1. Vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Phú Thắng, Phạm Thanh Hằng, nguyên diễn viên đoàn văn công quân khu 5 vẫn thỉnh thoảng “bon bon” phố phường Đà Nẵng đến nơi có không khí rất... chèo mời gọi. Tiếng hát, tiếng sáo, nhị của những người Thái Bình định cư tại Đà thành giúp ông bà cảm thấy mình… chậm già hơn dù nghỉ hưu đã lâu.







CLB sinh hoạt tại nhà ông Hải chuẩn bị diễn mừng đám cưới con ông Lệ





Nhiều năm trước, nhân một lần qua kết nối của đồng nghiệp trong đoàn văn công, ông bà quen biết với các thành viên CLB dân ca và chèo hội đồng hương Thái Bình tại Đà Nẵng. Gặp được hai nghệ sĩ từng học Trường trung cấp Nghệ thuật Trung ương ở Mai Dịch - Hà Nội (ông Thắng học nhạc công, bà Hằng học diễn viên chèo), CLB có thêm người hỗ trợ về chuyên môn, các thành viên từng lớn lên từ cái nôi chèo Thái Bình thêm phấn khởi.
2. CLB nay đã được 16 năm, chỉ bằng một phần nhỏ so tuổi ông nội, bà ngoại đã ngoài 60, 70 của các thành viên, nhưng là nơi kết tụ tình quê hương của những người rời quê lúa, lấy Đà thành làm chốn định cư đã mấy chục năm nay. Mà người Thái Bình, cũng như một số tỉnh lân cận khác ngoài bắc vào đây lập nghiệp rất đông, nên CLB trở nên một “tài sản” chung quý giá mang đậm nét văn hóa Bắc Bộ giữa thành phố biển miền trung này. Ông Ngô Công Lệ vốn người xã Mỹ Lộc, huyện Tiền Hải, Thái Bình, năm nay 73 tuổi, chủ nhiệm đầu tiên của CLB nhớ lại, dạo đó, một lần có hội nghị của hội đồng hương Thái Bình, tôi thấy anh Hải (ông Phạm Sơn Hải, người xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, Thái Bình, là chủ nhiệm CLB hiện nay) lên hát chèo, tôi mừng quá! Cảm động lắm, tự dưng nơi xa bản quán, lại được nghe tiếng hát chèo của quê mình vang lên, thật là sung sướng! Sau anh Hải, có chị Yên lên hát nữa, tôi thấy cộng thêm… mình vào là có ba người rồi!







CLB sinh hoạt tại nhà ông Hải chuẩn bị diễn mừng đám cưới con ông Lệ





3. Vậy là ý tưởng thành lập CLB ra đời, rồi cứ ngẫu nhiên biết người này, người kia cũng mê, cũng hát chèo nên giới thiệu cho nhau, hoặc CLB mời, hoặc có người tự tìm đến. Hóa ra còn khá nhiều người giữ nhịp chèo trong mình bởi từ tuổi thiếu nhi đã lớn lên trong phong trào hát chèo lan khắp tỉnh Thái Bình những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước. Ông Trần Văn Oong người xã Bình Định, Kiến Xương, Thái Bình, hồi phổ thông còn được đi học nhạc, vào quân ngũ thành cây văn nghệ, giờ chủ yếu chơi đàn tam. Ông Phạm Quang Thiều quê xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, Thái Bình đã chơi sáo từ năm 1963, tham gia đội văn nghệ xã, năm 1964 vào bộ đội năm nào cũng đi hội diễn. Bà Mai Thị Kim Oanh người xã Tây An, huyện Tiền Hải, Thái Bình trước cũng ở bộ đội, mang câu hát chèo quê đi suốt thời tuổi trẻ. Vậy là ai trong CLB cũng có ít “vốn giắt lưng”, gặp nhau, gặp CLB mà nên duyên để câu hát, tiếng đàn, tiếng sáo trong mỗi người có nơi cùng hòa nhịp, chứ không phải chỉ lẩm nhẩm có một mình. Chủ nhiệm Hải cho biết, nay CLB đã có 22 thành viên, trong đó tám nhạc công, 14 diễn viên với lượng tiết mục đã khá phong phú với khoảng 40 bài ca lời cổ và đặt lời mới, trang bị đầy đủ nhạc cụ, trang phục biểu diễn truyền thống, thiết bị âm thanh. Hằng năm hội nghị đồng hương Thái Bình ở các huyện thuộc TP Đà Nẵng và hội nghị chung hai năm một lần đều mời CLB đến biểu diễn. Nhiều hội nghị khác của các đoàn thể trong thành phố như hội phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, người cao tuổi… hay liên hoan văn nghệ các cơ sở cũng mời CLB góp vui. Đám cưới của con em người Thái Bình ở Đà Nẵng cũng thường mời các… ông bà đến hát tặng quan khách, con cháu.
4. Được trân trọng, các nhạc công, diễn viên quê lúa càng lấy niềm say mê được hát tiếng quê hương để chia sẻ với cộng đồng người Thái Bình và rộng hơn là người dân nhiều tỉnh, thành phố tụ về Đà Nẵng mà không ít người thường quen với tuồng, với ca bài chòi, nay đã thích nghe chèo. Ông Lệ nói, cứ tưởng tượng một đám cưới người gốc Thái Bình thì cũng phải một nửa, quá nửa là người ở đây chứ, mọi người hưởng ứng nhiệt tình lắm! Còn bà Oanh thì kể: tập chèo ở nhà tôi, người ta cứ đứng ở cửa xem, người ta bảo, nhà bà cứ hát đi nhé… Hát ca thường xuyên, ở nhà vợ chồng con cháu nói chung là ủng hộ lắm! Như nhà ông Hải chủ nhiệm đây, hồi bà Ngô Thị Mầu vợ ông ý chưa bận bế cháu thì ông đi diễn ở đâu bà lại cầm đàn theo sau. Còn nhà tôi bây giờ, cháu nội, cháu ngoại tôi chúng nó cũng hay mở đĩa chèo ra xem và bắt đầu thích hát chèo rồi.
Đều đặn, có kế hoạch diễn thì tập dượt, không thì CLB vẫn sinh hoạt chiều chủ nhật hằng tuần, tập trung ở nhà chủ nhiệm Hải hay ai đó, đàn hát với nhau, hỏi thăm chuyện cửa nhà, con cháu. Gọi là Thái Bình thôi, nhưng CLB đã có thêm các thành viên người gốc Phúc Thọ (Hà Nội), người Hà Nam, Thanh Hóa… Ngoài chèo, CLB còn diễn thêm nhiều bài dân ca quan họ, dân ca Hà Nam… Hát cho thỏa say mê của mình, của bạn, và cũng vừa vui vừa thêm khỏe ra nữa!
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Những mặt trái của việc xã hội hóa điện ảnh
- Hé lộ 10 điều ít biết về danh hài, NSƯT Tự Long
- Vì sao 'Gương mặt thân quen 2015' giảm độ hot?




Theo ngaynay.vn