“Cái rốn” tội phạm ma túy tại Thanh Hóa


Thanh Hóa có 192 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào thuộc địa bàn 5 huyện 16 xã phía tây của tỉnh. Trong đó Mường Lát có đường biên giới dài nhất với hơn 100 km và cũng là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước. Với địa hình phức tạp, giao thông cách trở, thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí của đồng bào còn nhiều hạn chế luôn là điều kiện để mọi loại tội phạm lợi dụng, đặc biệt là tội phạm về ma túy.
Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, lực lượng phòng chống ma túy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã bắt và khởi tố 200 vụ, 276 đối tượng buôn bán vận chuyển trái phép các chất ma túy, thu giữ gần 120 kg heroin tương đương với gần 400 bánh, hơn 100 kg thuốc phiện hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp cùng nhiều loại phương tiện vũ khí gây án
Dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong phòng, chống ma túy nhưng nơi đây vẫn là địa bàn trọng điểm về các hoạt động ma túy của tỉnh Thanh Hoá. Cách đây vài năm, trên địa bàn Mường Lát đã hình thành một số đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn và có tổ chức chặt chẽ, có trang bị vũ khí nóng như: súng, lựu đạn, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện vây bắt...







Tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý ởMường Lát có nhiều diễn biến phức tạp





Trong đó, có nhiều đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn đã cấu kết với bọn tội phạm bên kia biên giới buôn bán, vận chuyển cái 'chết trắng” về gieo rắc lên cuộc sống của đồng bào. Với địa hình chủ yếu là rừng núi hiểm trở, lại có đường biên giới giáp nước bạn Lào, do đó tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý trên địa bàn huyện Mường Lát có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội về ma túy ngày càng tinh vi, nhiều đối tượng là người nghiện ma túy đã tham gia vào các hoạt động mua, bán vận chuyển ma túy từ Lào vào địa bàn huyện để bán lẻ cho người nghiện tạo thành các điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy phức tạp.
Từ trung tâm TP Thanh hóa, để đến được Đồn Biên phòng Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, phải trải qua một quãng đường xa gấp đôi từ Thành phố xứ Thanh về Hà Nội, tuy nhiên, đường sá còn khó đi gấp bội. Chuyến đi dặm dài, nhưng chúng tôi không thấy mệt nhọc bởi được tận mắt chứng kiến cuộc sống và việc làm của những người lính biên phòng nơi này, nhất là sự đổi thay ngoạn mục của vùng đất Pù Nhi mà cách đây chưa lâu còn là vùng trọng điểm khó khăn với nhiều hủ tục. Sự đổi thay ấy không thể không nhắc đến sự chung tay góp sức của những người lính mang quân hàm xanh, Bộ đội Biên phòng Đồn Pù Nhi.

Có lệnh… là lên đường


Vội vã thu ghém ít đồ dùng cá nhân, Thượng tá Phạm Đình Thuấn, Phó trưởng phòng PCTP về ma túy thuộc BĐBP tỉnh Thanh Hóa lên đường đồng hành cùng đoàn công tác. Đó cũng là tác phong chung của các chiến sĩ biên phòng chúng tôi đã gặp. Là người từng nhiều năm trực tiếp tham gia các chuyên án ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, anh Thuấn giải thích, sở dĩ nơi đây là điểm nóng của nạn vận chuyển, buôn bán ma túy do tiếp giáp các huyện Xốp Bâu, Viêng Xay và Sầm Tớ thuộc tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào với tổng chiều dài biên giới 192 km. Hủa Phăn từ lâu đã được biết đến như điểm trung chuyển “hàng” quan trọng của giới tội phạm về ma túy, khi nằm trên trục đường thuận di chuyển từ khu vực Tam giác vàng.
Bên cạnh đó, nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dòng họ lâu đời, cuộc sống khó khăn và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy từ Hủa Phăn vào Thanh Hóa diễn biến ngày càng phức tạp. Đối tượng hết sức đa dạng, câu kết trong và ngoài biên giới hình thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Gần đây, các đối tượng phạm tội vận chuyển ma túy có trang bị vũ khí và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.
Huyện Mường Lát, với chiều dài biên giới gần 100 km giáp Lào là “cái rốn” tội phạm ma túy của Thanh Hóa. Ở nơi “hoa về trong đêm hơi” ấy, chỉ trong hơn một năm qua, lực lượng bộ đội biên phòng đã đấu tranh thành công sáu chuyên án; thực hiện 20 kế hoạch nghiệp vụ; bắt giữ 34 vụ với 51 đối tượng; thu giữ gần chín kg heroin, 2.000 viên ma túy tổng hợp và nhiều vũ khí, tang vật của tội phạm buôn bán, vận chuyển chất ma túy.
Thượng tá Phạm Đình Thuấn cho biết, dù công tác đấu tranh đang được thực hiện gắt gao, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu do tính chất siêu lợi nhuận của mặt hàng phi pháp này. Chiến sĩ của năm đồn biên phòng đứng chân tại ba xã Trung Lý, Nhi Sơn và Pù Nhi thường xuyên phải “căng mình” triệt phá án ma túy.
Hơi nóng hầm hập từ những cơn gió Lào bao trùm đồn Biên phòng Trung Lý, dù ráng chiều đã vẽ lên trên khung trời những mảng hoàng hôn vàng rực. Tạm nghỉ trận bóng chuyền đang sôi nổi, những người lính biên phòng xoay trần ra xào rau, kho thịt từ vườn tăng gia để tiếp đón đoàn công tác. Đồn trưởng Lê Như Trường cười bảo, họ có thể phải ngưng những sinh hoạt đời thường ấy bất cứ lúc nào để lên đường làm nhiệm vụ. Là lính biên phòng thường không có ngày nghỉ.
Nếu không được giới thiệu trước, ít ai ngờ người đàn ông nhỏ thó, da ngăm đen, dáng vẻ chất phác mà chúng tôi được tiếp xúc tại đồn Trung Lý lại là Đội phó đội PCTP về ma túy của đồn. Vì tính chất công việc, anh xin không nêu tên tuổi. Chỉ biết rằng, người lính biên phòng ấy là “hung thần” của rất nhiều đối tượng vận chuyển ma túy trên địa bàn Mường Lát. Đôi bàn tay gân guốc, xù xì của anh đã trực tiếp thực hiện gần 50 vụ vây bắt tội phạm ma túy trong năm năm qua.
Công việc vây bắt tội phạm ma túy không có chỗ cho những tình tiết ly kỳ như phim ảnh. Tất cả phải diễn ra nhanh, gọn hết mức có thể, và luôn luôn xảy đến trong đêm, thời điểm hoạt động mạnh của “dân” buôn mang ma túy. Người đội phó cho biết để nắm bắt được thông tin, lộ trình và thời điểm hoạt động của các đối tượng, bộ đội biên phòng phải thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó có sử dụng đặc tình không chỉ ở nội biên mà cả ngoại biên bên Lào. Khi được thông báo, các anh sẽ tính toán địa điểm đón lõng đối tượng.
Chỉ tay lên ngọn núi gần đó, anh bảo: “Giả dụ đối tượng xuất hiện vào lúc 12 giờ đêm, chúng tôi phải bắt đầu đi bộ lên núi từ khoảng hơn 9 giờ tối vì không có đường cho xe máy. Tới nơi nghỉ ngơi lấy lại sức một chút rồi vào việc là vừa”. Các anh không bao giờ mai phục một chỗ để đề phòng lọt lưới đối tượng. Mọi diễn biến được lên kế hoạch chu đáo, nơi vây bắt luôn là đường hẹp sát vực, người thực hiện đánh bắt ra tay nhanh, dứt khoát, không cho đối tượng có cơ hội rút vũ khí. Tuy thế, họ không thể tránh hết những tình huống nguy hiểm tính mạng. Anh kể, có những vụ đối tượng liều lĩnh lao xuống vực khi bị phát hiện, phải lao theo cứu; lại có vụ bị đối tượng nghiện ma túy cắn chảy máu tay, anh phải xét nghiệm HIV… Nhưng không gian nguy nào có thể làm nản lòng các chiến sĩ biên phòng. “Có lệnh, là lên đường”, anh nói giản dị thế.

“Làm được, không nói được”


Đồn trưởng đồn Biên phòng Trung Lý, Đại tá Lê Như Trường hài hước bảo, mỗi khi anh em bắt được một vụ là không khí trong đồn tưng bừng như ngày hội. Người ở “nhà” đang viết báo cáo, lập kế hoạch chuyên án hay rửa bát, nấu cơm cũng ngừng cả lại để chung vui. Từng chiến công đều là của tập thể, không một ai giữ riêng cho mình.
Nhưng đó đều là chuyện nội bộ. Đặc thù công việc không cho phép những người trực tiếp tham gia đánh bắt được lộ danh tính. Mặt khác, lính biên phòng sau khi bắt giữ tội phạm ma túy là lập tức chuyển giao hồ sơ cho cơ quan chức năng mở rộng điều tra. Họ lập công đầu, nhưng vai trò, trách nhiệm hầu như ít được báo chí, truyền thông biết đến để thực hiện tuyên truyền. “Làm được, không nói được”, đôi chút thiệt thòi ấy các anh không màng. Với họ, những khoảng bình yên cho đồng bào biên giới đã là vinh quang cao quý nhất.
Đại tá Trường cho biết, càng ngày công tác phòng chống tội phạm về ma túy càng gặp nhiều khó khăn, bởi chúng liên tục thay đổi thủ đoạn theo hướng ngày càng tinh vi hơn. Có nhiều vụ đối tượng lừa cả “bạn hàng”, người thân bên Lào để qua mắt đặc tình. Chúng còn liên tục nghĩ ra những cách giấu ma túy rất quỷ quyệt, như nhét vào hậu môn, dán vào lòng bàn chân, dùng gói heroin thay má phanh xe máy… Không những thế, chi phí điều tra cung cấp cho đặc tình và trinh sát viên cũng rất tốn kém, trong khi nguồn kinh phí được phê duyệt khá eo hẹp.
Theo Chỉ huy trưởng BĐBP Thanh Hóa, Trưởng ban chỉ đạo Kế hoạch 1686, Đại tá Lê Ngọc Long, PCTP về ma túy chỉ là một trong số rất nhiều công việc của các chiến sĩ biên phòng huyện Mường Lát. Họ phải thực hiện hàng loạt chức năng, nhiệm vụ khác như bảo đảm trật tự trị an; vận động đồng bào người Mông xóa bỏ việc trồng cây thuốc phiện; giúp đồng bào khắc phục đời sống khó khăn; gây dựng và phát triển các chi bộ Đảng… Việc không tên cũng không kể hết. Những đôi giày mòn đế vì băng rừng, xuyên núi vẫn ngày ngày cùng các anh trên tuyến biên giới ngút ngàn bóng cây, đến từng bản xa heo hút, vì bình yên của những nơi đặt cột mốc chủ quyền Tổ quốc.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Âm thầm cuộc chiến vùng biên (Kỳ 2): Giữ lấy đồng bào
- Âm thầm cuộc chiến vùng biên (Kỳ I): Từ thượng nguồn sông Mã…
- Những kệ sách vùng biên Tây Giang: Cần góp sức




Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: