Những mảnh đời ghép nối

Chú Trần Lưu Khánh (62 tuổi, quê Cẩm Thanh, Hội An) chạy thận đã bốn năm nay, cũng chừng ấy năm vợ chú, cô Nguyễn Thị Chín bỏ nhà cửa, ruộng vườn để ra Đà Nẵng chăm chồng. Cô nói: “Ổng chạy tuần ba lần cách ngày nên chúng tôi ở lại khu nhà này cho tiện. Cứ cuối tuần tôi lại về nhà chăm được chút ruộng, chút vườn thì chăm, còn không thì chịu… Chúng tôi không thể thuê bên ngoài do bệnh tật nên ai cũng ngại, may có khu nhà trọ này vào ở đỡ cực cho hai vợ chồng”.
Bên cạnh là giường của cô Nguyễn Thị Dừng (67 tuổi, quê Hội An) cũng được con gái đi cùng để chăm sóc: “Cô lớn tuổi nhất cũng là người chạy thận lâu nhất ở xóm này, 11 năm rồi. Ngày trước chưa có dãy nhà trọ, mọi người đều ngủ lại ở hành lang bệnh viện để chờ chạy thận hoặc có gì nguy kịch thì vẫn còn kịp vào cấp cứu. Bệnh này là vậy mà, chạy hay chưa chạy cũng mệt người, nhà lại xa, không thể đi về liên tục được”.
Mỗi ngày lưu trú lại mọi người chỉ phải trả 25 nghìn đồng. Tuy được hỗ trợ về kinh phí chạy thận nhưng những người ở “xóm” vẫn còn nhiều nỗi lo toan. Vừa xách cơm hộp về cho mọi người, em Hà Thị Ba (24 tuổi, quê ở Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ: “Bữa ni em không chạy thận nên người có đỡ hơn, nãy có đoàn từ thiện phát cơm nên em xuống xin về cho các cô chú luôn. Ngày xưa em làm công nhân ở quê, thấy người mệt nên cũng chỉ nghĩ là cảm sốt, đến lúc đi khám thì đã phải chạy thận luôn, vậy mà cũng đã ba năm rồi… ba mẹ ở nhà lo cho mấy đứa em, em còn trẻ đã không làm được gì còn để mẹ phải theo chăm sóc. Em trẻ nhì dãy trọ này, mấy tháng trước còn có một bé bảy tuổi nhưng em ấy đi mất rồi…”. Những câu nói đứt quãng của Ba, tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm cả phòng im lặng.

Khu dãy nhà trọ với khoảng 10 phòng ở lưu trú và lâu dài, hiện tại có ba phòng với gần 30 bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang ở. Ở đây, mỗi con người, mỗi mảnh đời khác nhau, có những tuổi trẻ còn khát khao, còn ước mơ, còn tình yêu… nhưng cũng đành gác lại…







Những lúc khỏe, mọi người trong phòng lại quây quần với nhau.





Một gia đình

“Xóm” không chỉ là dãy trọ giúp cho người bệnh và người nhà vơi bớt nỗi lo lưu trú, mà bây giờ là gia đình thứ hai của mọi người. “Những ngày đầu mới vào em thật sự rất chán, vì bệnh đã như vầy, lúc đó em cũng có một tình yêu đẹp, rồi cảm thấy mọi thứ sụp đổ, em cũng đã trốn tránh. Vào đây các cô, chú xem như út trong nhà, thương em lắm, thời gian đầu cứ an ủi, động viên để em cố gắng hơn mà sống, rồi sau em cũng nguôi ngoai”, Hà Thị Ba tâm sự.
Do đặc tính của bệnh, nên mọi người ở đây đều phải kiêng cữ rất nhiều trong việc ăn uống, đặc biệt là không được uống và khó ngủ. Vì vậy, giờ trưa và tối, không thể nằm, mọi người lại quây quần lại cạnh nhau tỉ tê đủ mọi chuyện. Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Dừng tuy tuổi cao lại luôn đau yếu, nhưng còn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Cô Dừng luôn hào hứng mỗi lần kể về những ngày còn trẻ tham gia chiến trường của mình.
Cô tham gia thanh niên xung phong ở tiểu đoàn D2 nữ, Quân khu 5, đóng ở vùng Trà My (Quảng Nam). Cho đến bây giờ, sau những ca chạy thận mệt mỏi, cô lại nhớ về thời tuổi trẻ của mình, nhớ một cách khao khát và quên đi nỗi đau trên thân thể mình… “Ngày đó băng rừng, lội suối tải đạn, tải lương thực, tham gia mở đường cho bộ đội mà trên đầu thì bom đạn có thể thả xuống bất cứ lúc nào, vậy mà vẫn không sợ. Mình phải kể lại cho đám trẻ biết, quên đi bệnh tật hiện tại để mấy đứa khỏi buồn mà nghĩ bậy. Cô đã có một tuổi trẻ cùng với đồng đội cống hiến hết mình cho đất nước thì ở đây cũng phải hết mình mà đấu tranh với bệnh tật…”.
Tuy kinh phí được hỗ trợ một phần nhưng nỗi lo của mọi người khi chống chọi với căn bệnh không chỉ là kinh phí mà còn là niềm hy vọng. Bằng cách này hay cách khác, người lớn động viên người trẻ, người khỏe động viên người yếu, sẻ chia với nhau mọi nỗi niềm để mỗi ngày chỉ mong mở mắt ra đều thấy nhau ở đó…
Hợp tác cùng Thời Nay
Xem thêm:
Xóm tạm trú ven sông Cửa Tiền
Gắn bó với công tác tình nguyện
Xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới







Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: