Kỳ thú mâm cỗ trông trăng


Thế ra chỉ đại diện thiếu nhi một số phường thuộc quận Hoàn Kiếm được dự cuộc. Ban tổ chức chắc sợ quá tải, nào ghế đâu các em ngồi xem văn nghệ hơn tiếng đồng hồ, nhất là 12 mâm cỗ thịnh soạn bày ngay trên đường sẽ khó bề nguyên vẹn. Cũng may “giới” bảo vệ ưu tiên người có thẻ nhà báo, nên chúng tôi mới có cơ hội khảo sát kỳ công của “dân chơi phố cổ” ngày rằm.



Quả là kỳ công! Oách!



Quận Hoàn Kiếm 18 phường thì 10 phường nằm ở phố cổ và hai phường ngoài đê là Phúc Tân và Chương Dương. 10 phường “cổ” và hai phường “đê” này đã làm ra 12 mâm cỗ đặc biệt cho trẻ con- người lớn ngắm nghía đêm 14 âm lịch (AL) xong rồi cỗ của phường nào phường ấy bê về “phá” trong khi chờ trăng lên.







Thích thú với mâm cỗ trông trăng có ao cá Bác Hồ và các “tuyệt phẩm” khác.








Tôi từng thưởng thức nhiều tác phẩm trang trí bằng trái cây cực kỳ ấn tượng ở các khách sạn, nhất là khách sạn Hương Giang nơi có những bà nội trợ Huế tài đảm, nhưng một số mâm cỗ bày ở Đồng Xuân tối đó thật đáng choáng ngợp! Được biết nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn, bắt tay vào bày biện lúc 15h chiều thì chỉ có hai người/mâm trong 3 giờ đồng hồ để các phường thi thố với nhau.



Với chủ đề Vui Trung thu nhớ Bác, tác phẩm của phường Hàng Mã còn có cả nhà sàn, ao cá với cá vàng, cá chọi thật, bơi lội tung tăng! Nhiều người ồ lên thích thú. Nhà sàn, thiếu nhi, vườn cây đương nhiên đều tạo tác từ cây trái.







Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn lung linh trong ánh đèn và mâm cỗ hoa trái.








Quả dứa chế thành con rùa còn dễ chứ quả chuối tạo con dê, nho xanh tạo hình nhím, bắp cải - chú lợn con, thanh long - cá vàng, ổi xanh-chú cóc... mới gọi là sáng kiến. Chung quanh Tháp Rùa (hộp xốp) lung linh ánh đèn thả vài chiếc thuyền (mướp đắng) chở công dân (cà pháo) mải mốt chèo, cực ngộ.



Tác phẩm của phường Hàng Bạc thật lắm chi tiết, ví dụ “Thê Húc cong cong một nét lông mày” đỏ rực tỉa từ củ cà rốt tươi rói còn đền Ngọc Sơn tạo dáng bằng bí đỏ, mái đền làm bằng những viên kẹo, lô xô. Xung quanh nhấp nhô nhà cổ “và từng mái ngói xô nghiêng nao nao kỷ niệm” cũng bằng cà rốt cực vui mắt.











Mỗi phường tự chọn một chủ đề để thể hiện, nào Chia sẻ tình thân, Lắng nghe trẻ em nói, Trung thu nhớ Bác... Một số phường trùng về ý tưởng. Ban giám khảo gồm lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, Phòng Văn hóa Thông tin và Phòng Giáo dục Đào tạo quận chấm xong lúc 18h chiều 26/9, tối công bố kết quả. Tiêu chí chấm dựa trên kỹ thuật trang trí, cắt tỉa rau củ quả, rồi chất liệu có đảm bảo vệ sinh không, nội dung có ý nghĩa giáo dục không...



Chung cuộc, phường Hàng Buồm được giải Đặc biệt, 5 phường đồng giải Xuất sắc là Phúc Tân, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Chương Dương, Đồng Xuân còn lại 6 phường đoạt A1. Theo bà Việt Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Buồm vinh dự nhất bởi ngoài đạt tiêu chí của cuộc thi, còn đặc tả được rất nhiều “hạng mục” quan trọng của một phường cổ điển hình trên một mâm cỗ chủ yếu là bánh và rau củ quả: Đền Bạch Mã, đền Quan Đế, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phổ cổ, các khu nhà cổ... vân vân.
Không có bí quyết nào




Đêm chính Lễ hội Trung thu Phố cổ quận Hoàn Kiếm- kết thúc chuỗi hoạt động trước đó cả tuần- có rước đèn, võ thuật thiếu nhi, hoạt cảnh... Điểm nhấn vẫn là các mâm cỗ trông trăng bắt mắt, sáng tạo. Sinh động từ tạo hình trẻ con hoặc các nhân vật dân gian, đồng bào các dân tộc Việt Nam, chú bộ đội hải quân canh gác biển đảo. Thế mà dường như cả con trẻ lẫn người lớn đều không có thời gian định thần ngắm nghía tác phẩm của phường họ. Khán giả ngoài hàng rào lại càng không có cơ hội, cứ đứng ngoài xa mà ngó nghiêng chỉ trỏ.







Bánh dẻo hình cá vàng.








Hồi bé, mỗi năm chúng tôi lên Hàng Mã một lần mua một chiếc đèn cù, đèn ông sao, một cái lẵng đựng hai con thỏ bông hoặc hai con thiên nga trắng toát, chơi quanh năm. Thân thương, thích thú, ít lựa chọn. Nay thì khác, và cũng đừng coi thường sự sáng tạo của đồ chơi Trung Quốc. Riêng chuyện năm nào cũng nghĩ ra các trò mới đã nể rồi nếu không tính sự độc hại của nó, rồi sự đại trà làm người ta ngán...



Đêm 14 AL, di chuyển trên phố Hàng Mã, Hàng Lược thực sự là phải khéo. Không khí nói chung vui vẻ cả, lác đác có cậu chàng đeo mặt nạ ngộ nghĩnh, được người khác vì thú vị mà giơ máy ảnh bấm thì lại chìa tay đòi tiền, 10.000đồng/ảnh. Kiểu “no money, no photo” ở mấy thành phố du lịch nổi tiếng.







Những chú lợn con làm bằng cải bắp.








Hà Nội- nơi đáng hay, nhiều thứ để hay. Có điều chúng ta có muốn hay không. Như cuộc chơi Lễ hội Trung thu Phố cổ vừa qua chứng tỏ nếu thực sự quan tâm trẻ em, người ta có thể làm được những gì.



Phạm Tuyên, nhạc sĩ có nhiều ca khúc được thiếu nhi yêu thích (Em bay trong đêm pháo hoa, Chiếc đèn ông sao, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội...). Có phóng viên dồn dập hỏi ông bí quyết để viết những ca khúc như thế, ông cười hiền hậu đáp đơn giản: “Không có bí quyết nào cả, chỉ là yêu trẻ con mà viết thôi”.



Hà Nội nổi tiếng “mỗi mét vuông đều là di tích”. Giờ nghe người trong cuộc thuyết trình về mâm cỗ và ý tưởng của họ, ca ngợi vẻ đẹp của địa phương họ sinh sống (trong diễn văn khai hội), càng thấy Hà Nội - nhất là phố cổ, là chủ đề rất dễ để cho các tác phẩm hoa trái và không chỉ hoa trái “thăng hoa”. Toàn những địa chỉ văn hóa lịch sử, địa danh tăm tiếng. Đầy giai thoại, kỳ tích. Đó phải chăng cũng là chất liệu để nhà nhà tự làm đồ hàng, đồ chơi, mâm cỗ của chính mình.






Xem thêm:
Gần 1 vạn nguời cùng Ngày nay Online thắp sáng Đêm hội Trăng Rằm
Người Hà Nội háo hức với hội thi đốt hạt bưởi đón Trăng
Xin trả Trung thu cho trẻ thơ...
Theo Tiền phong





Theo ngaynay.vn