Phóng viên (PV): Tranh của anh rất nhiều hình khối. Anh có thể nói về phong cách này của mình?
Họa sĩ Vũ Thanh Nghị (VTN): Thế giới quanh ta luôn chuyển động không ngừng. Tôi muốn thể hiện sự chuyển động đó bằng ngôn ngữ của nghệ thuật hội họa. Trong tranh của tôi, sự chuyển động được thể hiện không chỉ bởi đường nét, mầu sắc, nhịp điệu mà dường như nó đang va đập để tạo ra những âm thanh sôi động của cuộc sống thường nhật: tiếng động cơ, sự chuyển động của các phương tiện… Và những âm thanh, điệu múa trong diễn xướng lên đồng cũng tưng bừng phấn khích như vậy cùng với những sắc mầu dân gian làm nên sự lung linh huyền ảo.







Tác phẩm tại triển lãm





PV: Trước đây trong loạt tác phẩm về sắt thép, về con người thời đại công nghiệp, hầu như anh chỉ sử dụng một gam mầu xám, bạc, hoặc sẫm hơn chút, còn bây giờ, gần như là sự bùng nổ của mầu sắc. Anh đã đi tìm nó bằng cách nào?
VTN: Mỗi một đề tài đều ẩn chứa ngôn ngữ riêng và theo đó sẽ là các cách trình bày của ngôn ngữ đó. Bây giờ với sự bùng nổ của mầu sắc không hẳn là đột phá hay mặt mạnh của họa sĩ mà là trong tiến trình đi tìm nghệ thuật của mình. Những tác phẩm “lên đồng” chính là một sự phản ánh khác của họa sĩ. Tươi sáng, rực rỡ, nó vừa thể hiện niềm tin tưởng lạc quan trước sự che chở của các đấng, vừa góp phần tạo lên hiệu quả tâm lý ảo giác…
PV: Trong triển lãm này, anh dùng hội họa thể hiện một câu chuyện của văn hóa và tâm linh người Việt. Anh có thể kể đôi điều về hành trình này không?
VTN: Để thể hiện được Đạo Mẫu vừa linh thiêng, huyền diệu và cao quý, vừa rất gần gũi, một số tác phẩm được thể hiện theo phong cách lập thể vị lai, nhân vật ông đồng (bà đồng) đang nhảy múa trong trạng thái ngây ngất, thăng hoa đi vào cõi giới tâm linh huyền diệu. Một số tranh khác thể hiện sự gần gũi của đời sống hằng ngày; những sắc mầu cuộc sống rực rỡ đầy niềm tin, lạc quan phấn khởi của con người trước sự che chở, ban lộc may mắn của các Thánh Mẫu.
Mẫu không ở đâu xa mà ở ngay trong mỗi chúng ta. Sau thời gian chiêm nghiệm tôi đã quyết định đưa ra cuộc triển lãm này là sự kết hợp của hai bộ tranh mang phong cách khác nhau để khẳng định nét đẹp văn hóa và tính nhân văn của Đạo Mẫu. Đây chính là sự đánh dấu chặng đường bảy năm nghiên cứu của tôi về mảng đề tài này.
PV: Điều cốt tử trong sáng tạo của anh là gì? Anh có thỏa mãn với những điều mình đạt được?
VTN: Đó chính là tạo ra âm thanh của sự va đập giữa các hình khối để phản ánh chân thực và sâu sắc cuộc sống của con người trong thế giới hiện đại.
Xã hội luôn luôn vận động, nên khó có thể nói đã hài lòng, thỏa mãn hay chưa. Tôi luôn tin tưởng con đường mình đi, mỗi một chặng đường là một trải nghiệm thú vị, và tôi tạm hài lòng với những điều mình đã làm, phần nào có được sự thỏa mãn làm động lực để tiếp tục khám phá.
PV: Anh có thể nói gì về công việc sáng tạo của một nghệ sĩ?
VTN: Làm gì thì điều trước tiên cũng phải yêu nghề. Sáng tạo là một công việc không đơn giản, nó đòi hỏi sự dấn thân mất nhiều công sức, đôi khi phải trả giá mà không đem lại điều gì. Người làm hoạt động sáng tạo phải có tư duy lý luận và phương pháp chuyên nghiệp để có thể khẳng định được con đường mình đi.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Lý Nhã Kỳ tổ chức triển lãm kim cương
- Triển lãm mỹ thuật 'Tranh tượng' lần thứ 3
- Triển lãm tranh của hai bố con Hà Huy Hiệp và Hà Huy Huy: “Hai bằng một” hướng về trường tiểu học




Theo ngaynay.vn