Nhân dịp kỉ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhằm giúp các em thiếu nhi tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ; việc thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng; tạo cơ hội để các em thiếu nhi thể hiện tình cảm của mình với vị lãnh tụ kính yêu, thể hiện và trau dồi khả năng hội họa của mình, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức cuộc thi vẽ “Bác Hồ của chúng em.”







Bức tranh đạt giải Nhất trong gần 30.000 bài thi gửi về mang tên 'Chân dung Bác Hồ'.







Sau 3 tháng phát động (từ 19.5 đến 19.8.2015), Ban Tổ chức đã nhận được 28.585 tác phẩm của các em thiếu nhi trong độ tuổi từ 5 đến 14 tuổi, từ cả ba miền gửi về dự thi. Nhiều tác giả nhỏ tuổi là người dân tộc Nùng, H’mông, Tày, Mường, Ê Đê…



Các tác phẩm gửi về đã bám sát chủ đề cuộc thi, như: Chân dung Bác Hồ, Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ ở Việt Bắc, Bác Hồ đi công tác, Bác Hồ vui Trung thu cùng các cháu thiếu nhi... Các tác giả nhỏ tuổi tìm cảm hứng cho mình từ hình ảnh Bác Hồ qua những câu chuyện, hình ảnh tư liệu, rồi miêu tả hình ảnh Bác bằng nghệ thuật hội họa. Cuộc thi một lần nữa in đậm hình tượng thân thương của Bác Hồ kính yêu trong tâm thức và tình cảm của các em.








Bức tranh đạt giải Nhì mang tên Chúng em đến thăm nhà Bác của Phạm Ngọc Minh.







Mỗi tác giả nhỏ tuổi có một cách cảm nhận và thể hiện riêng, thế nhưng các tác phẩm hội họa của các em đều có một điểm chung là: Hình ảnh Bác Hồ thật dung dị, gần gũi như Người Ông của các em. Bố cục trong các tác phẩm đơn giản, hình ảnh Bác được lấy làm trung tâm. Chất liệu các em sử dụng chủ yếu là sáp mầu, bột mầu... đặc biệt có những tác phẩm dùng chất liệu là ngũ cốc (đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh, gạo...)



Ban Giám khảo gồm 5 họa sĩ: Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hoạ sĩ Lê Tiến Vượng - Trưởng phòng Thiết kế báo Thiếu niên Tiền phong, Hoạ sĩ Trang Thanh Hiền - Tiến sĩ Nghệ thuật trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hoạ sĩ Tạ Huy Long - Phó phòng Kỹ Mỹ thuật Nhà xuất bản Kim Đồng, Hoạ sĩ Phạm Tô Chiêm - Biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng. Ban Giám khảo - Trưởng ban là Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - đã làm việc cẩn trọng, kĩ lưỡng để chọn ra 125 tác phẩm đưa vào Chung khảo.








Tranh 'Bác Hồ đến thăm huyện đảo Trường Sa'.







Hoạ sĩ Trang Thanh Hiền nhận xét: “Các bức tranh gửi về tham dự thể hiện sự đồng đều về chất lượng, phong phú về chất liệu và giàu có về mặt mĩ cảm. Đặc biệt, hình ảnh Bác hiện lên qua từng bức vẽ rất gần gũi với mọi hoạt động, sinh hoạt của các cháu thiếu nhi. Những bức tranh của các em là lời khẳng định, hình ảnh Bác vẫn luôn đồng hành cùng đất nước và đẹp mãi trong tâm hồn trẻ thơ”.



Họa sĩ Lê Tiến Vượng bày tỏ: “Bất ngờ và ngạc nhiên là những từ đầu tiên thốt lên khi ngắm các nét vẽ hồn nhiên của các em. Tôi nhận thấy sự trong sáng và cần mẫn, sự yêu mến và nghiêm túc của các cây cọ nhí khi thể hiện hình ảnh của Bác. Theo tôi, cuộc thi đã làm được một việc rất quan trọng đúng như tinh thần cuộc thi đã đề ra: giúp các bạn nhỏ tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ; việc thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy; tạo cơ hội để các thiếu nhi thể hiện tình cảm của mình với vị lãnh tụ kính yêu, đồng thời trau dồi khả năng hội họa của mình”.








Bức tranh 'Bác Hồ đi công tác' đạt giải Ba.










Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Mặc dù hình ảnh của lãnh tụ Hồ Chí Minh các em thiếu nhi chỉ được tìm hiểu qua phim, ảnh, tư liệu lịch sử, những câu chuyện kể… nhưng các bức tranh mà các em thể hiện tình cảm về Bác lại rất ấm áp, hồn nhiên và gần gũi. Ngôn ngữ của hội họa là ngôn ngữ của cảm xúc. Với trẻ thơ, các em chỉ vẽ khi các em yêu thích. Hình ảnh Bác như một ông cụ già hiền từ, một người ông, một người cha… thân thương. Nét vẽ, cảm xúc trong trẻo, sắc màu rực rỡ của trẻ thơ cho thấy, Bác Hồ vẫn sống mãi trong tâm hồn của mọi thế hệ người dân Nước Việt. Đó là điều đẹp đẽ và lớn lao nhất mà hiếm một vị lãnh tụ nào trên thế giới có được”.



Ban giám khảo đã chọn được 1 Giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải 3, và 5 giải Khuyến khích.



Theo đánh giá của Ban Giám khảo, tác phẩm “Chân dung Bác Hồ” vượt qua nhiều tác phẩm xuất sắc để đoạt giải Nhất bởi phong cách thể hiện giản dị, nêu bật được chủ đề của cuộc thi. Hình ảnh Bác trong tác phẩm gần gũi, gây xúc động cho người xem.








Bác Hồ đến với thiếu nhi- một bức tranh được làm từ đậu tương, đậu đen, gạo.










Giải Nhất tập thể dành cho đơn vị có nhiều bài dự thi gửi đến thuộc về Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, với 1.586 bài dự thi. Cuộc thi vẽ “Bác Hồ của chúng em” đã kết thúc tốt đẹp. Cuộc thi là hoạt động thực sự có ý nghĩa đối với thiếu nhi Việt Nam, hướng các em đến những giá trị nhân văn sâu sắc, giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước. Kết quả cuộc thi là đoá hoa dâng lên Bác nhân dịp kỉ niệm 125 năm ngày sinh của Người.

Cụ thể các giải như sau:


Giải Nhất: Chân dung Bác Hồ của Đỗ Thị Linh Chi, Trường Tiểu học Tân Mai – Hà Nội.



Giải Nhì: Chúng em đến thăm nhà Bác của Phạm Ngọc Minh, Nhà thiếu nhi tỉnh Hải Dương; Bác Hồ đến thăm huyện đảo Trường Sa của Lê Anh Hoa, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản - Thị trấn Dran - Huyện Đơn Dương, Tỉnh Lâm Đồng.



Giải Ba: Bác Hồ đi công tác của Trần Hồng Anh, trường Tiểu học Khương Thượng, Hà Nội; Bác Hồ với các cháu thiếu nhi của Nguyễn Đình Long, THCS Đông Hồ 1, Thị xã Hà Tiên, Tỉnh Kiên Giang; Bác Hồ đến thăm bộ đội thiết giáp của Nguyễn Minh Hiếu, Phường Phú Đô, Q. Nam Từ Liêm.








Bác hồ hướng dẫn em tập viết của Nguyễn Thị Yên Nhi.







Giải Khuyến khích bao gồm: Hoa tặng Bác của Mai Thục Khánh Chi, Nhà VH TN Việt Đức, Thành phố Vinh, Nghệ An; Bác Hồ vui Trung thu cùng các cháu của Nguyễn Thùy Dương, Nhà thiếu nhi Hải Dương; Bác Hồ trồng cây cùng chúng em của Phan Thị Huỳnh Ngân, Trường THCS Mỹ Đông, Huyện Tháp Mười, Tỉnh Đồng Tháp; Bác tập thể dục cùng các cháu của Dương Khánh Nam, Nhà Văn hóa TN Thành phố Huế; Bác hồ hướng dẫn em tập viết của Nguyễn Thị Yên Nhi, Trường THCS Mỹ Đông, Huyện Tháp Mười, Tỉnh Đồng Tháp




Xem thêm:


Trần Ngọc Sinh “Đi lui đi tới”…
Họa sĩ Vũ Thanh Nghị: “Sáng tạo đòi hỏi dấn thân, đôi khi phải trả giá…”
Ngày hội dành cho những nghệ sĩ tí hon




Theo ngaynay.vn