Bò chết được đền bù 80%

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở thôn Bảo An Đông, xã Điện Quang (Điện Bàn - Quảng Nam) phấn khởi cho biết, “Gia đình tôi mua ba con bò, mỗi con tiền giống mất khoảng 15 triệu đồng, sau hai năm đã có người trả 36 triệu đồng/một con nhưng gia đình tôi chưa bán. Cứ trừ hết chi phí, tính ra nuôi mỗi con bò mỗi tháng cũng bỏ túi được một triệu đồng tiền lãi, ba con thì được ba triệu mà cũng không tốn nhiều công sức lắm, chỉ tranh thủ lúc sáng sớm và tối đi làm đồng về cho ăn hai bữa”.
Theo bà Ánh, nuôi bò thịt càng to giá càng cao, có thời điểm một con bò của gia đình bà đã lên tới 60 triệu đồng, nên sợ nhất là rủi ro bệnh tật xảy ra sẽ thiệt hại rất lớn. Cùng chung nhận định trên, ông Phạm Tấn Phong (thôn Xuân Đài, xã Điện Quang) cho biết: “Mỗi con bò có giá trị rất lớn, với người nông dân thì nuôi ba đến năm con bò là cả gia tài trong nhà nên chẳng tội gì không mua bảo hiểm cho bò. Thậm chí, ngay cả khi không có tiền mua bảo hiểm cho người thì bò vẫn phải được bảo hiểm. Có bảo hiểm rồi, khi bò có ốm hay bệnh tật sẽ có thú y của xã chữa trị theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Đặc biệt, nếu rủi ro cao nhất xảy ra, bò bị chết thì bảo hiểm cũng đền bù cho 80% giá trị của con bò”, ông Phong chia sẻ.







Có Bảo hiểm, người dân Điện Quan tự tin đẩy mạnh phát triển đàn bò (Ảnh: Vietnamnet)





Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi tham gia bảo hiểm cho bò, người dân sẽ ký hợp đồng với HTX dịch vụ sản xuất, kinh doanh tổng hợp Điện Quang (HTX Điện Quang). Mức phí đóng bảo hiểm cho mỗi con bò cũng được đưa ra với nhiều khoản hấp dẫn dành cho nông hộ như: gói 350 nghìn đồng dành cho bò nái sinh sản, gói 450 nghìn đồng dành cho bò đực thịt có thể trọng ban đầu từ 180 kg trở xuống, thể trọng từ 180 kg trở lên nằm trong gói 550 nghìn đồng hoặc gói 700 nghìn đồng. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm là được hỗ trợ 80% phí khám và điều trị bệnh cho gia súc; 100% chi phí tiêm phòng các loại vaccine theo quy định của Nhà nước; nếu bò chết do không điều trị khỏi thi được đền bù 80% giá trị thiệt hại theo giá thị trường.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, về các điều khoản của loại hình bảo hiểm này cũng không có gì khác biệt nhiều so bảo hiểm nông nghiệp mà Bộ Tài chính đang thực hiện. Tuy nhiên, mấu chốt là ở chỗ người thực hiện, nếu dịch vụ triển khai tốt từ khâu khám chữa bệnh (tức là có bác sĩ thú y tốt) cho đến các dịch vụ đền bù thỏa đáng khi rủi ro thì người dân sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra để đóng bảo hiểm cho vật nuôi của họ. Tức là, điều quan trọn nhất nằm ở dịch vụ khám chữa bệnh của bác sĩ thú y, nếu bác sĩ thú y làm kiểu “cho xong” thì chẳng tội gì người dân đóng báo hiểm cho bò của họ cho phí tiền, ngược lại, bác sĩ thú y có trách nhiệm, họ sẽ tham gia đóng bảo hiểm cho yên tâm và rẻ hơn là bỏ tiền ra khi điều trị bò ốm, bệnh tật.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, bà Trần Thị Phi Yến, Phó Giám đốc HTX Điện Quang cho biết: Gói bảo hiểm này do HTX Điện Quang thành lập từ năm 2009 với tên gọi đầy đủ là “Quỹ bảo hiểm chăn nuôi trâu, bò”. Từ lúc ra đời đến nay, đã có 2.068 con trâu bò ở xã Điện Quang được đóng bảo hiểm. Mục đích chính của Qũy bảo hiểm trâu, bò dùng để thanh toán chi phí tiêm phòng, điều trị khi gia súc bị bệnh và chia sẻ rủi ro cho người chăn nuôi khi có thiệt hại không may xảy ra. “Dịch vụ bảo hiểm này đã giúp phát hiện và chữa trị kịp thời những bệnh truyền nhiễm, bệnh nội khoa… có thể làm lây lan cho người và động vật; chia sẻ rủi ro trong chăn nuôi khi có thiệt hại không may xảy ra để người chăn nuôi yên tâm đầu tư, sản xuất; giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ được nguồn thực phẩm tươi sống từ động vật để cung cấp cho người tiêu dùng”, bà Yến cho biết.

“Toàn xã Điện Quang hiện có 4.005 con trâu, bò, trong đó có 36 con trâu, còn lại là bò, đến nay đã có 2.068 con bò được người dân tự nguyện đóng bảo hiểm. Tính từ năm 2009 đến nay, đã có 23 con bò chết được đền bù thiệt hại với mức đề bù khoảng 128 triệu đồng, còn lại các con bò khác được chăm sóc thú y bảo đảm nên lượng người tham gia bảo hiểm cho bò ngày càng tăng”, bà Trần Thị Phi Yến, Phó Giám đốc HTX Điện Quang nói.


Hợp tác cùng Thời Nay

Xem thêm:
Linh hoạt trong đào tạo nghề lao động nông thôn
Người dân chủ quan trong phòng, chống sốt xuất huyết
Xóm tạm trú ven sông Cửa Tiền







Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: