Chiều 24/12, tại chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc (chùa Quán Thế Âm, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã diễn ra lễ cắt băng khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam.


Đến dự buổi lễ có Nhà sử học Dương Trung Quốc, ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cùng hàng trăm tăng ni, phật tử tại Đà Nẵng và nhiều nơi trên cả nước.





Bảo tàng Văn hóa Phật giáo được xây dựng từ đầu năm 2015, với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Bảo tàng nằm trong quần thể chùa Quán Thế Âm rộng hơn 7.000 m2. Trong đó, không gian trưng bày có diện tích 500m2.


Đây là bảo tàng về văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.


Bên trong bảo tàng trưng bày rất nhiều các bảo vật lịch sử được các nhà sử học, nhà nghiên cứu cùng phật tử cả nước tập hợp, sưu tầm trong 20 năm.


Theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh, Trụ trì chùa Quán Thế Âm, bảo tàng có diện tích khoảng 700m2, đặt tại tầng 2 của Ngũ giác đài Sen Ngọc trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm có khoảng 500 hiện vật gồm tượng Phật, mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí… có niên đại từ thế kỷ 7-8, cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tồn tại từ thời khai thiên lập địa chùa Quán Thế Âm, vốn là thánh địa tâm linh của Đà Nẵng.





Các hiện vật mang phong cách không chỉ Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á, có cả Ấn Độ. Trong đó nhiều chất liệu hay cổ vật độc bản lần đầu tiên bắt gặp. Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật do các chùa khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và cả các tỉnh, thành khác tập hợp lại.


Trong số 500 hiện vật này, sẽ chọn ra khoảng 200 hiện vật được xác định là cổ vật có giá trị không chỉ về mặt tâm linh trong tín ngưỡng Phật giáo mà còn là hiện vật di sản văn hóa để trưng bày tại Bảo tàng văn hóa Phật giáo Đà Nẵng.


Đặc biệt, các cổ vật như tượng bạch ngọc Quan Thế Âm tống tử tạc hình Phật Bà đang bế một trẻ nhỏ trên tay, mà tương truyền là được tìm thấy trong hoàng cung nhà Nguyễn do một hoàng hậu thờ để cầu thái tử; hai là, nhóm 8 tượng Phật Mật Tông được các chuyên gia đã khuyến khích thành lập hồ sơ bảo vật quốc gia…





Bên cạnh đó, nhiều hiện vật rất đáng chú ý khác ở Bảo tàng như bức tranh khảm xà cừ hình đức Phật nhập niết bàn, xung quanh là các tướng quân, tăng ni, cung phi mỹ nữ, muôn thú...; tượng Quan Âm tứ thủ; hay bức tượng Phật Di Lặc tuy chưa xác định là cổ vật nhưng đặc biệt ở chỗ tuy có kích thước bên ngoài tương đối nhỏ nhưng lại có trọng lượng rất nặng.


Bảo tàng đang được kỳ vọng sẽ là một điểm đến hấp dẫn du khách ngay trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng.


Ông Trần Quang Thanh, Phó Gíam đốc Sở Văn hóa, Thể Thao & Du lịch Đà Nẵng cho biết, khi đi vào hoạt động, Bảo tàng văn hóa Phật giáo với mong muốn quảng bá những nét đặc sắc di sản văn hóa về Phật giáo đến đông đảo người dân cũng như du khách. Do đó, Bảo tàng sẽ mở cửa miễn phí và thông qua việc tham quan, du khách có thể thể hiện lòng thành qua việc cúng dường, thiện nguyện.





Việc khánh thành Bảo tàng văn hóa Phật giáo cũng là Bảo tàng về văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần - tâm linh của người Việt, đồng thời góp phần trong việc giữ gìn những di sản văn hóa Phật giáo mà nhiều đời trụ trì đã cất công lưu giữ, sưu tầm.


Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, các bảo vật tại đây có giá trị nghệ thuật cao; phong phú về loại hình, chất liệu, kích thước. Về lâu dài, bảo tàng sẽ được bổ sung nhiều tượng Phật cổ từ nhiều nước trao tặng, làm đa dạng thêm bộ sưu tập vốn đã đồ sộ này.


Ngoài ra, bảo tàng cũng được đầu tư thiết bị thuyết minh tự động bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Điều này giúp khách tham quan chủ động trong việc tiếp cận thông tin, giá trị của từng bảo vật.


Bảo tàng Văn hóa Phật giáo mở cửa miễn phí cho khách tham quan trong thời gian tới. Sau đó, đại diện chùa Quán Thế Âm sẽ làm việc với Sở Tài chính, Sở VH - TT&DL Đà Nẵng đề xuất mức giá vé và các dịch vụ du lịch theo kèm.


Mạnh Kiên



Theo ngaynay.vn