Cái nghề nó vậy…

Có thể nói, công việc dạy dỗ những em nhỏ bình thường vất vả một thì việc dạy dỗ những đứa trẻ ở trường chuyên biệt (gồm trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật) vất vả mười bởi theo cô Thanh Tâm, giáo viên Trường chuyên biệt Hồng Phúc (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), từng có bảy năm gắn bó với những học sinh không bình thường: “Nếu ai không có tình thương với các em chắc chắn sẽ không gắn bó nổi với công việc này được một tháng”.
Cùng chung tâm sự, cô Hồng Vân, giáo viên Trường chuyên biệt Niềm Tin (quận Phú Nhuận) lại cho biết: “Mặc dù tôi mới vào dạy được ba năm nhưng cũng đã trải qua những niềm vui nỗi buồn cùng các học sinh nơi đây. Theo đó, dù mỗi giáo viên chỉ phải kèm ba học sinh nhưng ngay từ những việc nhỏ nhất như xúc cơm, tập chào hỏi, bật tivi hay mỉm cười cũng phải dạy, khiến công việc của người giáo viên nhiều lên gấp bội. Nếu không gắn bó với trẻ suốt ngày thì sẽ không hiểu, không thấu được những hành động hay thói quen của trẻ để có hướng dạy dỗ và điều chỉnh thích hợp”.







Nhọc nhằn giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Ảnh minh hoạ





Rồi, vừa dừng lại một chút, vừa kéo một cậu học trò nhỏ vào lòng âu yếm, cô Vân vừa kể tiếp: “Đây là Hoàng Anh, tám tuổi nhưng bị bệnh chậm nói. Đến nay em cũng mới chỉ bập bẹ được vài ba từ không rõ âm tiết. Cha mẹ đưa đi khám thì bác sĩ bảo thanh quản em có khác thường một chút, giờ công việc còn lại là gia đình phải cùng em tập nói hằng ngày chứ y học cũng không thể can thiệp được. Vì cha mẹ đi làm suốt ngày nên công việc dạy nói cũng như giúp em hòa nhập với cuộc sống đều do tôi đảm nhiệm. Nhiều khi ngồi cả tiếng đồng hồ hỏi đủ thứ nhưng em không nói được mà mình vừa thương, vừa buồn nhưng nghĩ lại, cái nghề của mình là như vậy, chỉ biết cố gắng cùng các em mà thôi”.
Về mong muốn, cũng như nhiều giáo viên dạy ở các trường chuyên biệt trên thành phố khác, cô Vân không phải mong muốn đồng lương cao, chế độ đãi ngộ tốt mà đơn giản, cô chỉ mong các em học sinh của mình nên người, có thể hòa nhập được với cuộc sống bình thường, thì đó chính là niềm vui, sự công nhận của xã hội đối với mình rồi.
Còn nhiều gian nan

Theo một cán bộ ở Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, hiện nay toàn thành phố có khoảng 30 trường chuyên biệt với khoảng 3.000 học sinh. Đó đều là các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, bệnh đao, chậm nói… Mặc dù vậy, thực tế thì nhu cầu về việc học của những học sinh này còn lớn hơn và có nhiều trường chuyên biệt tư thục đã thành lập để đáp ứng nhu cầu của người dân. Riêng về chế độ lương thưởng của các giáo viên ở trường chuyên biệt thì được ưu đãi hơn so với giáo viên cùng ngạch khác khoảng 70%, nhưng thực tế, số tiền đó cũng chưa đủ bù đắp công sức và đóng góp mà họ phải bỏ ra. Hầu hết các giáo viên dạy ở trường chuyên biệt bám trụ được với nghề lâu năm đều là những người tâm huyết, coi công việc như trách nhiệm của bản thân vậy.
Có thể nói, mỗi một học sinh ở trường chuyên biệt là một câu chuyện đời, một số phận với nhiều khó khăn ngay từ thủa đầu đời và nhiệm vụ của những người giáo viên ở trường chuyên biệt là kiên trì dạy dỗ, nuôi dưỡng các em thành người. Công việc tưởng như đơn giản ấy mà thực tế lại rất gian nan, vất vả. Với họ, công việc nhiều khi không đơn thuần là những kiến thức sư phạm đã từng được học, mà còn là tình thương, là trách nhiệm, là sự kiên nhẫn và yêu thương để có thể đi cùng các em trong con đường hòa nhập nhiều khó khăn. “Như những học sinh bình thường, cứ tới cuối năm là lên lớp chứ nhiều học sinh chuyên biệt, có khi học mấy năm mà các em chưa tiếp thu được gì nên mình vẫn phải tiếp tục dạy dỗ, làm sao cho các em có thể nhận thức được mới thôi”, một giáo viên dạy ở Trường chuyên biệt Tân Thạnh (Cần Giờ) cho chúng tôi biết. Và đó cũng là lý do mà cô đã có 15 năm gắn bó với mái trường đặc biệt này.
Hợp tác cùng Thời Nay
Xem thêm:
Nữ sinh xuất sắc nhận học bổng của 7 trường đại học Mỹ
Lạng Sơn: Cô giáo mầm non nhốt trẻ ở ngoài bị sa thải
Nữ du học sinh Việt tại Đức vẽ tranh đẹp như họa sĩ


Theo ngaynay.vn