Cả làng vui!


Người dân thôn Tràng ngóng từ sớm. Đoàn rước cờ kiệu chỉnh tề, đội nhạc rộn rã, đội phụ lão, đội sư tử, đội thiếu niên múa sinh tiền… và cả hàng dài bà con đứng sẵn trên bờ mương. Sự kiện có thể nói là trọng đại nhất của thôn trong năm nay: Sắc phong đức Đông Bảng đại vương bị mất cắp từ năm 2011, hôm nay sẽ được nhóm Tâm Phát bàn giao lại cho chính quyền và toàn dân thôn Tràng.







Sắc phong đức Đông Bảng đại vương





Theo tích được nhiều đời người thôn Tràng, xã Trịnh Xá, TP Phủ Lý (Hà Nam) truyền nhau, đức Đông Bảng đại vương sinh ở xã Khang Thái, huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam, từ thời Thái cao tổ Hoàng đế Lê Lợi. Mẹ của ngài đêm mộng thấy một ông già đi đến bên giường, tay cầm bảng vàng. Sau bà mang thai, sinh ngài ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1419), đặt tên là Bảng. Năm 19 tuổi, ngài đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, sau làm quan đến Tả thị giảng ở Viện Hàn lâm, có nhiều công lao phò ba đời vua Lê, khi mất được nhiều nơi thờ cúng, trong đó có thôn Tràng. Sau này đến đời vua Thành Thái, đức vua đã sắc phong thần hiệu cho ngài.







Sắc phong được giữ ở miếu thờ ngài tại thôn Tràng





Sắc phong được giữ ở miếu thờ ngài tại thôn Tràng. Qua chiến tranh, loạn lạc không sao, đến gần đây thì… mất cắp! Tích xưa còn phủ vầng mây huyền thoại lên đời sống người dân quanh năm trồng lúa nơi này. Đến nỗi chuyện mấy năm trước thôi, nay đã tưởng khi nào. Đi sau kiệu, các bà khăn vành dây, áo dài kim tuyến đính hạt, tay cầm cờ Tổ quốc, vừa nhún theo tiếng nhạc lễ, vừa bàn tán, sắc phong mất cả chục năm nay rồi, có bà bảo lâu hơn nữa, lâu nữa, trộm nó lấy cả bộ “bát biểu” với bát hương nữa ấy chứ! Từ người rước, người múa, đội nhạc…, cung kính theo hàng lối, nhưng cũng giống rất nhiều người khác, trên mặt ai cũng có nụ cười. Hôm nay sắc phong trở về, thật là phúc lắm thay! Trong đình, lúc sắc phong được bàn giao, giở ra cho mọi người cùng xem, người dân chen nhau xúm cả lại. Xưa nay chỉ nghe nói chứ đã bao giờ được tận mắt nhìn thấy đâu! Ông Trần Đình Tiển sinh năm 1933, ông Trần Đình Nưu sinh năm 1940 trầm trồ, hồi bé chỉ được kể thôi, bây giờ chúng tôi mới được trông thấy sắc phong cho ngài, thật quý hóa!
Nhưng có lại rồi thì phải cẩn thận hơn. Trao lại sắc phong cho địa phương, chị Hồ Thị Hà đại diện nhóm Tâm Phát đề nghị việc giữ gìn, bảo quản phải thật tốt, nhỡ để kẻ gian lấy lần nữa thì khó lòng có lại được. Ông Nguyễn Công Chí, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn thì cho biết, tại miếu chúng tôi sẽ đặt bản photo để thờ chứng giám, còn bản gốc sẽ được cất đi. Những ngày qua, niềm vui lan tỏa khắp thôn, đến cả những người con xa quê.

Có duyên mới thành


Nhiều người trầm trồ khi nghe về tinh thần thiện nguyên của nhóm Tâm Phát: Mua các sắc phong bị mất mát, thất lạc và tìm địa chỉ nơi bị mất để trao tặng lại. Càng ngạc nhiên khi với một công việc có vẻ khá… mông lung này, trong vài năm qua, nhóm đã bàn giao được đến 60 sắc phong cho các địa phương. Chị Hồ Thị Hà, Thạc sĩ, giáo viên dạy văn Trường THCS Tuy Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa), hiện sống ở TP Thanh Hóa cho biết: Gia đình tôi có nhiều đời theo chữ nghĩa nên rất quý sách vở và các tư liệu, văn bản cổ. Trước tôi đã tìm hiểu về sắc phong cũng như các di sản văn hóa khác. Nhưng công việc này lại đến từ một sự rất tình cờ…
Đó là vài năm trước, khi đình Thiên Hương Phù Dung, ở thôn Thành Tây, xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đón danh hiệu di tích cấp tỉnh, người ở địa phương có nhờ chị Hà viết cho bài phát biểu giới thiệu về di tích. Thời gian sau, một việc không may xảy ra, cả 14 sắc phong qua nhiều đời vua ban đều bị mất trộm. Rồi qua facebook, chị Hà biết được nhóm bạn trẻ có tên Tâm Phát ở TP Hồ Chí Minh đã mua được một sắc phong trong số đó và đưa lên mạng giới thiệu với mong muốn tặng lại cho nơi bị mất.
Chị liền kết nối và đến ngày 30/4/2013, đoàn cán bộ xã Thành Lộc đã vào TP Hồ Chí Minh nhận sắc phong đưa về địa phương. Sau lần đó, chị quyết định góp sức cùng các bạn trẻ. Theo bạn Trần Hiển Anh, một nhà sưu tầm cổ vật tại TP Hồ Chí Minh, thành viên nhóm Tâm Phát, trước thôn Thành Tây, nhóm đã tìm và bàn giao lại sắc phong tại huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) và huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Chị Hà trở thành đầu mối liên lạc phía bắc của nhóm Tâm Phát và qua sự hăng hái của các thành viên, công việc tiến triển nhanh chóng hơn.
Đến nay, cũng nhờ duyên tìm kiếm mà thôn Thành Tây đã đón được thêm sáu sắc phong nữa “hồi hương”. Trong số nhiều địa phương, di tích đã nhận lại sắc phong bị mất mát, thất lạc, có nơi như đình làng Bồng Châu, Di tích quốc gia xã Phú Cường, huyện Kim Động (Hưng Yên), nơi từng mất đến 69 sắc phong, tỉnh thành lập cả ban chuyên án để điều tra chưa có kết quả.
Nhóm Tâm Phát mua được chín sắc phong, bàn giao lại cho địa phương vào tháng 5/2014, vài tháng trước là sắc phong thứ 10. Đình làng Quyết Bình, xã Thăng Bình, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cũng đã nhận lại sáu sắc phong. Một số nơi khác ở Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam…, hoặc ba, hoặc bốn…, còn lại đa số là một sắc phong được đưa về. Chị Hà cho biết, chủ nhật tới (2/8), nhóm sẽ bàn giao lại sắc phong tại xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc (Hải Dương), tiếp đó là tại thôn Trường Thịnh, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) vào ngày 8/8.
Tại nhà chị Hà, hiện đang lưu giữ 70-80 sắc phong. Một số chưa xác định được địa chỉ. Một số đã chỉ chờ ngày “tìm về” quê hương. Số khác đã bước đầu khảo sát nhưng còn chưa gặp thuận lợi để “về” được. Bởi vì, công việc này cũng có những điều… tế nhị.

Mong góp sức


Trước tiên là về chi phí đã! Một sắc phong hiện nay có giá tiền triệu. Những người phát tâm làm việc thiện nguyện này đều tự bỏ tiền ra mua, khi tìm được đúng “quê” của sắc phong thì trao lại, không hề đòi hỏi phải mua lại, chuộc lại hay bồi dưỡng bất cứ khoản gì.
Còn về công sức lại càng gấp mấy lần! Vì theo những di tích, địa danh xưa ghi trong những bản sắc phong được thảo từ hàng trăm đến mấy trăm năm trước, nhóm phải tìm tòi, tra cứu và về tận địa bàn để khảo sát vì đương nhiên đến nay, nhiều tên đất, tên làng, xã… đã thay đổi. Lại thêm những trường hợp hai hay nhiều thôn làng trong một khu vực cùng thờ chung một bậc danh thần, nên việc đi tìm thường mất nhiều thời gian.
Những chuyến đi khảo sát đó, chúng tôi đều phải đi bằng xe máy, anh Lê Hữu Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lộc, cho biết. Vì cảm kích với việc nhận lại sắc phong từ nhóm Tâm Phát, và cũng thấm thía nỗi buồn của người dân địa phương mất sắc phong, nên anh đã nhiệt tình tham gia nhóm. Anh giải thích: Đi xe máy để tiết kiệm chi phí, nhất là cho tiện vì vào các làng xã, đi lại vòng vèo, đường sá chật hẹp, lại hay phải hỏi đường. Khi đã gặp đúng đất, đúng người rồi, trao đổi, thủ tục xong xuôi, địa phương tổ chức công tác đón nhận lại, đến ngày hẹn chúng tôi mới thuê taxi đi thẳng về đó.
Ngay cả việc này không phải lúc nào cũng vui vẻ ngay từ đầu. Có nơi người ta còn nghi ngờ… Của đáng tội, tâm lý này cũng dễ hiểu thôi, vì ở đó vốn đã bị mất, bị thất lạc di sản quý. Nay bỗng có mấy người không quen biết đến hỏi, rồi nói là đang giữ sắc phong của làng thì quả là đáng suy nghĩ! Có người còn hỏi, các anh chị đến đây với mục đích gì, vì sao lại có sắc phong của làng tôi, các anh chị muốn bán lại phải không…? Tất nhiên, sau đó khi hiểu ra và so sánh, đối chiếu, xác định đúng là sắc phong của địa phương mình trước kia thì mọi chuyện suôn sẻ hơn. Có nơi tổ chức đón nhận trọng thể, có nơi linh đình, có nơi chỉ giản dị là mấy cán bộ và ban quản lý đợi ở đình, nhận lại và ký biên bản bàn giao là xong. Cũng không tránh được có nơi nhận thức của cán bộ về sắc phong còn hạn chế nên có vẻ… lấy đó làm chuyện rất bình thường! Chị Hà tâm sự: Đưa được sắc phong về là tốt rồi! Tất nhiên tôi cũng nghĩ, nếu người ta trân trọng thì việc giữ gìn sẽ cẩn thận hơn. Nên bàn giao ở đâu, chúng tôi thường đề nghị có dân làng chứng kiến, để bà con cùng nâng cao ý thức bảo vệ di sản.
Mọi công việc đến nay đều từ những nỗ lực tự thân nên nhóm Tâm Phát xác định làm theo khả năng của mình. Ngoài việc một số thành viên đọc được sắc phong, nhóm đã có người quen ở một số địa phương để khi cần có thể gửi bản chụp sắc phong để giúp dịch hay kiểm tra tư liệu. Đặc biệt gần đây, có anh Nguyễn Đức Nhân ở Hà Nội, sau một thời gian quan sát, đã tặng bản sắc phong mình đang sở hữu cho nhóm Tâm Phát để nhóm tìm và trả được về thôn Tiên Quán, xã La Sơn, huyện Bình Lục (Hà Nam). Đây là lần đầu tiên vì thông thường, người ta chỉ… bán. Nhưng đó là một tín hiệu tốt! Mong sao sự hào hiệp của nhóm sẽ “đánh thức” sự hào hiệp trong nhiều người khác.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Đón mùng 1- 6 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có gì vui?
- Làng văn hóa các dân tộc: Nhiều hoạt động chào mừng ngày 30/4
- Đầu tư ngàn tỷ nhưng làng văn hóa biến thành những 'ngôi nhà ma'




Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: