Kết quả 1 đến 1 của 1
Chủ đề: Cơm rau nuôi xanh con chữ
-
11-12-2015, 02:00 PM #1Junior Member
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
Cơm rau nuôi xanh con chữ
Thầy đường xa, trò ngái nhà
Thầy Nguyễn Ngọc Hiển, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện, người gần ba mươi năm gắn bó với vùng này bật điện thoại cho chúng tôi xem những bức ảnh cũ. Một túp nhà nứa lá đơn sơ nằm trên đất đá, lèo tèo vài con người đứng bên. Đó là lớp học đầu tiên ở xã Hướng Lập, được những thầy giáo vùng xuôi cùng với dân bản dựng nên. Buổi đầu khó khăn, gây dựng cho được lớp học như thế là khó, nhưng chưa khó bằng chuyện phải bắt đầu dạy từ đâu, tổ chức lớp học thế nào. Đấy là những trăn trở buổi đầu của không riêng gì xã Hướng Lập mà cả các địa bàn thôn, bản ở huyện Hướng Hóa.
Cứ miên man nghĩ một hồi thì xe đến nơi. Không còn căn nhà thô sơ trong ảnh, thay vào đó là ngôi trường hai tầng kiên cố - Trường phổ thông bán trú tiểu học và trung học cơ sở Hướng Lập. Mười giờ sáng, sân trường vắng lặng im phắc. Cứ ngỡ trường vùng xa nên học trò nghỉ sớm. Chỉ đến khi vào lớp mới thấy các thầy, cô vẫn chuyên tâm giảng bài, học trò vẫn chăm chú lắng nghe ghi chép. Dù trường ở vùng sâu nhưng việc dạy học vẫn rất chỉn chu, có trống đánh báo giờ và kỷ luật nghiêm.
Đội ngũ cán bộ giáo viên của trường khá trẻ, đây thật sự là 'nguồn lực' cần thiết cho sự nghiệp giáo dục miền cao. Nhờ niềm hăng say nhiệt tâm, chịu thương, chịu khó, thầy, cô giáo không quản ngại gian nan, quyết liệt trong việc huy động học sinh và duy trì sĩ số. Các thầy, cô giáo hầu hết đều là người Kinh, có những người còn rất trẻ, mới ra trường cũng chấp nhận xa nhà vào đây với các em. Cô Lê Thị Tuyết Trinh quê ở tận xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) tâm sự mỗi tuần chạy xe máy vượt hơn trăm rưỡi cây số từ đây về nhà, bữa sau lại ngần ấy cây số gấp gáp lên trường cho kịp. Biết là đường xa nhưng vẫn phải về vì con còn rất nhỏ. Bỏ con dại miền xuôi để vào đây, thật cũng xót ruột lắm, nhưng biết làm sao được, thôi thì coi các em như con để bù đắp những ngày thiếu tình mẫu tử. Sự hy sinh quả là lớn lao.
Hay như thầy Phạm Trung Kiên, vốn là một chàng trai sống ở thành phố Đông Hà, cũng sẵn sàng nhận quyết định vào làm công tác văn phòng. Thầy vừa hoàn thành một năm tập sự, một năm ở đây rau xanh 'luyện' cho thầy gầy đi, nhưng nụ cười vẫn rất tươi. Chợt nhận ra hai chữ 'tập sự' ở vùng cao thật kỳ phu hơn ở dưới miền xuôi. Tập sự là cả thử thách nặng nề, mà hệ trọng nhất là biết vượt qua chính mình. Dân ta nói băng đèo lội suối không bằng vượt qua lòng mình. Dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng thì các thầy, cô giáo ở đây quả là kiên cường. Khi chúng tôi hỏi tại sao bao người mơ ước rời bỏ chốn khó khăn đến nơi đô hội mà thầy thì ngược lại, và thầy định bao giờ về xuôi. Thầy Kiên chỉ cười, rồi bảo ở đây cũng vui mà.
Chúng tôi thật sự bất ngờ với những người trẻ như cô Trinh, thầy Kiên dám hy sinh tuổi xuân cho sự nghiệp trồng người nơi miền đất khó. Việc liên lạc ở đây rất trúc trắc, sóng điện thoại chập chờn khi được khi không và mạng viễn thông thì quá yếu. Nhiều khi muốn gửi một file văn bản về xuôi phải chạy bảy chục cây số ra ngoài Khe Sanh mới chuyển đi được.
'Các anh vào được đây thấy xa, chứ thực ra đây mới chỉ là khu vực trung tâm, trường còn bảy điểm lẻ ở tận các bản heo hút. Đường đi chỉ thấy sương mù trước mắt. Bây giờ nhà nước đang cho làm đường, lần sau các anh lên chắc dễ đến mấy bản đó hơn', thầy Hiệu trưởng Phan Ngọc Dương cho biết. Các điểm lẻ là khối học sinh tiểu học. Riêng khối trung học phải tập trung ở đây và theo hình thức bán trú.
Cơm rau… xã hội hóa
Tan giờ học buổi sáng, các em về khu nhà bán trú ở ngay phía sau trường. 47 em ở trong ba phòng, mỗi phòng chừng mười mét vuông, khá chật chội. Ở bán trú nên các em rất biết cách tự lập, từ việc giặt giũ, nấu ăn và cả chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
Chúng tôi bước vào cái lán tôn nhỏ, khói lên um tùm cay mắt. Giờ này các em đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Khoảng mười lăm chiếc nồi nhọ đen kê trên bếp củi như một... hội thi nấu cơm giỏi. Mà đúng là giỏi thật. Các em tự kiếm củi, tự nhóm bếp một cách rành rọi. Các kỹ năng này tuy đơn giản nhưng học trò miền xuôi chưa chắc đã làm tốt. Cả học sinh nữ lẫn học sinh nam đều vào bếp, vừa dụi mắt xua khói vừa coi lửa. Các em cho biết thường hai đến bốn em ăn chung một nồi. Mỗi ngày chỉ ăn hai bữa trưa và tối, bữa sáng thường là nhịn.
Việc xã hội hóa được nhà trường chú trọng, mô hình bán trú dân nuôi phát huy tốt hiệu quả. Nhiều chương trình từ thiện cũng về đây với các em như tặng xe rút ngắn chặng đường, tặng chăn ủ ấm mùa đông. Tất nhiên đấy là những thứ 'khô', còn tươi như thức ăn thì các em phải tự kiếm. Món ăn chủ yếu là rau xin ở các nhà trồng bên suối. Ồ, hóa ra rau cũng từ nguồn… xã hội hóa! Lật các nồi thức ăn thấy đúng là chỉ rau, đu đủ nấu xâm xấp nước. Có thể gọi là món kho, có thể gọi là canh. Hỏi các em ăn toàn rau như thế lấy sức đâu mà học. Các em bảo quen rồi, có cơm là tốt lắm rồi, mỗi tháng một em được cấp 15 cân gạo (theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Dạy ăn cũng là sáng kiến kinh nghiệm
Ghé thăm trường mầm non, các cô cũng cho biết những khó khăn tương tự như bên trường phổ thông. Song, mầm non còn cái khó đặc thù vì lứa tuổi các cháu còn quá nhỏ, lại là cấp học đầu tiên nên các cô phải dạy từ cách nói, cách ăn. Ở nhà các cháu quen dùng tiếng Vân Kiều, đến lớp được các cô hướng dẫn bằng tiếng Việt khiến nhiều khi giữa cô và cháu không hiểu nhau. Rồi đến việc ăn. Vốn các cháu chưa quen dùng thìa, đến lớp các cô phải dạy cho cách dùng thìa xúc, ban đầu trật trệu rơi vãi lung tung. Các cô dạy từng lời nói mời nhau ăn, dạy cách nói xin thêm cơm, bày cách lau rửa tay trước khi ăn.
Bữa ăn ngày mưa của các cháu mầm non.
Chúng tôi thấy các cháu khá ngoan, nền nếp và lễ phép trong bữa ăn. Các cô cho biết để được như thế là cả quá trình mấy năm... nghiên cứu. Cứ như một công trình khoa học chứ chẳng phải chơi. Riêng việc làm sao dạy cho các cháu sử dụng thành thạo đồ dùng ăn uống là cả một sáng kiến kinh nghiệm. Cái sáng kiến kinh nghiệm này quả là thực tiễn và nhân văn. 'Học ăn học nói học gói học mở', có lên đây mới hiểu thêm được cái nghĩa chân thực của thành ngữ này.
Chế độ ăn uống là điều đáng quan tâm hơn cả, ở nhà các cháu có gì ăn nấy, nhưng đến lớp thì phải bảo đảm tiêu chuẩn dinh dưỡng. 'Các cháu tội lắm, ăn… rất được, mỗi bữa đến nửa lon gạo chứ không biếng như các cháu dưới xuôi', cô Hồ Thị Ao, vừa phụ trách y tế, vừa làm cấp dưỡng nói kiểu vừa thương, vừa mừng. Mừng vì các cháu ăn ngoan, nhưng thương vì thịt cá tươi phải mua tận ngoài Khe Sanh mang vào. Những ngày mưa, không có xe buôn chở thức ăn vào bản thì bữa ăn các cháu vẫn chỉ là… rau. Bữa ăn hôm nay chẳng hạn, chúng tôi thấy chỉ hai món, canh bí đao nấu dầu và cá hộp kho sánh.
Chúng tôi chia tay Hướng Lập khi mưa ngoài trời nặng hạt thêm, mưa xói liên tục mấy hôm nay nhưng những khóm rau tăng gia trong khuôn viên trường vẫn xanh mầu. Rau ấy nuôi cả thầy và trò, rau ấy nuôi xanh những con chữ. Chúng tôi ra về và lưu giữ những nụ cười thường trực trên môi các thầy, cô, lại tủm tỉm về những câu chuyện tiếu lâm tếu táo được nghe kể. Thầy Phan Ngọc Dương nói ở đây gian khổ nên lấy tiếng cười làm vui, cho quên đi đường xa và nhọc nhằn đời sống, lạc quan thì làm được hết.
Hợp tác cùng Thời Nay
Xem thêm:
Bài toán lớp 1 tìm tam giác làm các ông bố vò đầu bứt tai
Thú vị với trường học bơi kiểu người cá ở Singapore
Những điều chỉnh mới trong kì thi THPT quốc gia năm 2016
Theo ngaynay.vnView more the latest threads:
- Chàng sinh viên biến bãi rác thành vườn hoa đẹp lung linh
- Lắp nhà vệ sinh cho học sinh chuyển giới 6 tuổi
- Chọn trại hè cho con cần chú ý điều gì?
- Phép toán khiến hàng ngàn người Nhật tranh cãi để tìm ra đáp án
- Bỏ xét tuyển theo nhóm trường, Bộ GD-ĐT có phạm luật?
- Phụ huynh rơi nước mắt với đề cương ôn thi học kỳ của con
- Hơn 3.000 luận án tiến sĩ đang ở đâu?
- Bảo vệ làm ngơ, đứng nhìn nữ sinh tát bạn bật máu
- Nữ sinh tát bạn bật máu: 54 phát chứ không phải 50 phát
- Không kỷ luật cô giáo ''Đất nước mình ngộ quá phải không anh?'
Nâng Ngực Nội Soi Có Để Lại Sẹo...
Hôm nay, 04:03 PM in Tin quảng cáo linh tinh