Luật “mở”, thông tư “đóng”


Từ khi Luật Khám chữa bệnh được ban hành năm 2011, y bác sĩ muốn hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN), cơ sở y tế phải được cấp giấy phép hoạt động (GPHĐ) kể cả tư nhân lẫn công lập. Theo Nghị định 87/2011/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật khám chữa bệnh, Bộ Y tế phải hoàn thành việc cấp GPHĐ, CCHN trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, quá trình cấp phép vẫn còn nhiều chậm trễ.
Trước tình hình trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trách nhiệm chưa được đề cập khi Bộ Y tế chậm ban hành các văn bản hướng dẫn. Thậm chí khi vụ việc xảy ra mới rà soát, hướng dẫn, cấp phép, như trường hợp tai biến làm nhiều em bé chết trong đợt phẫu thuật từ thiện xảy ra ở Khánh Hòa năm 2014. Bà Thúy cũng phân vân về sự phân công, phân cấp trong hoạt động cấp CCHN, GPHĐ chưa hiệu quả.







Thủ tục cấp phép hành nghề y tư nhân vẫn còn nhiều vướng mắc





Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cũng thắc mắc GPHĐ, CCHN nhiều mà chỉ cấp trong thời gian ngắn nên có nơi quá tải. Do đó nhiều cơ sở y tế, nhất là các phòng khám chưa bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, môi trường nhưng ngành y tế nhiều khi “chạy” kế hoạch nên không khỏi thẩm định còn sơ sài. Đã vậy, nhiều cơ sở y tế dù được cấp GPHĐ rồi nhưng hoạt động không đúng chuyên môn…
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng băn khoăn vì quá trình cấp CCHN, GPHĐ nhiêu khê như yêu cầu phải có lý lịch tư pháp khiến phát sinh thêm thủ tục. Theo quy định, Sở Tư pháp cấp lý lịch tư pháp trong vòng 10 ngày nhưng có nơi phải mất… hai tháng.

Hậu kiểm lỏng lẻo


Các đại biểu Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cũng chất vấn Bộ Y tế chung quanh vấn đề thanh tra, hậu kiểm. Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, số vụ bị khởi tố liên quan hoạt động y tế trong năm 2014 còn nhiều hơn số giấy phép bị thu hồi. Điều này cho thấy trách nhiệm hậu kiểm còn hạn chế. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2014 thanh tra, kiểm tra 7.704 cơ sở nhưng chỉ tước CCHN một cá nhân, tước GPHĐ 1 cơ sở!
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cũng đặt vấn đề công tác kiểm tra hậu kiểm chưa như mong đợi và có sự thiếu công bằng giữa y tế công lập và tư nhân. “Ít thanh tra, kiểm tra chất lượng cơ sở y tế Nhà nước, giống như Cảnh sát giao thông ít kiểm tra xe biển xanh. Cứ nhăm nhăm vào y tế tư nhân thì làm sao phát triển được”, ông Tiên nói. Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân Việt Nam Phạm Thành Vận cũng thắc mắc là các cơ quan quản lý y tế chưa công bằng với y tế tư nhân. Cụ thể là khi xảy ra tai biến ở cơ sở y tế tư nhân thì chủ cơ sở lẫn bác sĩ chịu đủ, còn xảy ra ở cơ sở y tế Nhà nước thì “tầng tầng lớp lớp” bảo vệ.
Giải trình những thắc mắc của các đại biểu, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Xuyên, thừa nhận nhân lực cán bộ các Sở Y tế còn thiếu, chỉ có hai - ba cán bộ tham mưu cấp CCHN, GPHĐ. Ngoài ra, do các cơ sở y tế chưa đáp ứng xử lý môi trường, rắc rối cấp lý lịch tư pháp nên tạo thêm chậm trễ trong việc cấp CCHN, GPHĐ. Chung quanh trạm y tế quân - dân y kết hợp, bà Xuyên cho rằng không thuộc thẩm quyền mà do Bộ Quốc phòng cấp phép. Bà Xuyên cũng nói giao hội nghề nghiệp cấp CCHN, GPHĐ là rất khó vì hội chưa đủ lực: “Khi nào hội lớn mạnh, hoạt động ổn rồi thì kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có thể giao”.

Đội ngũ quản lý yếu & thiếu


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh hệ thống văn bản pháp luật cơ bản đủ, chỉ thiếu thông tư về Đông y thì sắp ban hành. Việc cấp CCHN, GPHĐ là theo tiêu chuẩn, các đối tượng thiếu tiêu chuẩn cần được nghiên cứu thêm như cô đỡ thôn bản, cư nhân sinh học… Bộ trưởng khẳng định công tác hậu kiểm tra, thanh tra cũng được làm quyết liệt chứ không phải “bắt cóc bỏ dĩa”: “Thanh kiểm tra từng ngóc ngách. Các vụ việc sai phạm đều xử lý quyết liệt và thông tin rộng rãi trên báo đài”. Theo Bộ trưởng Tiến, rào cản lớn nhất trong quản lý và cấp CCHN, GPHĐ là nhân lực yếu và thiếu, cả Bộ Y tế và Sở Y tế các địa phương chỉ có 240 cán bộ thanh tra, trong khi xin biên chế rất khó.
Trước những vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương lập lại trật tự hoạt động y tế, văn bản nào còn thiếu thì sớm ban hành hoặc kết hợp với các bộ, ngành khác ban hành; tháo gỡ các vướng mắc về lý lịch tư pháp, tiêu chuẩn… để bảo đảm cấp hết CCHN, GPHĐ trước 1/1/2016. “Những cơ sở y tế đã đạt 90% tiêu chuẩn mà chưa cấp phép thì xem xét cấp, tiêu chuẩn còn thiếu cho bổ sung sau. Hình thức khám, chữa bệnh nào có lợi cho dân thì nghiên cứu đề xuất cấp phép chứ không cứng nhắc”, bà Mai nói.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Bệnh viên tư chôn lậu 63 tấn rác thải y tế
- Nghệ sĩ Hán Văn Tình được hỗ trợ điều trị miễn phí tại Bệnh viên Ung Bướu Hưng Việt
- Các nghệ sĩ trao 176 triệu quyên góp được cho gia đình NSƯT Hán Văn Tình




Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: