Kỳ 1: Nẫu nằm khơi xa
Người Bình Định, Phú Yên còn có tên gọi là xứ Nẫu. Đảo Cù Lao Xanh trước thuộc Phú Yên, sau năm 1975 được cắt về Bình Định. Ở tỉnh nào thì đảo cũng là một phần của xứ Nẫu, phần nằm ngoài khơi xa.
Bao dung

Bến Hàm Tử (Quy Nhơn) cửa xuống tàu duy nhất để ra đảo Cù Lao Xanh. Nhưng ở đây không có biển chỉ dẫn, không có thông báo giờ tàu chạy. Con tàu chở khách nằm lẫn trong rất nhiều tàu cá. Có lẽ chỉ có những người về đảo, đi nhiều lần nên mới biết chủ tàu, nhận ra những người quen đang về với xóm. Người ở xa hay khách đi thăm đảo chỉ có cách hỏi từng nấc một. Ngay tại bến tàu này, tôi cảm thấy có một điều gì đó thiếu quan tâm đến người đảo xa.
Ra đảo mới thấy, mới biết được vất vả gian nan, vậy nhưng người dân đã sống gắn bó, tình người đảo nhỏ không hề phai nhạt. Họ vượt qua những mùa biển đồng bóng, bão gió kéo dài, những ngày chài lưới thờ ơ, không tôm chẳng cá, thuyền lưới tong teo. Biển thế nào mược (mặc) biển!
Nghèo vẫn vững tay chèo, tay lái. Khổ vẫn gắn bó mảnh đất tổ tiên mà cha ông đã đặt tiền đề định cư trên đảo. Với hình dung xa xưa, cư dân đầu tiên người Việt đến đây, họ đã tìm nguồn nước ngọt thế nào? Vẫn còn đó những cái giếng rất sâu, sẽ rất khó khăn lắm, tốn nhiều công sức lắm, đục gọt xuyên qua những tầng vỉa đá, tìm ra nguồn nước ngọt. Và đến nay nó vẫn là nguồn cung cấp nước cho toàn đảo. Câu chuyện của những người già kể về cây cổ thụ đã mục, đã mất đi, những cây khác lớn lên rồi thành cổ thụ. Trong mỗi lối đi, trong từng bờ rào đá quanh nhà rêu bám, trong những thân cây dừa cao vút… Đó là những hiện thực của làng biển Nhơn Châu đang kể cho người mới đến đây về bề dày của đảo, chiều sâu của làng.


Trở lại câu chuyện xuống tàu, ra đảo. Đó là câu chuyện không đơn giản chút nào, giữa đất liền hay biển miền trung thiên nhiên không hề ưu đãi. Tàu chạy gần một giờ đồng hồ thì gặp sóng. Được biết, đây là những ngày sóng yên, biển lặng. Nhưng đó là với những từng trải của người ở đảo. Với người như tôi ngồi trên con tàu cũ kỹ, chạy chậm, có lẽ nó được tận dụng từ tàu đánh cá chuyển đổi sang vận tải. Tiếng động cơ gằn trên sóng. Tàu lúc thì bị tâng lên cao, lúc hạ xuống thấp, quay cuồng trong gió, nghĩ về phận người và một hành trình cũng hoảng hốt! Cái bọt nước cheo veo trên sóng thế nào, ngồi trên chiếc tàu này mới hình dung ra.
Người đi trên tàu đều tỏ một niềm mến khách. Họ chỉ cho tôi chỗ nằm. Tôi từ chối vì mình nằm sẽ mất phần người khác. Nhưng, trước những cơn sóng to, nước té lên khoang khiến tôi thấy mệt, chỗ mà họ nhường cho tôi vẫn còn để nguyên. Nằm xuống tấm chiếu và… ngủ lúc nào không biết. Đến khi có người đánh thức vì tàu đã chạm vào vụng đảo kín gió. “Nhơn Châu đây à”? Tôi buông lời tự hỏi và có rất nhiều cái gật đầu. Đó là một xã đảo nằm trong cánh cung của núi.







Đảo Cù Lao xanh giữa bốn bề lộng gió.





Và một hòn văng ra ngoài: hòn Yến. So với các đảo khác thì xã đảo Nhơn Châu chỉ như một ngôi làng. Làng có ba thôn: Tây, Trung, Đông kề nhau. Trên đảo có rất nhiều dừa. Ngoài ra có thêm cây đu đủ. Đây là hai loại cây nông nghiệp. Dừa nhiều, hiện diện trong thôn như thứ “quốc cây” của đảo. Lá dừa được tận dụng lợp nhà che cho những con thuyền mà ngư dân ngưng lưới, nghỉ chài vài tháng trong năm. Lượn một vòng, khám phá. Và nghĩ, hẳn học sinh nơi đây sẽ rất khó khăn khi làm bài văn tả cảnh vườn nhà em!
Dân cư của đảo chạy vệt dài. Làng mỏng như sợi chỉ thêu bên biển, bên núi. Trên đỉnh cao có ngọn hải đăng tuổi đời hơn 100 năm. Đây là ngọn hải đăng do Pháp xây năm 1890 cũng là ngọn đèn biển xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam.
Ở đảo, không có xe hơi, không tủ lạnh, không nhà nghỉ khách sạn. Và một chuyện cũng khá kỳ quặc, nhiều gia đình trong các thôn trên đảo vẫn chưa lắp công tắc bóng đèn. Điện máy nổ chạy năm tiếng, đến 11 giờ đêm là cắt. Công tắc bóng đèn cũng thành hiếm hoi, xa lạ nơi đảo này.
Chiều, gặp nhiều người già ngồi hóng gió bên biển. Họ có tuổi thọ khá cao. Cụ Phan Giáo, cụ Huỳnh Thị Chấm, cụ Lê Thị Cất… đều trên 80 tuổi. Các cụ rất vui khi hỏi chuyện, khi chụp ảnh. Những con sóng bên biển không mang một điều gì mới mẻ với các cụ. Chỉ có những người lạ ghé chơi mới khởi lên một niềm hân hoan. Các cụ sẵn sàng đứng lại, cười tươi chụp ảnh. Tụi trẻ con ở đây vô cùng sung mãn, chúng “bày binh, bố trận” các kiếu tư thế cho mình bấm máy. Tuổi thơ của bọn trẻ ở đảo còn giữ lại hình ảnh của thời bao cấp xưa, không bán rong, không béo phì, đứa nào cũng rắn rỏi, biết bơi. Đảo bao dung cho tuổi thơ những khả năng thích ứng hết sức đơn giản nhưng cũng rất đỗi diệu kỳ.
Bữa cơm

Cuối giờ chiều, cơn đói cứ cồn cào. Cũng định ghé cửa hàng tạp hóa nào đó mua cái bánh nhưng lại ngại. Khi bước chân lên đảo đã có nhiều người quan tâm vì tôi là người lạ. Rồi các anh, các chị ấy dẫn ra bờ biển, dắt qua nhà đến gặp ông Phó Chủ tịch, đến nhà ông Phó Bí thư.
Ngày tôi ra đảo là ngày thứ bảy, xã không làm việc. Suốt chiều dài bờ biển có quán cháo lòng của chị Tám Cảnh nhưng đến tối chị mới bán. Mấy cái ghế nhựa với bàn bày ra dưới gốc phi lao. Nghe kể, quán của chị không vội vàng, chẳng cạnh tranh, giá cả 12 nghìn một tô, độc quyền đấy nhưng rồi cũng rất rẻ đấy. Đi qua, đi lại định xộc vào gọi một tô nhưng thiệt tình xấu hổ. Đành bấm bụng chờ cơm.


Trời nhá nhem tối thì có cuộc điện thoại gọi về ăn cơm. Trong bữa cơm đầu tiên của tôi ngoài đảo được bố trí ăn với vợ chồng anh Phó Bí thư xã Nguyễn Đức Trận. Người ở đảo gọi là Ba Trận. Vợ chồng anh có bốn người con nhưng đã vào bờ lấy chồng, đi làm, đi học. Chưa đến tuổi 50 lại trở về với cảnh vợ chồng… son. Vợ anh Trận là người đất liền, ở một huyện miền núi của tỉnh Bình Định. Về đảo làm dâu, không quen cá, lưới, thuyền, chị mở bán hàng tạp hóa. Cái cửa hàng của chị phải quen mới nhận ra, nó không bày gì hết. Tất cả ở trong nhà. Nhà trên cao, ba bậc tam cấp mới đến cửa.
Bữa cơm có một nồi canh chua cá nấu theo kiểu của biển, cá cho cả con vào nồi, cùng với một thứ lá chua, không mỡ dầu, không màu mè như canh chua Sài Gòn. Nồi canh khiến tôi nhớ đến hồi trọ học ở ngã ba Môi, Thanh Hóa gợi một ký ức đã qua. Thỉnh thoảng, anh Ba Trận buông lời, chú cứ ăn tự nhiên. Vợ anh bị khàn cổ, không nói được, thành thử không hỏi được câu chuyện Ba Trận đã có bí quyết chi để đưa nàng ra đảo nhỏ này?.. Cơm xong, chúng tôi ra ngoài sân cũng là trước biển. Gió nhẹ. Những chiếc thuyền thúng câu mực, lưới vặt chong đèn nhấp nháy, đêm mang vẻ liêu trai.

Tỉnh Bình Định có 33 đảo lớn, nhỏ với các tên gọi phần nhiều là hòn. Hòn Ngang, hòn Rớ, hòn Khô, hòn Rùa… Các hòn này cách bờ một… tầm tay. Không có nước ngọt, không người sinh sống. Đảo Cù Lao Xanh cách thành phố Quy Nhơn 24 cây số, một khoảng cách khá xa, dân sinh sống trên đảo đã nhiều đời, có lúc lên đến ba nghìn người. Trong tấm bia miếu cô hồn tại đảo được lập vào mùa hè năm Thành Thái thứ 8 (tức năm 1888), lúc đó là đơn vị hành chính, có dấu riêng cấp cơ sở thuộc thôn Chánh Thành. Đến năm Bảo Đại thứ 10 (1935) đã thành đơn vị hành chính độc lập như các thôn khác, cùng năm đó, sắc phong của vua ở miếu Thành Hoàng gọi là đình làng tọa lạc tại thôn Trung ghi là thôn Thanh Châu, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định.



Hợp tác cùng Thời Nay




Xem thêm:


Sắp diễn ra tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015
Tìm hiểu đôi nét về ngôi nhà cổ Đường Lâm
Nghệ nhân trẻ Phạm Đình Mong: Mẫu lân mới không dễ “hồi sinh” làng nghề




Theo ngaynay.vn