Giấu kín chuyện mình mang thai, hàng ngày, nữ sinh lớp 8 Đinh Thị Hoanh (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) mang bụng bầu sáu tháng đến lớp mà giáo viên lẫn cha mẹ không biết.


Dư luận Quảng Ngãi đang xôn xao trước vụ việc nữ sinh lớp 8 Đinh Thị Hoanh (13 tuổi) - trường THPT Dân tộc Nội trú huyện vùng cao Sơn Tây sinh con non tháng chuyển đến bệnh viện cấp cứu.


Con mang thai 7 tháng, cha mẹ không biết


Ông Nguyễn Văn Toàn (cha của Hoanh, ngụ xã Sơn Dung) buồn bã thừa nhận, cuộc sống khó nghèo, suốt ngày hai vợ chồng lên núi làm nương rẫy, ít quan tâm con cái nên mới xảy ra chuyện đau lòng này.




Nạn tảo hôn là một trong những nguyên nhân gây hệ lụy đói nghèo kéo dài ở huyện vùng cao Sơn Tây. (Ảnh: M.Hoàng)

"Vài ngày trước, thấy con gái kêu đau bụng, vợ chồng tôi đưa đi khám thì bác sĩ kết luận thai đã 7 tháng rồi, nguy cơ sinh non nguy hiểm", người cha đau khổ thuật lại.


Nhập viện cấp cứu, nữ sinh này sinh con chỉ khoảng 1,6 kg. Hiện bé trai này đang được các bác sĩ tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng trong lồng kính. Tình huống bất ngờ, gia đình ông Toàn phải chạy vạy vay mượn từ người thân, dân làng và bán rẫy keo để kiếm tiền lo cho con gái.


"Cha mẹ cậu bé 16 tuổi đến bệnh viện thăm, chia sẻ trách nhiệm về bầu thai con gái tôi. Họ bảo đợi con tôi và cháu xuất viện về nhà, hai bên gia đình tính chuyện cưới hỏi cho chúng nó", ông Toàn cho biết thêm.


Trong khi đó, bà Đinh Thị Bâng - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Sơn Dung lý giải, do bụng bầu Hoanh "nhỏ xíu", tính tình ngoan hiền, ít nói, đến trường vẫn học tập, vui chơi thể thao bình thường nên giáo viên lẫn phụ huynh học sinh không biết.


"Đến khi cháu lên cơn đau bụng, gia đình đưa đi khám thì mới biết con mình mang thai sắp sinh non thì sự đã rồi", bà Bâng cho biết thêm.


Trường hợp của nữ sinh Hoanh không phải duy nhất. Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Sơn Tây, ba năm qua, địa phương này có hơn 20 em tảo hôn và 14 trường hợp hôn nhân cận huyết (trong độ tuổi từ 12-15 tuổi) đang theo học tại các trường THCS hoặc không có điều kiện đến trường. Điều đó dẫn đến thực tế nhiều nữ sinh mang bụng bầu đi học.




Dù ngành giáo dục huyện Sơn Tây thường xuyên tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh thế nhưng nạn tảo hôn ở địa phương này vẫn tồn tại dai dẳng. (Ảnh: M.Hoàng)

"Dính bầu" sau dịp tết, nghỉ hè


Nhiều giáo viên huyện vùng cao Sơn Tây cho rằng, nữ sinh cấp 2 "dính bầu" thường xảy ra sau mỗi đợt nghỉ tết, dịp hè. Gia đình đồng bào thiểu số quản lý con cái thoải mái, các em về bản làng vui chơi quan hệ tình dục dẫn đến mang thai.


Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú cơ sở Sơn Long thống kê, năm học 2015-2016, trường có năm trường hợp học sinh tảo hôn, trong đó có ba nữ sinh lớp 9 mang thai vẫn đến lớp học tập. Em Đinh Thị Yên (ngụ thôn Mang Hin, xã Sơn Long) mới sinh con thứ hai.


Năm nào trường cũng tổ chức tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh nhưng nạn tảo hôn, tình trạng có thai tuổi vị thành niên vẫn chưa thể ngăn chặn. Sau khi sinh con, các em xấu hổ với thầy cô, bạn bè nên thường nghỉ học ở nhà.


"Chúng tôi nhiều lần về tận bản làng tuyên truyền vận động các nữ sinh trót mang thai hoặc sau khi sinh con trở lại lớp học tập với hy vọng trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng sống cho các em", ông Tuấn trăn trở chia sẻ.




Những người mẹ trẻ sinh con trong thiếu thốn, đói nghèo. Ảnh: Minh Hoàng.

Cách chức Bí thư xã vì để con tảo hôn


Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Lê Hoài Thạnh bộc bạch, tảo hôn là chuyện đau lòng mà riêng ngành giáo dục khó thể xử lý được. Muốn tận gốc rễ vấn đề, cả hệ thống cần chung tay vào cuộc. Vấn đề căn cơ là nâng cao đời sống kinh tế, giúp họ chuyển biến dần nhận thức thì nạn tảo hôn mới giảm thiểu được.


Tảo hôn là “vấn nạn” gây hệ lụy lớn ở huyện vùng cao Sơn Tây. Không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, tảo hôn còn gây ảnh hưởng lớn sức khỏe bà mẹ, trẻ em, hạnh phúc gia đình nguy cơ đổ vỡ sớm. Các em không chỉ đánh mất cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm nuôi sống bản thân và gia đình.


Trao đổi với Zing.vn, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để cho hay, địa phương đã nhiều lần tổ chức hội nghị, phổ biến pháp luật cho người dân tuy nhiên đến nay nạn tảo hôn vẫn còn dai dẳng.


"Tôi từng kỷ luật cách chức Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua vì để con gái ruột tảo hôn. Do đặc thù địa phương vùng cao nên phải dùng biện pháp mưa dầm thấm lâu, trước tiên là tuyên truyền Đảng viên và các già làng phải gương mẫu, sau đó dân làng mới nghe theo", vị Bí thư chia sẻ.


Theo Luật hôn nhân gia đình, nam 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được phép kết hôn. Điều 6 Nghị định 87 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình), hành vi “Tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn” có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 200.000 đồng.


Người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội tổ chức tảo hôn theo Điều 148 Bộ luật Hình sự với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Theo Zing News





Theo ngaynay.vn