Sang năm 1971, đang làm việc ở Báo Hà Nội Mới, tôi nhận được quyết định trở thành hội viên dự bị của hội. Chị Anh Thơ cười: “Có lẽ em là hội viên trẻ nhất hiện nay, chưa đến 30 mà!”. Và đến năm 1974 thì tôi được công nhận là hội viên chính thức. Cho đến nay, nhớ lại, tôi thấy mình chưa một lần nào mời hai vị đã giới thiệu mình vào hội nhà văn dù là một tách cà phê hay một chén trà.



Chỉ có một lần, tôi đến nhà anh chị Chế Lan Viên ở 51 Trần Hưng Đạo, định biếu tập thơ mới và nói lời cảm ơn, thì đọc thấy dòng chữ ghi trên bàn làm việc của anh: “Xin chớ ngồi lâu vì tôi rất bận”... Thấy tôi cứ đứng, nhà văn Vũ Thị Thường- vợ anh, cười: “Ngồi xuống đi em”. Tôi nhìn anh chị, lắc đầu: “Không, em đứng thôi, vì anh chị không nhắc là cấm đứng lâu”. Vợ chồng nhà văn phá ra cười. Nói thế, chứ tôi tặng sách rồi về ngay, bối rối quên cả cảm ơn vì biết hai người rất bận.



Giới văn chương hồi đó, trong sáng và vô tư, thật tình trân trọng, giúp đỡ lớp trẻ. Nhưng tôi cũng chứng kiến sự thẳng thắn và hóm hỉnh của các bậc đàn anh khiến tôi nghĩ ngợi và khâm phục. Trong một lần đại hội, khi chủ tịch đoàn gồm các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Xuân Diệu... đã yên vị, bỗng một cánh tay giơ lên:



- Tôi có ý kiến, theo tôi biết, sáng mai nhà văn Tô Hoài đã lên đường đi Cai-rô (Ai Cập), vậy tại sao anh còn ngồi chủ tịch đoàn hôm nay? Đề nghị anh nhường chỗ cho nhà văn khác!








Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (phải) cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Thu Trang.







Cả hội trường lặng đi. Nhà văn Tô Hoài đứng lên, mỉm cười trả lời: “Tôi đố ai ngồi đây dám khẳng định từ sáng nay đến sáng mai có những chuyện gì sẽ xảy ra, cho nên tôi vẫn theo phương châm sống của mình là: Hãy làm tốt nhất công việc hôm nay mình có thể làm” (!). Cả hội trường vỗ tay ầm ầm. Và nhà văn Tô Hoài vẫn ngồi chủ tịch đoàn đến hết ngày thứ nhất của đại hội.



Kỷ niệm ngày xưa thì nhiều, nhưng thôi, để tôi nói chuyện hôm nay. Nhà văn Bích Ngân, mới trúng cử lại vào Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM nói với tôi: “Em chỉ thấy lo chị ạ”. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát thông báo: “Các hội đã đại hội xong hết rồi, chỉ còn Hội Điện ảnh với Hội Nhà văn thôi…”. Vừa rồi, đi Cai Lậy cùng nhà thơ Vương Trọng, tôi nghe có bạn hỏi: “Ai sẽ là chủ tịch Hội Nhà văn khóa tới hả anh?”…



Tôi cũng nghe anh chị em bàn tán sôi nổi, nhà thơ này muốn sẽ vào Ban chấp hành, nhà văn nọ nhất định không chịu rút dù đã có thơ diễu: “Trên đường Văn Điển rẽ qua chấp hành”... (Văn Điển là tên một nghĩa trang lớn của Hà Nội). Và tôi bèn nói đùa: “Đại hội lần trước, tôi là 1 trong 3 người được Hội Nhà văn Hà Nội đề cử vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng tôi đã xin rút ngay, vì mình già yếu rồi. Nhưng lần này, tôi sẽ không rút nếu được đề cử, chỉ với một ý định: “Nếu là ủy viên Ban chấp hành, tôi nhất định sẽ không để Hội chịu mang tiếng là phải cà phê cà pháo, bia bọt, gặp gỡ, thậm chí nộp tiền cho một đường dây nào đó (hy vọng chỉ là tin đồn nhảm hoặc là bọn nhà văn rởm nhận tiền mà... chẳng làm gì, chẳng báo cáo ai, nên Ban chấp hành không hề biết) mới được xét kết nạp!”.



Các nhà văn thật là vui tính, hay chế diễu nhau, có khi còn... hư cấu cho hấp dẫn nữa chứ. Song ai có thực tài thì vẫn được mọi người yêu quý và đánh giá công bằng. Thực lòng, tôi nghĩ, Hội Nhà văn đã nỗ lực trong việc đề nghị trao giải thưởng Nhà nước cho nhà văn Phùng Quán, nhà thơ Lê Đạt, nhà văn Trần Dần... sao chưa thể nỗ lực hơn trong việc đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước, hay Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những nhà văn, nhà thơ rõ ràng đã có nhiều tác phẩm hay, có giá trị địch thực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.



Tôi đã nhiều tuổi, nghĩ gì viết nấy. Mong được thông cảm và bỏ qua nếu có làm ai đó... trái tai!
Xem thêm:


Nhớ người đẹp trong tượng cổ


Hai nhạc sĩ truyền cảm hứng sống cho cộng đồng
Nhạc sĩ An Thuyên: Tâm và Tài



Theo Dân Việt




Theo ngaynay.vn