Hương Sơn nổi tiếng là miền đất Phật thanh tịnh thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Ha Son






Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
'Đệ nhất động' hỏi rằng đây có phải!
Thỏ thẻ rừng mai chim cùng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh
Sự tĩnh lặng, thanh tịnh tạo nên vẻ quyến rũ rất riêng cho quần thể văn hóa - tôn giáo và danh thắng chùa Hương. Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, những ngôi đền thờ thần, những ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp... Vùng đất Hương Sơn ngoài chức năng danh thắng 'Đệ Nhất Trời Nam' còn là nơi lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử văn hoá, tôn giáo của người Việt cần khám phá.






Vẻ đẹp thanh tịnh của miền đất phật. Ảnh: Chien Thang Nguyen






Thắng cảnh Hương Sơn được chia thành 4 tuyến, tuyến Hương Tích là tuyến chính, du khách hành hương về lễ phật bắt đầu cuộc hành trình trên dòng suối Yến trong xanh, mềm mại như dải lụa.






Suối Yến đẹp mơ màng mở đầu cho cuộc hành trình về đất phật. Ảnh: Andre Luu







Bắt đầu từ Đền Trình, xuống thuyền đến chùa Thiên Trù - Động Tiên Sơn - Chùa Giải Oan - Đền Trấn Song - Động Hương Tích - Chùa Hinh Bồng. Đây là tuyến đi chính thu hút nhiều khách tham quan nhất. Ngoài ra còn có khu Thanh Hương gồm chùa Thanh Sơn, động Huơng Đài; Khu Long Vân gồm chùa và Động Long Vân, Cây Khế, hang Thánh Hoá; Khu Tuyết Sơn gồm 4 di tích Chùa Bảo Đài, Động Ngọc Long, chùa Ngư Trì, đền Trình Phú Yên






Chùa Thiên Trù Hương Sơn là ngôi chùa đầu tiên hành khách nhìn thấy khi xuống bến. Ảnh: hoabinhtourist.com







Thông thường, du khách hành hương về đây, bao giờ cũng vào Đền Trình đầu tiên, để thắp nén hương thơm trình nên 'sơn thần' linh thông chứng giám, lòng thành lễ Phật. Ngôi đền được gọi với tên chữ 'Ngũ Nhạc Linh Từ' vì nằm cạnh năm ngọn núi nhỏ, thờ một vị thần tướng dưới ngọn cờ đức thánh Phù Đổng Thiên Vương có công đánh giặc ân đời Hùng vương thứ VI.






Du khách vào Đền Trình đầu tiên trước khi đi vãn cảnh chùa Hương. Ảnh: nhomphuot.com







Sau khi vào lễ thần tại Đền Trình, đoàn chúng tôi xuống thuyền của Ban tổ chức Lễ hội tiếp tục cuộc hành trình. Dọc theo dòng nước Suối Yến trong xanh, cảnh sắc Hương Sơn hiện ra như ' tiên cảnh' chốn 'bồng lai' với nhiều dãy núi đá vôi xanh, được bao phủ bởi những cánh rừng có nhiều loài cây quý.
Không biết có phải, về chốn 'tiên cảnh bồng lai', đến vùng đất Phật tích, nơi Bà Quán Thế âm Bồ Tát tu hành đắc đạo trong động Hương Tích, con người muốn gột bỏ những lo toan 'trần tục”.






Động Hương Tích đẹp lung linh huyền ảo. Ảnh: wn.com.vn







Đến với miền đất tâm linh này, con người như được thả hồn vào phong cảnh thiên nhiên “sơn thuỷ hữu tình” thoả sức ngắm những ngọn núi với những cái tên thân mật như: Núi Con Voi, núi Lọng Cụp, Mâm Xôi Con Gà, núi Đổi Chèo…






Vẻ đẹp lung linh, hùng vĩ bên trong đệ nhất động. Ảnh: wn.com.vn







Đến bến Trò, xuống thuyền lên Thiên Trù, ngôi chùa khá rộng rãi nằm trên một khoảnh đất rộng ở thế đắc địa 'thượng sơn hạ thuỷ'. Ngôi chùa còn được gọi với cái tên chùa ngoài.
Tiếp theo hành trình là động Hương Tích (động trong). Theo những người lễ Phật tại Chùa Hương, đây chính là nơi quan trọng nhất, linh thiêng nhất, đẹp nhất Hương Sơn. Nơi đây, đã từng ghi dấu tích trong một chuyến tuần thú phương Nam của một vị chúa thời Hậu Lê, đến Động Hương tích thán phục vẻ đẹp kỳ ảo của Động, bái phong và đề tặng trên cửa động năm chữ 'Nam Thiên Đệ Nhất Động' (Động đẹp nhất trời Nam) năm 1770.






Canh rau sắng – đặc sản chùa Hương. Ảnh: chuahuongtravel.com







“Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa…”
Đến chùa Hương, du khách còn được thưởng thức những đặc sản đã đi vào thi ca: canh rau sắng, mơ Hương Sơn, chè củ mài...và thưởng thức nhiều loại hình văn hoán dân gian đã gắn bó từ bao đời của người dân nơi đây.
Tây Nguyên (TH)
Xem thêm:
Khám phá top 5 nhà hàng sang trọng nhất Việt Nam
Khám phá cuộc sống thường ngày ít được biết đến tại đất nước bí ẩn

Theo ngaynay.vn