27 người thiệt mạng do mưa lũ
Theo thống kê từ các địa phương, từ ngày 1 đến 3/8, ở các tỉnh miền Bắc có 10 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất. Trong đó, Lai Châu có 2 người, Lạng Sơn 2 người, Cao Bằng 3 người, Sơn La 1 người, Bắc Giang 1 người và Yên Bái 1 người.
Mưa lũ cũng khiến 11 người bị thương (tỉnh Điện Biên 4 người, tỉnh Cao Bằng 5 người, tỉnh Lào Cai 2 người).







Mưa lũ tại Uông Bí, Quảng Ninh.





Như vậy, với 17 người thiệt mạng ở Quảng Ninh trước đó, đợt mưa lũ từ ngày 27/7 đến ngày 3/8 tổng cộng đã làm 27 người thiệt mạng, hơn 40 người bị thương. Ngoài ra, còn có một ngư dân tử vong và 5 ngư dân của Thanh Hóa mất tích do chìm tàu ở khu vực Quảng Ninh.
Thiệt hại do mưa lũ gây ra, tính chung cả đợt mưa lũ từ ngày 27/7 đến 3/8 đã có hơn 30 nhà bị sập đổ, 150 nhà xiêu vẹo, tốc mái, 9.133 nhà bị ngập, hơn 2.400ha lúa, trên 6.800ha hoa màu bị thiệt hại, theo Tuổi Trẻ.
Tình hình mưa lũ các tỉnh miền Bắc
Tại Yên Bái: Khoảng 21h đêm 2/8, mưa lớn làm sạt lở một mảng núi chắn ngang dòng suối phía trên ngôi nhà của vợ chồng anh Sùng A Vếnh và chị Lảo Thị Sông (người dân tộc Mông) đang ở tại bản Tu San, xã Nậm Có. Đất đá lở vô tình tạo thành con đê ngăn nước tạm thời, khi nước từ trên núi đổ xuống dồn tụ nhiều hất tung khối đất đá xuống và nhấn chìm ngôi nhà vợ chồng anh Vếnh đang ở. Khi nghe tiếng động lớn do lũ ống gây ra, anh Vếnh chỉ kịp ôm vội hai con nhỏ chạy thoát ra ngoài, chị Lảo Thị Sông không kịp chạy đã bị dòng nước cuốn trôi cùng ngôi nhà.
Tại Lai Châu: Mưa lớn những ngày qua làm nước tích trong đất, gây vỡ kết cấu đất đá tại nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của gần 600 hộ dân. Sau nhiều ngày mưa to kéo dài, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu chỉ còn mưa nhỏ ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá trên địa bàn là rất cao do nước đã ngấm trong đất nhiều ngày.
Tại Cao Bằng: Mưa lớn tại Cao Bằng đã gây sạt lở đất nghiêm trọng ở xã Cần Nông, huyện Thông Nông, khiến 3 người thiệt mạng, 5 người bị thương. Trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày tại khu vực này cũng đã khiến một số đoạn đường bị sạt lở. Sau khi nắm bắt được tình hình, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cùng các thành viên Ban chỉ Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kịp thời huy động các lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả. Đến chiều ngày 3/8, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã tìm thấy 2 thi thể nạn nhân.
Tại Điện Biên: Đợt mưa lớn kéo dài vừa qua cũng đã gây lũ ống, lũ quét, ngập lụt và sạt lở ở nhiều địa phương của tỉnh Điện Biên. Tại TP Điện Biên Phủ, sáng 3/8, các khu dân cư bị ngập lụt, nước đã rút hoàn toàn, người dân bắt đầu việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phương án phòng chống dịch bệnh tại các địa phương bị ngập lụt lớn như Mường Ảng và Tuần Giáo đã được triển khai.
Tại Lạng Sơn: Đến sáng 3/8, mưa lũ đã làm 2 người thiệt mạng, 1 người mất tích. Huyện Chi Lăng là nơi bị thiệt hại nhiều nhất của tỉnh Lạng Sơn. Hiện nhiều khu dân cư của huyện vẫn bị cô lập hoàn toàn.
UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các huyện, thành phố, các sở, ban ngành tiếp tục chủ động ứng phó với diễn biến tình hình mưa lũ trong thời gian tiếp theo.
Tại Bắc Ninh: Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở 15m đê Hữu Cầu, tại xã Hòa Long, TP Bắc Ninh, chiều 3/8, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đã trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục sự cố. Với phương châm '4 tại chỗ', tỉnh Bắc Ninh đã huy động lực lượng tổ chức che phên nứa, phủ bạt, gia cố chân đê, giữ ổn định chân đê và mái đê. Đến thời điểm này, sự cố đã được khắc phục, tuyến đê đã được đảm bảo an toàn.
Tại Bắc Giang: Mưa lũ làm một người dân xã Đông Tiến (Yên Thế) bị chết do bị lũ cuốn khi đi qua ngầm. Toàn tỉnh có gần một nghìn hộ bị ngập phải di dời đến nơi an toàn; sập 8 nhà cấp 4 tại Lục Ngạn, Sơn Động, Việt Yên, sập mái nhà trường Tiểu học xã Quang Minh (Hiệp Hòa)… Đến chiều và tối 3/8, một số điểm ngập, nước đã rút dần. Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Giang, trưa và chiều 4/8 mưa giảm, đến 6/8 mưa mới dứt hẳn; lũ sông Lục Nam đạt đỉnh 6,4-6,5m trên báo động III, sông Thương đạt đỉnh ở mức báo động III.







Bản Sơn Thành, xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá chìm trong biển nước.





Tại Thanh Hóa: Mưa lớn kéo dài đã khiến lũ ở thượng nguồn sông Mã đổ về và lên rất nhanh tại huyện Quan Hóa. Tính đến chiều ngày 3/8, mưa lũ vẫn khiến gần 100 ngôi nhà trên địa bàn huyện Quan Hóa bị ngập và có nguy cơ chìm trong nước lũ. Các hộ dân này đã được lệnh di chuyển người, tài sản và vật nuôi đến nơi an toàn.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, mực nước trên sông Thương và sông Cầu đang lên, sông Thao và sông Lục Nam đang xuống chậm, hạ lưu sông Hồng-Thái Bình đang lên.
Mực nước lúc 9h ngày 4/8 trên sông Lục Nam tại Lục Nam: 6,17m (dưới mức BĐ 3: 0,13m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương: 6,50m (trên mức BĐ 3: 0,2m); trên sông Thao tại Yên Bái: 30,97m (ở mức BĐ 2); trên sông Cầu tại Đáp Cầu: 5,29m (ở mức BĐ 2); sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,10m (trên BĐ 1: 0,10m).
Dự báo đến tối nay (4/8), mực nước trên sông Thương (tại Phủ Lạng Thương) lên mức đỉnh 6,7m (trên mức BĐ 3: 0,4m).
Đến sáng mai (5/8), mực nước trên sông Thương (tại Phủ Lạng Thương) xuống mức 6,5m (trên mức BĐ 3: 0,2m); trên sông Lục Nam (tại Lục Nam) xuống mức 6,0m (dưới mức BĐ 3: 0,3m); trên sông Cầu (tại Đáp Cầu) lên mức 5,7m (trên BĐ 2: 0,4m); trên sông Thao (tại Yên Bái) xuống mức 30,3m (trên BĐ 1: 0,3m); trên sông Thái Bình tại Phả Lại lên mức 4,4m (trên BĐ 1: 0,4m).



Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.




Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh.



Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.
Xem thêm:
Vụ 'thu thùng trà miễn phí': Chủ tịch quận Hoàng Mai nói gì?
Chân dung hai thiếu nữ gây náo loạn phố đi bộ Nguyễn Huệ
Huy Mạnh (t/h)




Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: