Trong một lần tới Bệnh viện E Hà Nội để thăm bố của một người bạn, tôi bị bất ngờ bởi khuôn mặt hốt hoảng, méo xệch của cậu ấy. 'Anh ơi! Em mất ví rồi. Toàn bộ giấy tờ, tiền mặt và thẻ bảo hiểm của bố mẹ trong đó. Làm sao bây giờ?'. Tôi động viên Việt (tên cậu bạn) bình tĩnh kể lại.







Bệnh viện E Hà Nội luôn tấp nập người thăm khám.






Bố Việt là bác Nguyễn Long Đình, 62 tuổi, Ninh Bình nhập viện để điều trị căn bệnh tai biến. Cậu con trai gom góp tiền tới để chuẩn bị nộp tiền viện phí cho bố. Nhưng chỉ trong một giấc ngủ trưa sơ sảy, tỉnh dậy toàn bộ số tiền hơn 2 triệu đồng và giấy tờ mất sạch. Căn bệnh của bố cậu đã điều trị lâu, tốn kém khá nhiều so với điều kiện kinh tế một gia đình thuần nông như Việt. Việt kể, theo lời của những người bệnh đã nằm lâu ở đây và đã từng mất đồ thì nên đi quanh khu vực này hy vọng sẽ tìm lại được giấy tờ. Và may mắn là Việt đã tìm thấy giấy tờ của mình vứt ngổn ngang trong nhà vệ sinh ở cuối dãy. Còn thẻ bảo hiểm của bố, được bệnh viện tạo điều kiện để vẫn có thể hưởng ưu đãi từ đó.







Một căn buồng bệnh nơi nạn nhân bị mất đồ.







Móc túi còn hơn triệu bạc, tiền nhuận bút ít ỏi tháng này tôi sẻ chia với Việt và tiếp tục tìm hiểu về tình hình đã xảy ra tại đây. Một bác tên Hùng, 68 tuổi, Thanh Hóa từ phòng bên đi ngang vào góp chuyện. 'Lại bị mất cắp à? Tuần trước bà nhà tôi mang lên hơn 9 triệu, gói cẩn thận vào túi. Tôi ngủ đặt dưới gối đầu giường. Chỉ đi vệ sinh có vài phút, quay vào thì số tiền đã không cánh mà bay. Giờ lại phải vay mượn anh em họ hàng để có tiền tiếp tục điều trị'.



Theo lời của một bệnh nhân tên Mai, Thái Bình, đã điều trị nhiều lần tại Bệnh viện E: 'Vào đây đội ngũ y bác sỹ rất nhiệt tình và chu đáo. Nhưng vì họ chỉ có trách nhiệm chữa bệnh nên người nhà bệnh nhân phải để ý thôi. Đứa em tôi vào thăm nuôi bị mất cả túi xách và hai cái điện thoại. Giờ biết kêu ai? Chúng tôi là bệnh nhân thì lo những cơn đau hành hạ, người nhà thì lo lắng nên tâm trí cũng bấn loạn'.








Nguyễn Quốc Việt, người nhà bệnh nhân bị mất tài sản.







Theo điều tra của phóng viên, việc mất cắp tại khu vực bệnh viện E, từ các buồng bệnh đã xảy ra nhiều lần. Các tay đạo chích khu vực này luôn có những mánh khóe, chiêu trò để 'nẫng đồ' của bệnh nhân hay người nhà. Chúng cải trang làm người khám bệnh, chữa bệnh, đóng giả làm người đi thăm nuôi với cân hoa quả, túi bánh trên tay xách theo. Đi dọc hành lang các phòng vào những giờ nhạy cảm như nghỉ trưa, tối, giờ ăn ... Vào mỗi phòng chúng giả tảng như đang tìm bệnh nhân X, người nhà Y ... Nếu thấy đông người hoặc mọi người chưa ngủ sẽ giả như nhầm phòng. Nếu thấy vắng người hoặc mọi người đã ngủ say lập tức ra tay khoắng sạch những gì có thể. Bệnh nhân vật lộn với cơn đau nằm thiêm thiếp trong mê sảng. Người nhà phần vì lo lắng, phần vì mệt bởi những đêm thức trắng canh chừng người thân cũng gục ngủ chập chờn. Đó là điểm yếu để những tay trộm cắp táng tận lương tâm nhảy vào 'thó đồ'.



Thực trạng trên đang diễn ra hết sức thường xuyên và liên tục với những thủ đoạn khá đơn giản như trên. Người nhà nạn nhân kêu cứu. Nạn nhân kêu cứu. Họ là những bệnh nhân nghèo lại khốn khổ 'đeo' thêm trong mình bệnh tật. Họ đang rất rất cần sự can thiệp, kết hợp có biện pháp bảo vệ mình của bệnh viện, của cơ quan chức năng khu vực phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội.



Ngày Nay Online sẽ tiếp tục thông tin về thực trạng trên qua ý kiến của lãnh đạo bệnh viện cũng như giải pháp của lực lượng an ninh khu vực phường Nghĩa Tân.






Xem thêm:
- Tóm gọn nhóm đối tượng chuyên đập kính ô tô trộm tài sản
- Hà Nội: Bắt quả tang “nữ quái” đang trộm đồ





Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: