Cái nghề này khác trước nhiều lắm. Xưa, người chạy xe lôi đạp khắp các thành phố, thị xã của các tỉnh miền tây, nay thì thu hẹp lại. Người làm nghề này thường xuất thân từ ngoại ô, hay từ các huyện lên, nhiều người nhà cửa không thuê, ăn chợ ngủ xe tiết kiệm tiền gửi về gia đình. Thu nhập của nghề này theo mùa.
Mùa khô, khách thích đi dạo đêm nên kiếm hơn mùa mưa. Đến mùa mưa, nhiều chủ xe mắc thêm dù che mưa cho khách. Nhưng nhiều lúc, khách thấy người đạp xe dãi nắng, dầm mưa nên cũng nể. Thành thử họ đi được đoạn đường thấy mưa là xuống rồi trả tiền cả chặng.
Lấy tiền của khách như vậy cũng không vui, anh em tụi tui nói khách cứ ngồi, chúng tôi đưa tới chỗ khách cần đến, mưa nắng hề chi, quen rồi. Có khách hàng ngồi tiếp, hết chặng thì bo thêm tiền. Có khách không chịu ngồi, họ xuống rồi kêu taxi. Được cái, cái nghề của mình cũng gặp “thiên thời, địa lợi. Thành phố Long Xuyên không rộng như Cần Thơ, không nhiều dốc như ở Châu Đốc, nên làm nghề ở đây tránh được đường dài, dốc cao”, ông Toàn cho biết.







Xe lôi đạp ở thành phố Long Xuyên





Ông Toàn thuộc thành phố Long Xuyên như lòng bàn tay. Ông nói: Mấy năm nữa chắc sức khỏe của tui không đủ để đạp xe. Con cái đã trưởng thành rồi, có cháu rồi nên tôi không lo cơm áo gạo tiền nữa. Ngày đạp xe kiếm chút tiền cà-phê, thêm chút nữa thì cho nhà tui mua cám nuôi heo, gà.
Không làm thì cũng không lo vì con cái đã họp bàn đóng góp chăm sóc cha mẹ. Còn sức thì đi làm cho vui. Ngoài chuyện đạp xe, tui còn hướng dẫn đường sá, chuyện mua bán cho khách du lịch. Thỉnh thoảng chở các bà đi lễ chùa, thăm thân. Họ không thích đi taxi vì sợ say, không đi xe ôm vì sợ phóng nhanh, vượt ẩu chóng mặt. Cái nghề này chỉ thích hợp với khách thong thả, thong dong.
“Bác tài” Nguyễn Văn Thái, năm nay đã bước sang tuổi 54, đã lên chức ông nhưng vẫn theo đuổi cái nghề này, kể: Ở nhà nghỉ ngơi vài hôm là thấy nhớ đường, nhớ phố, khớp chân tay rệu rã. Đạp xe luyện thân thể, có khách thì chở luôn, vừa có đồng ra đồng vào mà khỏe. Con trai ông Thái học ở TP Hồ Chí Minh trước đây ngại nói chuyện với ông vì người ta có cha làm thầy giáo, cán bộ, ít ra thì có mấy công ruộng, mấy ao đìa nuôi cá, cha mình thì đạp xe lôi!... Nhưng ông Thái rất vui là gần đây con ông đã thay đổi. Nguyên do, là thằng bé đi dự buổi trò chuyện của một giáo sư.
Vị giáo sư nói: Ở nước mình đôi khi cứ cho cái nghề đạp xích lô, bơm xe đạp, cắt tóc là “hoàn cảnh”, làm ruộng, nuôi heo là lười học. Thật ra, đó là định kiến sai lầm. Làm nghề gì cũng được, miễn là có ích cho xã hội, cống hiến khả năng của mình. Giáo sư chưa chắc đã biết vá xe đạp, cử nhân chưa hẳn đã phân biệt được cám heo, cám gà… Từ sau buổi đó, con ông chịu khó học hành và cha con trò chuyện với nhau nhiều hơn. “Có con hiểu được cha mẹ thì mình có vất vả cũng hạnh phúc, anh ạ”, ông Thái tâm sự.
Anh Tiến mới bước sang tuổi 43 mà trông già như người năm mươi mấy tuổi. Anh bảo: 'Nghề chi cũng phải học. Làm ăn gì thì phải có vốn. Mình nghèo nên nhận cái nghề này. Bù lại không phải xa quê làm công nhân, thợ hồ. Bằng tuổi tôi nhưng mấy người làm văn phòng bụng mỡ, ăn kiêng. Tui thì không kiêng cữ gì hết trơn. Chân tay chạc tre nhưng không ốm, không đau, không nhức đầu sổ mũi. Hàng thuốc tây gặp tui là đói luôn!”. Thỉnh thoảng cũng anh Tiến lai rai chút đỉnh, rượu đế, cua đồng, uống chẳng say bao giờ, thức đêm không mệt mỏi. “Cái nghề này nói vậy cũng có lợi đấy”, anh Tiến cười cho hay.
Vậy khách béo, khách gầy có ảnh hưởng đến giá cả cuốc xe?”. Ông Thái lắc đầu, chỉ tính cây số và ước chừng thôi. Mỗi cây số giá từ sáu tới mười nghìn đồng. Mình đợi họ cuốc về, họ trả thêm giờ đợi, thậm chí còn trả tiền cà-phê cho mình. Không đòi hỏi chuyện đó nhưng khách cứ bắt mình vô quán. Ở trong quán có báo cho mình coi nên cũng biết được tin tức tình hình. Không có chi là khổ!
Hỏi ông Toàn có buồn khi người làm nghề “taxi lôi” ngày một ít đi, ông cho hay, đây là nghề làm dịch vụ, đời sống thay đổi, dịch vụ thay đổi theo cuộc sống là lẽ đương nhiên. “Khi xe lôi đạp không còn ở một số thành phố, cũng là lúc điều kiện sống đã tốt hơn. Nghề này hiện vẫn có ích, vẫn có người còn cần đến mình. Mình vui, cớ sao lại phải buồn?”, bác Toàn đặt lại câu hỏi với tôi.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Xe đạp chuyên dụng tuần tra của Công an Hà Nội có gì đặc biệt?
-




Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: