa hay không, khi mà đã 20 năm theo đuổi, vẫn không thực hiện được?



Hợp tác cùng Thời Nay

Xem thêm:
Đừng vì hình thức đẹp
Gỡ rối khủng hoảng tâm lý sinh viên


Xây dựng nền tài chính công lành mạnh




Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: