PV: Đã có nhiều năm theo dõi đời sống ca trù ở Hà Nội, anh có đánh giá gì về những nỗ lực của CLB ca trù Hà Nội, nhất là người đứng đầu - NSƯT, nghệ nhân Bạch Vân?
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (BTH): Chị Bạch Vân là người có công lớn trong việc phục hồi ca trù ở Hà Nội. Trong hoàn cảnh rất khó khăn, chị ấy đã bỏ nhiều công sức, thời gian ra học ca trù, nhận được sự ủng hộ của một số nghệ nhân thời kỳ đầu, mời được nhiều người cao tuổi ở Hà Nội tham gia CLB, “đánh thức” tình yêu ca trù trong thế hệ khán giả ấy và có sự lan tỏa về sau. Tôi còn nhớ hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đến nhà người bạn chơi, biết bố của bạn có tham gia CLB ca trù Hà Nội, cụ rất say mê và viết hẳn một bài hát nói rất lớn treo trên tường…







Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền





PV: Vậy còn nhận xét của cá nhân anh về hiệu quả hay chất lượng nghệ thuật của CLB?
BTH: Đây cũng là vấn đề chung của nhiều CLB ca trù hiện nay. Ca trù là nghệ thuật chuyên nghiệp, khó vào bậc nhất trong nền cổ nhạc Việt Nam. Đàn hát đúng âm luật đã khó. Đàn hát cho hay nữa lại càng gian nan. Điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào tài năng chứ không chỉ có tâm huyết mà được. Lại phải cộng với sự rèn luyện liên tục, lâu dài của người học với người thầy, với nghệ nhân thì mới thành được.
PV: Liệu anh có “nâng tầm” nghệ thuật với tinh thần “đòi hỏi” chăng?
BTH: Theo những tư liệu mà tôi nghiên cứu thì ngày xưa người ta phải luyện 5 năm, 10 năm mới có thể lành nghề. Chưa kể quá trình hành nghề lại đồng thời là sự học hỏi, rèn giũa không ngừng.
Ngày nay, thách thức rất lớn đối với ca trù là môi trường chuyên nghiệp, việc đào tạo và biểu diễn chuyên nghiệp không còn. Ngày xưa, các giáo phường có quản giáp, quản ca, họ dạy dỗ, kiểm tra học trò, con em mình rất nghiêm ngặt, có “chín” mới được ra nghề, và để sinh nhai nên phải giỏi, phải thành thạo.
Tôi không muốn phủ nhận việc học bây giờ, nhưng có thể thấy, phần đông vì tâm huyết, yêu nghề nên đến học. Nhưng như thế chưa đủ. Thậm chí còn có những quan điểm, suy nghĩ muốn phổ cập ca trù rộng rãi và phát triển về số lượng. Có thể nói, về số lượng thì tương đối thành công, nhưng về chất lượng thì còn ít.
PV: Anh có ý tưởng gì cho thực trạng này theo như anh nhận xét không?
BTH: Phải nói đây là một việc khó vô cùng. Bởi không thể nói là sửa được mà nhiều khi sẽ phải học lại. Trong khi thời gian vật chất không phải ai cũng có. Nhất là sẽ rất khó vượt qua cái tôi để chấp nhận lắng nghe sự chỉ bảo. Bên cạnh đó, chúng ta lại không có những lớp truyền dạy liên tục mà lâu lâu mới có một khóa ngắn hạn, một chương trình tập huấn ít ngày. Một sự thật phũ phàng là học viên không thể đủ sức, đủ kinh phí, còn nghệ nhân tài năng không thể dạy không mãi, trong khi sự đầu tư có thể nói là nhỏ giọt. Gay go nữa là các nghệ nhân kỳ cựu đã vắng đi quá nhiều rồi.
PV: Được biết anh đang dồn sức vào nghiên cứu ca trù, liệu những kết quả trong tương lai có thể góp được gì chăng?
BTH: Việc tôi làm hơn một năm qua đến mức phát ốm là đúc kết lý thuyết âm luật ca trù. Nắm vững âm luật rồi sẽ hiểu một bài có cấu trúc âm nhạc như thế nào. Đó là cơ sở phân biệt đúng - sai. Từ nguồn tư liệu thu băng của Viện Âm nhạc mấy chục năm trước, tư liệu cả mua, xin và được tặng từ thầy, từ bạn ở trong và ngoài nước, có những tư liệu từ trước năm 1945. Có nhiều bậc lão làng tôi được nghe, trong đó “trẻ nhất” là NSƯT Phó Thị Kim Đức và cố nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Tôi so sánh những tư liệu ghi tiếng hát, tiếng đàn của các cụ xưa với những ấn phẩm, tiết mục hôm nay, quả là có sự sai lệch rất lớn.
PV: Có thể mong đợi một công trình nào đó của anh trong tương lai gần về những vấn đề trên?
BTH: Tôi sẽ đăng tải dần để đón nhận góp ý, phản biện và hoàn thiện dần, bởi kết quả của mình là dựa trên tư liệu mà mình có được chứ không thể khẳng định đó là bản cuối cùng. Đặc biệt, tôi rất bất ngờ và sung sướng, có khi đến phát khóc nhận ra bên cạnh NSND Quách Thị Hồ còn có những đỉnh cao khác ít được nhắc đến. Điều tôi rất muốn làm là tái hiện được phần nào những đặc sắc nghệ thuật của họ. Mong rằng đó sẽ là những điều mà người hôm nay soi vào.
PV: Chúc anh sớm hoàn thành tâm huyết của mình!
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Con gái nhạc sĩ An Thuyên và những bí mật chưa tiết lộ về cha
- 'Ông hoàng nhạc đỏ' Trọng Tấn trải lòng về tuổi thơ đi bắt tôm, móc mua, ăn cơm độn
- Nghệ sĩ hài Việt Hương: 'Lùn cũng có lợi thế của lùn'




Theo ngaynay.vn