Hội nghị viết văn trẻ Thủ đô lần thứ hai (sau lần thứ nhất 22 năm), được dự kiến sẽ diễn ra vào gần cuối tháng 9 với số đại biểu trẻ được mời tham dự là hơn 70 người. Nhiều ngày qua, Hội Nhà văn Hà Nội và Ban Nhà văn trẻ của hội đã có các hoạt động chuẩn bị cho sự kiện được chờ đợi rất lâu này.
Dễ nhận thấy có “kha khá” các hoạt động văn chương liên quan các tác giả trẻ trên địa bàn Hà Nội trong mấy năm qua. Đó là những cuộc ra mắt tác phẩm, trình diễn văn, thơ, tọa đàm tác giả - tác phẩm… Các hoạt động này thường do một số công ty sách như Phương Đông, Liên Việt, Nhã Nam…, đơn vị xuất bản như các NXB Phụ nữ, Kim Đồng, Văn học…, rồi Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam hay cá nhân các tác giả tổ chức.
Đó là bề nổi, là các hoạt động có tổ chức truyền thông, quảng bá rộng rãi. Còn trong không gian lặng lẽ, âm thầm của những góc riêng, vẫn luôn có sự bền bỉ sáng tạo của nhiều cây bút sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật với nhiều tác phẩm được cho ra đời.







Một trong nhiều sự kiện vắng bóng người trẻ của Hội nhà văn Hà Nội 2





Tiếc rằng chưa thấy sự vào cuộc một cách “tương đối đậm đà” của phía hội nghề nghiệp hay các cơ quan văn hóa, văn nghệ, xuất bản Hà Nội, dù ở các hoạt động phong trào, hay trong việc hỗ trợ các tác giả trẻ “đằng sau cánh gà”. Sự kết nối, bắt tay với những người viết trẻ dường như mới dừng ở việc một số tác giả được chào đón gia nhập Hội Nhà văn Hà Nội, tham gia một số buổi sinh hoạt, tọa đàm của Hội với nhiều lứa tuổi khác. Gần đây mới có thêm việc xét giải trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội, thêm một số giải của LHCHVHNT Hà Nội được trao cho tác giả văn học trẻ.
Nên tìm cách thay đổi trạng thái còn lặng lẽ hiện nay trong mối liên hệ giữa Hà Nội với những người viết trẻ. Nên nghĩ ra việc cụ thể để huy động, mời gọi các tác giả đóng góp ngòi bút của mình. Cũng như có hướng giúp họ in ấn, quảng bá những tác phẩm chất lượng tốt, nhất là những tác phẩm hay về Hà Nội, có liên quan Hà Nội.
Có lẽ không quá khó để tổ chức những chuyến thực tế, trải nghiệm cho các cây bút về các khu vực, các địa phương của Thủ đô, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nên có những tọa đàm về nhiều vấn đề xoay quanh văn học trẻ Hà Nội và dành nhiều “đất” hơn để những người trẻ nói về tác phẩm của thế hệ của mình. Nên có những cuộc đầu tư, đặt hàng từ thành phố, từ tổ chức hội, từ ngành văn hóa cho những sáng tác mới của tác giả trẻ về Hà Nội.







Một số cây bút trẻ ở khu vực Hà Nội của Hội Nhà văn Việt Nam





Rất nhiều điều nên có, nên làm, cho những người trẻ viết văn ở Hà Nội, và cũng cho chính Hà Nội, khi thành phố có một “đội ngũ công dân” là những người trẻ trung, hăng hái sáng tạo và muốn đóng góp. Không thể tạo cho họ những đặc quyền, đặc lợi nào, nhưng mở thêm điều kiện bằng các hoạt động văn chương, bằng sự hỗ trợ tinh thần, cơ sở vật chất và một phần kinh phí cho công việc sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật của họ, là những việc gần rất cần nhưng gần như chưa có.
Và sắp tới, nhân cuộc gặp gỡ hiếm hoi của nhiều cây bút đang sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội, mong sao các nhà tổ chức, nhà quản lý “tận dụng” cơ hội này, khơi gợi, ghi nhận được những nguyện vọng, sáng kiến, đề xuất… của họ. Để sau hội nghị, sẽ có những hoạt động được thực hiện, trợ lực hiệu quả cho dòng chảy văn học trẻ trên địa bàn Thủ đô, tránh để hội nghị đơn thuần là nơi giao lưu vui vẻ, phát biểu hăng hái rồi… thôi.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Nhiều hoạt động vui Trung Thu ý nghĩa cho thiếu nhi Thủ đô
- Hội sách bao giờ về quê?
- Xúc động và tự hào 'Việt Nam – Thời đại Hồ Chí Minh”




Theo ngaynay.vn