Phóng viên (PV): Anh có thể giới thiệu đôi nét về tác phẩm giành giải của mình?
Nghệ nhân Phạm Đình Mong (PĐM): Cặp lân này chúng tôi lấy ý tưởng từ mẫu lân thế kỷ 14 và 17, thuần Việt đẹp và độc đáo nhất trong các mẫu lân, nghê truyền thống Việt Nam. Cặp lân này vẫn giữ được dáng vóc nhưng cách trang trí hoa văn thì sắc nét, gọn nhẹ, sống động, phù hợp với thị hiếu người chơi và có những nét cách tân, hiện đại để phù hợp với hôm nay. Để làm được cặp lân này, tôi nhận được sự giúp đỡ nhiều từ bố tôi là nghệ nhân Phạm Trông cũng như kế thừa được tinh hoa của gia đình tôi đã ba đời làm điêu khắc đá.
PV: Mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành tác phẩm này và giá thành mỗi sản phẩm?
PĐM: Tạo mẫu khoảng một tháng rưỡi và chế tác khoảng một tháng. Tôi làm mẫu nhỏ cao khoảng 50 cm, sau đó đưa vào xưởng yêu cầu chế tác giống như thế với chiều cao 1,2 m và tôi trực tiếp giám sát, hướng dẫn từng tiểu tiết. Chúng tôi làm vừa để dự thi, vừa làm mẫu cho cơ sở. Cả hàng trăm hộ ở làng nghề này mà chỉ có 14 cơ sở tham gia cuộc vận động. Điều đó cho thấy người ta không mặn mà. Bởi làm kinh tế không thể chỉ đơn thuần ngồi sáng tác mẫu rồi chờ đơn đặt hàng, mà buộc phải luôn có đơn đặt hàng để duy trì sản xuất, kinh doanh và nuôi sống hàng chục công nhân. Nếu có lợi ích kinh tế, người dân sẻ bỏ công, sức để làm liên tục, nếu không thì họ sẽ bỏ luôn, dù đó là mẫu lân thuần Việt. Vì thời gian bỏ ra để làm một cặp lân thuần Việt hơn một tháng, nên giá thành sẽ đắt hơn nhiều so với lân ngoại lai chỉ ba ngày xong một cặp.


PV: Cái khó nhất trong quá trình tìm tòi, tư duy để chọn lọc được những nét đặc sắc của hai mẫu lân thế kỷ 14, 17, để tạo ra tác phẩm Lân mới là gì?








Nghệ nhân Phạm Đình Mong bên cặp “lân Việt” được giải Nhì.





PĐM: Khó nhất là làm ra rồi mà sợ người ta nhìn không ra, không biết được đó là con lân Việt, không phân biệt được mẫu lân này với mẫu lân “ngoại lai”. Bởi nếu làm giống mẫu lân thế kỷ 14 hay 17 thì không thể làm được vì ngày xưa lân được làm bằng gốm, bằng đất nung, còn hiện nay chúng tôi làm bằng đá khối, tạo hình trên cả một tảng đá. Chất liệu khác xa nhau nên đòi hỏi phải thật kỳ công mới làm nên tác phẩm có hồn.

PV: Anh kỳ vọng gì về những mẫu lân thuần Việt khi đưa vào sản xuất, kinh doanh?

PĐM: Tôi kỳ vọng rất nhiều nhưng thực sự rất lo, bởi hiện vẫn chưa có đơn đặt hàng nào. Làng nghề truyền thống đá Non Nước từ trước tới nay vẫn tự chủ về nguồn vốn cũng như thị hiếu khách hàng. Sau khi ngành văn hóa khuyến nghị về việc hạn chế làm các mẫu lân, sư tử ngoại lai, thì làng nghề chùng hẳn. Hiện đã có những đơn đặt hàng mới và người chơi vẫn chuộng lân ngoại lai. Tôi đặt giả sử, nếu sau khi mẫu lân, nghê thuần Việt của chúng tôi chế tác được chấp thuận và kêu gọi người Việt đặt hàng, sử dụng, thì làng nghề cũng chỉ tồn tại được thêm vài ba năm, sau đó sẽ không còn việc để làm. Mà làng nghề không có đơn đặt hàng thì sẽ chết. Tất nhiên, làng nghề vẫn đang làm nhiều mặt hàng theo tín ngưỡng của người Việt, bởi thế hiện nay, các đơn đặt hàng xuất khẩu đang dần trở lại.
PV: Khi đặt lên bàn cân lợi ích kinh tế và giá trị làng nghề truyền thống đã được công nhận là di sản, theo anh, phải làm gì để “hồi sinh” làng nghề?
PĐM: Đã có mẫu lân, nghê mang bản sắc Việt, nhưng hiện chỉ mới co cụm trong phạm vi làng đá Non Nước mà chưa được triển lãm trưng bày ở bất cứ nơi đâu, vậy thì làm sao người dân biết đến? Chúng tôi làm theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu của khách hàng, bởi vậy, không thể ép họ mua mẫu lân thuần Việt. Tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất là công tác quảng bá, tuyên truyền cần được tổ chức quy mô, rộng hơn. Nhà nước cũng cần có chính sách đặc biệt đối với một làng nghề truyền thống như làng đá Non Nước, để cùng chia sẻ khó khăn với người dân, cùng chung tay làng nghề phát triển.


PV: Trân trọng cảm ơn anh!
Hợp tác cùng Thời Nay


Xem thêm:
Thư giãn với sách tô mầu
Tranh Đông Hồ - sáng bừng bản sắc Việt
Nữ nghệ nhân duy nhất còn sót lại của làng tranh dân gian Đông Hồ










Theo ngaynay.vn