Triển lãm “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi” diễn ra từ ngày 17-19/6 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trưng bày hàng trăm bức ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đặc biệt là những đóng góp của ông trong công tác xuất bản sách cho thiếu nhi.
Trong đó có nhiều bút tích nhắc đến nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Phong Nhã, họa sĩ Tạ Thúc Bình… viết, vẽ cho các em thiếu nhi, những tư liệu ghi chép phục vụ cho sáng tác, những trang nhật kí thể hiện quan điểm, tư tưởng sáng tác của Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.







Gia đình và những người hâm mộ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tại triển lãm.





Viết cho thiếu niên phải tươi cười nhưng nghiêm khắc, cảm động và nhẹ nhàng…

Từ năm 1951, tại chiến khu Việt Bắc, các nhà văn như: Nguyễn Huy Tưởng, Hồ Trúc, Phong Nhã và Tô Hoài thường có những cuộc bàn bạc rất hào hứng về việc viết cho thiếu nhi. Lần nào gặp nhau các ông đều thảo luận rất sôi nổi và lo lắng cho chuyện này. Và cũng từ đó, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết sách cho các em thiếu nhi.
“Chúng ta đều biết nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đem vào văn học Cách Mạng Việt Nam một phong cách đặc biệt. Dưới ngòi bút đầm ấm của ông, con người, cuộc sống, đất nước, tất cả đều đáng quý, đáng ca ngợi và chan chứa tình yêu con người. Và khi viết cho các em thiếu nhi Nguyễn Huy Tưởng cũng vậy”, cố nhà văn Tô Hoài từng nhận xét như thế về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng như thế.







Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và những người bạn làm báo Văn nghệ, báo Cứu quốc trong kháng chiến chống Pháp. Từ trái qua phải Tô Hoài, Xuân Thủy, Nguyễn Huy Tưởng và Nam Cao.





Ông thường mơ ước làm sao cho hết thảy các con em – cả thế hệ bước sau, khi các em vừa đến lứa tuổi làm quen với sách vở đã biết thưởng thức và say mê những câu chuyện do tưởng tượng mới thấy. Trước nhất, các em phải được thấy một cách xúc động và thiêng liêng, sức sống vĩ đại của dân tộc và con người Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thèm có những tài năng đem được cả nghìn năm lịch sử dựng nước biến thành bộ truyện chói lọi hàng trăm năm, hàng trăm nhân vật anh hùng. Ông cũng muốn viết lại cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp như một pho truyện trường thiên cực kỳ hấp dẫn một lần đã đọc qua suốt đời không thể quên.
Và trên những trang sách huyền ảo của một trong những tượng đài văn học lớn của văn học Việt Nam, các em thiếu nhi sẽ gặp vô vàn trường hợp éo le trần đời mà trong ấy lồng lộng những tình cảm cao quý, những người vừa có chí có gan dám nghĩ dám làm đầy nghị lực, đầy tinh thần cách mạng, vừa anh hùng vừa bặt thiệp và cao thượng, lúc nào cũng tin tưởng và yêu đời.
Những con người vĩ đại, đáng yêu vô cùng đến trò chuyện cùng các em, khiến các em ngưỡng mộ. Và với sức tưởng tượng tuyệt vời không hề có bến bờ của tuổi thơ, các em đã biết cảm phục, các em lại còn muốn bắt chước, nhất định bắt chước trở nên những tấm gương sáng ngời. Hầu hết các sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy viết cho các em đều ấp ủ những mong muốn to lớn ấy.







Bản thảo tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng và Quang Trung (bên phải) của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tại triển lãm.





Và, phong cách viết truyện cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu từ những năm ông mới 20 tuổi. Một đoạn nhật ký ông viết ngày 31-3-1932 như sau: “Phàm văn chương, mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên. Văn chương viết cho thiếu niên phải tươi cười mà nghiêm khắc, cảm động nhưng vẫn nhẹ nhàng. Bao giờ cũng phải mãnh liệt để kích thích tấm lòng. Nhưng, cũng vẫn coi chừng cho họ về những nết xấu, cốt làm sao để họ bao giờ cũng có một tấm lòng bồng bồng bột bột mà vẫn có lẽ phải và vẫn biết yêu thương nhau.”


Cảm hứng truyện từ Cổ tích và Lịch sử...

Truyện Con cóc là cậu ông giời, truyện Thằng Quấy, truyện Tìm mẹ, truyện An Dương Vương xây thành ốc, những cổ tích vừa lạ lùng xanh biếc, vừa mênh mông những tưởng tượng kỳ ảo mà trong đó chất chứa cả một kho vàng ngọc những tình cảm yêu thương, những chí khí rời sông lấp biển của người Việt Nam, của truyền thống Việt Nam.



Truyện kể vua Quang Trung, truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng, truyện Hai bàn tay chiến sĩ, mỗi truyện là một anh hùng đời đời của dân tộc ta từ ngàn xưa hoặc mới đây trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, như tinh thần dũng cảm đến tột cùng trong Hai bàn tay chiến sĩ.



Từ lòng mong muốn đưa tâm hồn các em tới những đỉnh cao đẹp trong tư tưởng tình cảm, Nguyễn Huy Tưởng chọn chủ đề theo lối riêng của mình thể hiện qua những đề tài cổ tích và lịch sử.








Những giây phút nội tâm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.






Các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông cho đến nay vẫn được coi là mẫu mực của nền văn học thiếu nhi Việt Nam, được dạy trong nhà trường ở nhiều cấp học, thường xuyên được xuất bản dưới nhiều hình thức khác nhau.
Nhà văn Nguyễn Như Phong từng nhận xét về tác giả của vở kịch 'Vũ Như Tô': 'Các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, dù là tiểu thuyết hay kịch, hay ký sự đi nữa, cũng đều gần chất sử thi. Viết cho các em, ông cũng chọn những thể tài phù hợp với mình là viết truyện cổ tích và lịch sử'.
Ông là nhà văn khai thác chuyên đề tài lịch sử và truyền thống. Bởi từ khi mới 18 tuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã có những suy nghĩ rất chín chắn: “Người không biết lịch sử là một con trâu đi cày ruộng. Cầy với ai cũng cũng được mà cầy ruộng nào cũng được”.







Bút tích của nhà văn Võ Quảng viết cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.





Cũng nói về những áng văn viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng: “Những tác phẩm văn nghệ - lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng, kể cả những truyện và truyện kể lịch sử viết cho thiếu nhi, đều là những tác phẩm đích thực. Ở đó là tâm hồn, là sự rung động, là những kỹ thuật nữa, để trên nền của sự hiểu biết, trí óc, đi tới, đạt tới cảm xúc, trái tim”.



Còn nhạc sĩ Văn Cao xúc động với những vần thơ khi viết về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng:
Những giọt mực của anh
Chấm vào những năm chiến đấu
Nhỏ vào từng giọt máu
Trĩu vai anh bao nhiêu tích sử
Nặng lắm giọt máu tươi
Anh viết về trẻ nhỏ
Và giọt máu nơi anh
Những giọt mực cạn dần
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Người sáng lập ra NXB Kim Đồng

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cùng với nhà văn Tô Hoài, là hai sáng lập viên chủ chốt của NXB Kim Đồng (17/6/1957). Ngay trong những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ, hai ông cùng các nhà văn Hồ Trúc, Phong Nhã… luôn đau đáu với việc sáng tác cho thiếu nhi và xuất bản sách cho các em.
Với cương vị và uy tín của mình, ông còn mời gọi các văn nghệ sĩ cùng tham gia viết, vẽ cho các em. Có thể kể đến nhạc sĩ - họa sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, các họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến, Tạ Thúc Bình, các nhà văn Nguyễn Tuân, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi... những cộng tác viên của NXB Kim Đồng từ cái thuở ban đầu ấy.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một trong những tượng đài lớn của nền văn học Việt nam. Những tác phẩm lớn của ông phải kể đến Sống mãi với Thủ đô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Lũy hoa…
Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1, năm 1996. Tên ông được đặt cho nhiều đường phố, trường học trong cả nước.
Một số tác phẩm của ông được giảng dạy ở các cấp học trong đó có kiệt tác Vũ Như Tô. Năm 2012, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, ngành Bưu chính đã phát hành bộ tem Nguyễn Huy Tưởng, thể hiện hình ảnh nhà văn và tác phẩm tiêu biểu, trong đó có truyện thiếu nhi.../




Xem thêm:



1. Vẫn nhức nhối bản quyền truyền hình và điện ảnh
2. Thế giới vẫn còn chỗ cho truyện tranh
3. Chuyện chưa kể về nữ họa sĩ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính tay kí họa 3 bức chân dung










Theo ngaynay.vn